Giấc ngủ sâu là gì và tại sao nó quan trọng?

Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng và không thể thiếu đối với bất kỳ ai. Việc chăm sóc giấc ngủ tốt sẽ giúp chúng ta giữ gìn được một sức khỏe tốt để lao động và học tập. Vậy phương pháp để có giấc ngủ sâu là gì?

1. Giai đoạn ngủ sâu được định nghĩa như thế nào?

Có thể bạn đã nghe nói rằng người trưởng thành cần ngủ từ 7 - 9 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, chất lượng giấc ngủ bạn nhận được cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

Trong khi cơ thể của chúng ta bắt đầu nghỉ ngơi, cơ thể sẽ trải qua các giai đoạn khác nhau của một chu kỳ giấc ngủ. Theo đó, giấc ngủ sâu chính là giai đoạn mà chúng ta cần để cảm thấy sảng khoái khi thức dậy vào buổi sáng hôm sau. Không giống như giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (còn gọi là giấc ngủ REM), giấc ngủ sâu xảy ra khi cơ thể và sóng não của chúng ta chậm lại.

Thật khó để chúng ta có thể thức dậy ngay lập tức sau một giấc ngủ sâu, nếu tỉnh dậy quá đột ngột chúng ta có thể cảm thấy đặc biệt lảo đảo.

2. Các giai đoạn của giấc ngủ bao gồm những gì?

Giấc ngủ được chia thành 2 loại là giấc ngủ REM và giấc ngủ non-REM. Chúng ta sẽ bắt đầu một đêm dài với giấc ngủ non-REM, tiếp theo đó là một khoảng thời gian ngắn của giấc ngủ REM. Chu kỳ giấc ngủ này sẽ tiếp tục suốt đêm và lặp lại khoảng 90 phút một lần. Giấc ngủ sâu sẽ xảy ở giai đoạn cuối của giấc ngủ non-REM.

2.1. Giấc ngủ non-REM diễn ra như thế nào?

  • Giai đoạn 1 của giấc ngủ non-REM thường sẽ kéo dài vài phút, đây chính là giai đoạn chúng ta chuyển từ trạng thái thức sang trạng thái ngủ. Trong giai đoạn 1 của giấc ngủ non-REM, các chức năng cơ thể của chúng ta như nhịp tim, hô hấp và chuyển động của mắt sẽ bắt đầu chậm lại, các cơ bắp của cơ thể bắt đầu thư giãn, chỉ thỉnh thoảng co giật nhẹ và sóng não cũng bắt đầu chậm lại từ trạng thái tỉnh táo.
  • Giai đoạn 2 của giấc ngủ non-REM là giai đoạn chiếm khoảng 50% toàn bộ chu kỳ giấc ngủ của chúng ta. Đây là giai đoạn của giấc ngủ rơi vào nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong suốt cả đêm. Trong giai đoạn 2 của giấc ngủ non-REM: hệ thống cơ thể của chúng ta vẫn sẽ tiếp tục chậm lại và thư giãn, thân nhiệt giảm xuống, chuyển động mắt dừng lại, sóng não chậm tuy nhiên vẫn có có một số đợt hoạt động ngắn.
  • Giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ non-REM chính là giai đoạn chúng ta trải qua giấc ngủ sâu. Trong các giai đoạn này, nhịp tim và hơi thở của chúng ta sẽ trở nên chậm nhất, cơ bắp thư giãn, sóng não cũng trở nên chậm nhất trong cả quá trình ngủ. Lúc này chúng ta rất khó bị đánh thức ngay cả khi có tiếng động lớn

Giấc ngủ sâu còn được gọi là “giấc ngủ sóng chậm” hoặc “giấc ngủ delta”, giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ này thường sẽ kéo dài từ 45 - 90 phút và thường duy trì trong thời gian dài hơn ở nửa đầu của đêm và trở nên ngắn hơn với mỗi chu kỳ giấc ngủ về sau.

2.2. Giấc ngủ REM diễn ra như thế nào?

Tiếp theo chúng ta nói đến giai đoạn 5 của giấc ngủ, hay có thể hiểu là giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ REM. Đây là giai đoạn xảy ra khoảng 90 phút sau khi đã trải qua các giai đoạn của giấc ngủ non-REM.

Trong giai đoạn này mắt của chúng ta có sự di chuyển nhanh từ bên này sang bên kia. Chúng ta sẽ có những trải nghiệm được gọi là giấc mơ khi hoạt động não tăng lên, trạng thái tỉnh táo hơn, nhịp tim tăng lên gần với nhịp tim của trạng thái tỉnh táo. Trong giai đoạn này đôi khi hơi thở của chúng ta cũng trở nên nhanh hơn và thậm chí không đều, tay chân thậm chí có thể bị tê liệt.

3. Tác dụng của giấc ngủ sâu là gì?

Quá trình chuyển hóa glucose trong não bộ của chúng ta sẽ có xu hướng tăng lên khi cơ thể đi vào trạng thái ngủ sâu, điều này sẽ hỗ trợ trí nhớ ngắn hạn và dài hạn cũng như hỗ trợ quá trình học tập về tổng thể. Khi cơ thể ngủ sâu cũng chính là lúc tuyến yên tiết ra các hormone quan trọng, một trong số đó có thể kể đến như hormone tăng trưởng của con người. Đây là hormone dẫn đến sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể.

Các tác dụng của giấc ngủ sâu khác bao gồm:

  • Giúp cơ thể con người phục hồi năng lượng;
  • Tái tạo các tế bào;
  • Tăng cung cấp máu cho hệ thống cơ bắp;
  • Thúc đẩy quá trình tăng trưởng và sửa chữa các mô và xương;
  • Tăng cường sức khỏe của hệ thống miễn dịch.

4. Khi bạn không ngủ đủ giấc sẽ có điều gì xảy ra?

Không phải ai cũng có phương pháp để có giấc ngủ sâu, giấc ngủ sâu chịu trách nhiệm giúp xử lý những thông tin mà chúng ta gặp mỗi ngày. Nếu ngủ không đủ, não bộ của chúng ta sẽ không thể chuyển đổi thông tin này vào bộ nhớ. Không có cách để có giấc ngủ sâu cũng như không có được giấc ngủ chất lượng cũng là một mối liên hệ với các biểu hiện bệnh lý như:

Tuy nhiên ngay chính bản thân của giai đoạn ngủ sâu cũng có liên quan đến một số rối loạn, như:

  • Hiện tượng mộng du;
  • Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng;
  • Đái dầm.

5. Chúng ta cần bao nhiêu giấc ngủ sâu là đủ?

Chúng ta đã trải qua khoảng 75% thời gian giấc ngủ cả đêm là giấc ngủ non-REM và 25% thời gian trải qua trong giấc ngủ REM. Trong số này, có khoảng 13-23% trong tổng số giấc ngủ của chúng ta là giấc ngủ sâu. Điều đó cho thấy rằng, giấc ngủ sâu sẽ giảm dần theo tuổi tác, vì nếu bạn dưới 30 tuổi, bạn có thể ngủ sâu 2 tiếng mỗi đêm, tuy nhiên nếu bạn trên 65 tuổi, bạn có thể chỉ ngủ sâu được nửa tiếng mỗi đêm hoặc hoàn toàn không có giấc ngủ sâu trong đêm.

Không có yêu cầu cụ thể cho thời lượng của giấc ngủ sâu bao nhiêu là đủ, nhưng những người trẻ tuổi có thể cần nhiều giấc ngủ sâu hơn vì nó thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển. Người lớn tuổi vẫn cần đến giấc ngủ sâu, nhưng nếu tình trạng ngủ không sâu xảy ra không nhất thiết cho thấy họ bị rối loạn giấc ngủ.

6. Làm sao để biết chúng ta có ngủ sâu hay không?

Nếu chúng thức dậy buổi sáng với cảm giác mệt mỏi, đó có thể là dấu hiệu cho thấy chúng ta không ngủ đủ giấc. Hiện nay có các thiết bị đeo được đo giấc ngủ bằng cách theo dõi chuyển động của cơ thể trong đêm. Công nghệ này vẫn còn tương đối mới, nó có thể giúp xác định các kiểu ngủ nhưng không phải là chỉ báo đáng tin cậy về mức độ ngủ sâu.

Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một bài kiểm tra về giấc ngủ gọi là đa ký giấc ngủ (PSG). Trong bài kiểm tra này, người được kiểm tra sẽ ngủ trong phòng thí nghiệm khi đã được kết nối với màn hình để đo lường các thông số sau đây:

  • Nhịp thở;
  • Nồng độ oxy;
  • Mức độ vận động cơ thể;
  • Nhịp tim;
  • Sóng não.

Bác sĩ có thể dựa vào những thông tin này để xem chúng ta có ngủ sâu hay không.

7. Phương pháp để có giấc ngủ sâu

Nhiệt có thể thúc đẩy giấc ngủ sóng chậm hơn, do đó người ta cho rằng phương pháp để có giấc ngủ sâu đơn giản nhất là tắm nước nóng hoặc xông hơi khô trước khi đi ngủ, phương pháp này có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ của chúng ta rất hiệu quả. Chế độ ăn ít carbohydrate hoặc sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm cũng có thể thúc đẩy giấc ngủ sâu diễn ra nhiều hơn, mặc dù cần thêm nhiều nghiên cứu hơn về lĩnh vực này.

Dưới đây là một số cách để có giấc ngủ sâu:

  • Thiết lập cho mình một lịch trình đi ngủ, trong đó chúng ta sẽ đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
  • Tập thể dục nhiều trong khoảng 20 - 30 phút mỗi ngày là một khởi đầu tốt để có giấc ngủ sâu. Tuy nhiên, cần tránh tập thể dục trong vài giờ trước giờ đi ngủ.
  • Uống nước và các loại thức uống không chứa caffein trước khi đi ngủ do caffeine, rượu và nicotin có thể khiến chúng ta khó có được một đêm ngon giấc.
  • Tạo thói quen thư giãn trước khi đi ngủ như đọc sách hoặc đi tắm.
  • Loại bỏ ánh sáng quá chói và tiếng ồn lớn. Việc dành quá nhiều thời gian để xem tivi hoặc máy tính có thể khiến chúng ta khó thư giãn.
  • Nếu khó đi vào giấc ngủ, chúng ta không nên nằm trằn trọc trên giường và nên cân nhắc thức dậy, thực hiện một vài hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách cho đến khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi trở lại.
  • Cân nhắc thay đổi loại gối khi đã sử dụng hơn một năm và cảm thấy không được thoải mái.

Tóm lại, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng và không thể thiếu đối với bất kỳ ai. Việc chăm sóc giấc ngủ tốt sẽ giúp chúng ta giữ gìn được một sức khỏe tốt để lao động và học tập. Hãy duy trì lối sống lành mạnh để nâng cao chất lượng giấc ngủ để luôn có một sức khỏe tốt.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn có thêm nhiều nguồn kiến thức bổ ích giúp nâng cao sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan