Gây mê toàn thân trong phẫu thuật dị dạng tử cung

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Minh Việt - Bác sĩ Gây mê - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Gây mê toàn thân trong phẫu thuật dị dạng tử cung là một phương pháp được sử dụng trong những trường hợp phẫu thuật phức tạp. Phương pháp này sẽ chống chỉ định đối với những người có dị ứng với một số loại thuốc gây mê.

1. Gây mê toàn thân là gì?

Gây mê toàn thân là sự kết hợp của các loại thuốc khác nhau( thuốc gây mê - giảm đau trung ương - giãn cơ...) với mục đích làm cho bệnh nhân không biết được những gì xảy ra xung quanh họ, về mặt y khoa còn gọi là tình trạng hôn mê. Ngăn chặn được cơn đau và làm tê liệt cơ thể trong khi làm phẫu thuật. Gây mê toàn thân là loại gây mê mạnh nhân trong các loại gây mê được sử dụng trong quá trình phẫu thuật.

Bệnh nhân được gây mê toàn thân cần phải có máy thở để thực hiện công việc của cơ hoành và các cơ hô hấp khác, giúp cho bệnh nhân có thể hít thở được. Có nhiều cách gây mê toàn thân như: gây mê nội khí quản, gây mê qua mask thanh quản,...

Gây mê toàn thân được sử trong đối với những ca phẫu thuật quan trọng và kéo dài, thường gây đau đớn. Loại gây mê này không những giúp cho bệnh nhân không đau trong quá trình phẫu thuật, mà còn giúp cho bác sĩ dễ dàng thực hiện phẫu thuật khi bệnh nhân nằm yên.

Gây mê toàn thân
Gây mê toàn thân giúp vô cảm và giảm đau sau phẫu thuật

2. Phẫu thuật dị dạng tử cung

2.1 Dị dạng tử cung

2.1 Dị dạng tử cung

Dị dạng tử cung là một bất thường về hình thái tử cung. Có rất nhiều loại dị dạng tử cung như:

  • Không có hình thái tử cung
  • Tử cung đôi
  • Tử cung có vách ngăn
  • Tử cung thông nhau
  • Tử cung thiểu sản

Tùy thuộc vào mức độ dị dạng của tử cung mà bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp mổ nội soi hay mổ mở. Đồng thời dựa vào đó để lựa chọn phương pháp gây mê phù hợp. Trong những trường hợp phẫu thuật dị dạng tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định gây mê toàn thân. Chống chỉ định gây mê toàn thân đối với những bệnh nhân có dị ứng với các thuốc gây mê như: Thuốc giãn cơ, thuốc mê, thuốc họ morphin,... và những trường hợp có bệnh lý thần kinh cơ.

bệnh nhược cơ
Gây mê toàn thân chống chỉ định với trường hợp người bệnh bị nhược cơ

2.2 Thực hiện gây mê toàn thân trong phẫu thuật dị dạng tử cung

Bước 1: Chuẩn bị

Người thực hiện gây mê toàn thân trong phẫu thuật dị dạng tử cung cho bệnh nhân là điều dưỡng và bác sĩ gây mê. Ngoài ra, một số dụng cụ cần chuẩn bị như:

  • Máy gây mê, đèn đặt nội khí quản, máy hút, ống nội khí quản
  • Ống hút nội khí quản
  • Bơm tiêm các loại: dùng để bơm thuốc và bơm bóng chèn ống nội khí quản
  • Thuốc sử dụng trong gây mê: diprivan ống 200 mg/20ml, tracurium ống 25mg/2,5ml hoặc esmeron ống 50mg/5ml, và fentanyl ống 0,1mg/2ml.
  • Dịch truyền các loại: ringer lactat, ringerfundin,...
  • Xe Etroley cấp cứu

Trước khi thực hiện phẫu thuật gây mê, bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý, được bác sĩ giải thích về mục đích và các biến chứng có thể xảy ra. Sau đó, bệnh nhân sẽ ký cam kết. Lưu ý, nhịn ăn uống tối thiểu 6 tiếng trước khi phẫu thuật.

Nhịn ăn
Bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi thực hiện phẫu thuật

Bước 2: Các bước tiến hành

  • Kiểm tra lại tim, phổi và khám tiên lượng nguy cơ đặt nội khí quản
  • Đặt một đường truyền tĩnh mạch ngoại vi và truyền dung dịch ringer lactat hoặc ringerfundin
  • Mắc máy monitor theo dõi dấu hiệu sinh tồn: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, huyết áp, độ bão hòa oxy.
  • Cho bệnh nhân tự thở chế độ CPAP nhằm tăng dự trữ oxy trước khi khởi mê

Tiến hành gây mê toàn thân cho bệnh nhân:

  • Tiêm Fentanyl 2-3mcg/kg, sau đó tiêm thuốc mê Diprivan với liều 2- 2.5 mg/kg.
  • Khi bệnh nhân đã mất tri giác thì tiêm thuốc giãn cơ Esmeron với liều lượng 0,6 – 0,8 mg/kg. Nếu là phẫu thuật ngắn hoặc trường hợp bệnh nhân có mắc suy thận thì sử dụng Tracurium 0,6-1 mg/kg.
  • Tiến hành đặt nội khí quản sau 1 phút, bơm bóng chèn ống nội khí quản. Xác định ống đúng vị trí khi nghe phổi thấy rì rào phế nang rõ cả hai bên và trên thán đồ có sóng điển hình của ống nội khí quản đúng vị trí.
  • Cố định ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy. Cần duy trì mê bằng thuốc mê hô hấp như Isoflurane hoặc Sevofluran 0,5 - 1 MAC, hoặc sử dụng thuốc mê tĩnh mạch Diprivan 6 – 9 mg/kg/giờ.
  • Tiến hành đặt sonde tiểu
  • Bắt đầu tiến hành sát trùng và phẫu thuật.
  • Theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn như: mạch, huyết áp, bão hòa oxy mao mạch và đặc biệt là áp lực CO2 cuối thì thở ra
  • Theo dõi độ sâu của gây mê dựa vào nhịp tim, huyết áp, các thông số máy thở: áp lực đường thở, tần số,... Và các triệu chứng như vã mồ hôi, chảy nước mắt (PRST), MAC, BIS và Entropy (nếu có)...
  • Trước khi thoát mê rút ống người bệnh phẫu thuật dị dạng tử cung mổ mở sẽ được gây tê cơ vuông thắt lưng 2 bên để giảm đau sau mổ
  • Kết thúc phẫu thuật cho bệnh nhân tập thở qua ống nội khí quản, rút nội khí quản khi người bệnh tỉnh, theo lệnh, thở tốt, mạch, huyết áp ổn định và hết tác dụng của thuốc giãn cơ.

2.3 Theo dõi và xử trí tai biến

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được theo dõi tại phòng hồi tỉnh và tiếp tục thở oxy qua mũi với liều lượng 3-5 lít/ phút. Theo dõi dấu hiệu sinh tồn như mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, độ bão hòa oxy,... tình trạng chảy máu và các dẫn lưu nếu có.

Gây mê toàn thân trong phẫu thuật dị dạng tử cung có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Trào ngược dịch dạ dày vào đường thở: Nếu có dịch tiêu hóa ở trong khoang miệng và đường thở cần hút sạch dịch, và cho bệnh nhân nằm đầu thấp và nghiêng sang một bên. Đặc biệt theo dõi và đề phòng nhiễm trùng phổi sau khi mổ.
  • Rối loạn huyết động: Rối loạn nhịp tim, hạ hoặc tăng huyết áp
  • Các tai biến do đặt nội khí quản như: không đặt được nội khí quản, đặt nhầm vào dạ dày, co thắt khí phế quản, chấn thương, chảy máu, gãy răng,...
  • Các biến chứng về hô hấp: tụt hoặc hở hệ thống hô hấp, gập, tụt ống nội khí quản bị đẩy sâu vào một bên phổi,...
  • Các biến chứng sau khi rút nội khí quản: suy hô hấp, đau họng, khàn tiếng, viêm đường hô hấp trên, hẹp thanh khí quản,...
Suy hô hấp
Suy hô hấp là một tai biến có thể xảy ra sau phẫu thuật

Tóm lại, gây mê toàn thân trong phẫu thuật dị dạng tử cung là một thủ thuật phức tạp và gây ra nhiều biến chứng. Do đó, sau khi phẫu thuật người bệnh cần được theo dõi sát, khi thấy bất cứ dấu hiệu nào bất thường cần thông báo ngay với nhân viên y tế để được xử trí kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Minh Việt đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê - Hồi sức, trong đó có hơn 2 năm là chuyên gia Y tế tại Yemen và nguyên là Trưởng khoa Gây mê Hồi sức - Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Hiện bác sĩ Lê Minh Việt đang là bác sĩ gây mê, Đơn nguyên gây mê - phòng mổ, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

155 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan