Gây mê toàn thân trong mổ lấy thai cấp cứu

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thọ - Bác sĩ Gây mê Giảm đau - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Gây mê toàn thân trong mổ lấy thai cấp cứu là một thủ thuật khó, đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn người thực hiện phải nhanh, chính xác, chuẩn mực cũng như cơ sở thực hiện phải có đầy đủ phương tiện gây mê, cấp cứu. Bởi chỉ cần xảy ra một sơ xuất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

1. Gây mê trong mổ lấy thai

Gây mê toàn thân chỉ là một trong những lựa chọn để vô cảm trong mổ lấy thai, tuy nhiên trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp thì gây mê gần như là một chỉ định bắt buộc và việc thực hiện gây mê nhanh hay chậm có ảnh hưởng lớn đến an toàn của mẹ và thai nhi.

2. Gây mê trong mổ lấy thai cấp cứu

Mức độ cấp cứu của chỉ định mổ lấy thai cấp cứu phụ thuộc chủ yếu vào yêu cầu thời gian tối thiểu để thực hiện việc mổ lấy thai.

2.1. Cấp cứu khẩn cấp: Thời gian không quá 5 phút

Vỡ tử cung trong chuyển dạ
Sản phụ vỡ tử cung nhanh chóng cấp cứu khẩn cấp

2.2. Cấp cứu không thể chậm trễ: thời gian 10 - 15 phút

  • Nguyên nhân con: Suy thai cấp nhưng điều trị có cải thiện (tim thai chậm có hồi phục).
  • Nguyên nhân mẹ: dọa vỡ tử cung, sản giật
  • Nguyên nhân khác: thất bại lấy thai bằng dụng cụ, ngôi mông, mắc đầu hậu.

2.3. Cấp cứu nhưng có thời gian chuẩn bị: thời gian trên 30 phút

  • Nguyên nhân cơ học: Ngưng mở cổ tử cung trong khi chuyển dạ, không lọt, thất bại khởi phát chuyển dạ, bất tương xứng mẹ - con.
  • Nguyên nhân mẹ: tăng huyết áp, có chỉ định mổ lấy thai khi chuyển dạ.
  • Nguyên nhân thai: suy thai mạn, bất đồng nhóm máu Rhésus.
  • Mổ lấy thai ghi nhận xảy ra nhiều biến chứng cho mẹ nhất là mổ trong tình huống cấp cứu. Chỉ định thay đổi, nhưng thường hay gặp là chỉ định trong trường hợp suy thai cần lấy thai ra nhanh, người mẹ thường lo lắng. Trong một số chỉ định mổ lấy thai cấp cứu (mất máu nặng, rau tiền đạo, vỡ tử cung, tắc mạch do nước ối...) có nguy cơ chảy máu cao.

Sự kết hợp giữa bác sĩ gây mê và bác sĩ sản khoa giúp bệnh nhận chọn lựa được phương pháp gây mê phù hợp. Phải tính đến nhiều tiêu chuẩn, nhất là mức độ cấp cứu cần phải lấy thai nhi ra trong vòng trước hay sau 10 phút. Cần lấy thai nhi ra trong thời gian dưới 10 phút thì gây mê toàn thân gần như là lựa chọn bắt buộc.

Nếu có thể chậm trễ trên 10 phút thì gây tê vùng có thể được cân nhắc lựa chọn. Nếu không có catheter ngoài màng cứng thì có thể gây tê tủy sống. Nếu đang có catheter ngoài màng cứng thì người ta bơm thêm lidocaine 2% + Fentanyl qua catheter ngoài màng cứng.

Chỉ định của gây tê tủy sống toàn bộ
Gây tê tủy sống là phương pháp thay thế khi không có catheter ngoài màng cứng

3. Kỹ thuật gây mê toàn thân mở lấy thai cấp cứu

Trong trường hợp cấp cứu gây mê cần phải được thực hiện nhanh, chính xác và cần chú ý một số điểm sau đây:

  • Cho bệnh nhân thở oxy 100% trong vòng 3 phút hay cho hít thở tối đa (kiểu đạt dung tích sống) 4 lần oxy 100%. Cả hai kỹ thuật này cho kết quả như nhau nhưng cho thở oxy 100% 4 lần nhanh hơn và phù hợp hơn trong tình huống cấp cứu.
  • Chuẩn bị sẵn máy hút
  • Phát hiện đặt nội khí quản khó, chuẩn bị sẵn phương tiện để xử trí đặt nội khí quản khó khi khám không phát hiện ra.
  • Sử dụng ống nội khí quản có đường kính nhỏ hơn, số nhỏ hơn bình thường một số, thường dùng số 6.5 hoặc số 7.0.
  • Gây mê đủ sâu.
  • Hạn chế ba lần đặt ống để tránh nguy cơ phù phản ứng gây khó đưa ống nội khí quản vào thậm chí không thể thông khí bằng mask. Nếu sau 30 giây không đặt được nội khí quản cần thông khí bằng mask với oxy 100% sau đó đặt lại lần 2.
  • Theo dõi độ bão hòa oxy mao mạch (SpO2)
Đặt nội khí quản khi dẫn mê là lựa chọn phổ biến
Trong trường hợp đặt nội khí quản khó cần sử dụng ống nội khí quản có đường kính nhỏ hơn

Phòng ngừa hội chứng trào ngược: Sau khi kiểm soát pH dạ dày, nhịn ăn, tiến hành thủ thuật Sellick được thực hiện bởi người phụ khi sản phụ mất ý thức cho đến khi đặt nội khí quản xong, bơm bóng, kiểm tra vị trí của ống nội khí quản bằng ống nghe, bằng đo CO2 thì thở ra. Ngược lại, ngưng thủ thuật Sellick trong trường hợp bệnh nhân nôn vì có nguy cơ vỡ thực quản. Nếu như đặt nội khí quản khó, tiến hành thông khí bằng mask để đảm bảo cung cấp oxy thì vẫn duy trì thủ thuật Sellick.

4. Các thuốc gây mê toàn thân mổ cấp cứu lấy thai

Các loại thuốc gây mê toàn thân được sử dụng mổ cấp cứu lấy thai như sau:

  • Thuốc mê: Thiopental liều khởi mê 4,5- 5mg/kg, ketamine 2mg/kg, etomidate 0,2 - 0,3mg/kg, propofol 2,5mg/kg, đặt nội khí quản bằng giãn cơ khử cực.
  • Thuốc giãn cơ: Suxamethonium 1 - 1,5mg/kg. Thuốc giãn cơ có qua hàng rao rau thai nhưng rất ít không gây hậu quả về lâm sàng
  • Thuốc giảm đau họ morphine qua hàng rào nhau thai dễ dàng nên gây suy hô hấp thai nhi, chỉ sử dụng sau khi đã kẹp cuống rốn. Tuy nhiên, có thể sử dụng trong một số trường hợp như tiền sản giật, tăng huyết áp để làm hạn chế cơn tăng huyết áp khi khởi mê.
  • Thuốc mê bay hơi họ halogen: trong quá trình thai nghén sản phụ tăng nhạy cảm với các loại thuốc mê bốc hơi. Tất cả các thuốc mê họ halogen làm giảm co cơ tử cung phụ thuộc nồng độ nhưng ở nồng độ thấp nó không làm ức chế đáp ứng của cơ tử cung với oxytocine. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo sử dụng nồng độ thấp: 0,4 - 0,5% với halothane và 0,75% với isoflurane.

Gây mê toàn thân trong mổ lấy thai là một kỹ thuật phức tạp và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng, vì vậy để đảm bảo an toàn cho sản phụ cũng như thai nhi, trước khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ gây mê cần nắm rõ tiền sử và bệnh lý của sản phụ đồng thời thai phụ nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín và bác sĩ có trình độ cao để thực hiện kỹ thuật này.

Phẫu thuật lấy thai tại BV Đa khoa Quốc tế Vinmec
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa điểm uy tín để mẹ bầu thực hiện kỹ thuật gây mê nội khí quản phẫu thuật trong mổ lấy thai.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với sự toàn diện cả về trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp đã thực hiện rất thành công kỹ thuật gây mê nội khí quản phẫu thuật trong mổ lấy thai.

Gây mê nội khí quản trong mổ lấy thai tại Vinmec có nhiều ưu điểm:

  • Tỷ lệ thành công cao ≥ 95%, tỷ lệ biến chứng ≤ 5%, đảm bảo an toàn phẫu thuật mổ lấy thai; góp phần thành công trong phẫu thuật mổ lấy thai có bệnh lý.
  • Phòng mổ hiện đại : Phòng mổ áp lực âm đảm bảo vô khuẩn cao, hệ thống máy gây mê, máy monitoring theo dõi bệnh nhân trong mổ hiện đại
  • Sở hữu các bác sĩ gây mê có nhiều kinh nghiệm trong gây mê Sản khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan