Hạ đường huyết ở người không có bệnh tiểu đường

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Hạ đường huyết là tình trạng xảy ra khi lượng đường trong máu quá thấp. Nhiều người nghĩ hạ đường huyết là điều chỉ xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nó cũng có thể xảy ra ở những người không có bệnh tiểu đường. Đây là những gì bạn cần biết về hạ đường huyết ở người không có bệnh tiểu đường.

1. Hạ đường huyết ở người bình thường là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng khiến lượng đường (glucose) trong máu giảm quá thấp. Điều này có thể xảy ra ở những người không mắc bệnh tiểu đường. Khi lượng đường trong máu thấp, cơ bắp và tế bào não không có đủ năng lượng để hoạt động.

Hạ đường huyết vẫn có thể xảy ra ở những người không có bệnh tiểu đường, nếu cơ thể của họ không có khả năng ổn định lượng đường trong máu hoặc do cơ thể của họ sản xuất quá nhiều insulin sau khi ăn. Hạ đường huyết ở những người không có bệnh tiểu đường thường ít gặp hơn hạ đường huyết xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Glucose rất quan trọng với não
Tình trạng lượng đường trong máu quá thấp dẫn đến hạ đường huyết không đái tháo đường

2. Nguyên gây ra hạ đường huyết không tiểu đường

2.1 Hạ đường huyết lúc đói/hạ đường huyết không phản ứng

Hạ đường huyết không phản ứng/ hạ đường huyết lúc đói không nhất thiết liên quan đến bữa ăn và có thể là do một căn bệnh tiềm ẩn. Nguyên nhân của hạ đường huyết không phản ứng có thể bao gồm:

  • Do tác dụng của một số loại thuốc hoặc thảo dược bổ sung như cây hồ đào, nhân sâm hoặc quế;
  • Mắc bệnh liên quan như bệnh gan, suy giáp và khối u;
  • Bị rối loạn ăn uống hoặc suy dinh dưỡng;
  • Đã từng phẫu thuật dạ dày hoặc chạy thận nhân tạo;
  • Do lượng rượu dư thừa dẫn đến ngăn chặn gan sản xuất glucose hoặc bất kỳ rối loạn nào ảnh hưởng đến gan, tim hoặc thận;
  • Do một số rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn;
  • Thai kỳ;
  • Mặc dù hiếm gặp nhưng một khối u của tuyến tụy có thể khiến cơ thể tạo ra quá nhiều insulin hoặc một chất giống như insulin, dẫn đến hạ đường huyết;
  • Thiếu hụt nội tiết tố cũng có thể gây hạ đường huyết vì hormone kiểm soát lượng glucose.

2.2 Hạ đường huyết phản ứng

Hạ đường huyết phản ứng xảy ra trong vòng một vài giờ sau bữa ăn. Việc sản xuất quá mức insulin gây hạ đường huyết phản ứng. Nguyên nhân gây hạ đường huyết phản ứng có thể chưa được biết đến hết, dưới đây là một số nguyên nhân sau cũng có thể gây ra hiện tượng này.

  • Tăng insulin.
  • Ăn nhiều carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng hoặc thực phẩm nhiều đường.
  • Tiền tiểu đường.
  • Bất kỳ phẫu thuật của hệ thống tiêu hóa.
Bánh mì nướng
Ăn nhiều bánh mì chứa nhiều carbohydrate tinh chế cũng có thể dẫn đến hạ đường huyết phản ứng

2.3 Hạ đường huyết không tiểu đường do hội chứng Dumping

Người đã phẫu thuật dạ dày để giảm bớt các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể có nguy cơ mắc một tình trạng gọi là hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng. Trong hội chứng này, cơ thể giải phóng insulin dư thừa để đáp ứng với các bữa ăn giàu carbohydrate. Điều đó có thể dẫn đến hạ đường huyết và các triệu chứng liên quan.

3. Ai có thể bị hạ đường huyết không tiểu đường?

Hạ đường huyết không có bệnh tiểu đường có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Nguy cơ hạ đường huyết không bị tiểu đường có thể cao hơn đối với một số nhóm người sau:

  • Người có vấn đề sức khỏe như béo phì, nhịn ăn
  • Người có thành viên gia đình mắc bệnh tiểu đường.
  • Người đã từng phẫu thuật trên dạ dày.
  • Người bị tiền tiểu đường.

Mặc dù tiền tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể trì hoãn hoặc ngăn chặn sự tiến triển từ tiền tiểu đường sang bệnh tiểu đường loại 2.

Nếu được chẩn đoán bị tiền tiểu đường, bạn sẽ phải có những thay đổi trong lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh và kiểm soát cân nặng, đã được chứng minh là giảm 58% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

4. Những triệu chứng của hạ đường huyết không tiểu đường

Mỗi người có phản ứng khác nhau với sự dao động của mức đường huyết. Một số triệu chứng hạ đường huyết:

  • Chóng mặt;
  • Cảm thấy rất mệt mỏi và yếu;
  • Cảm giác cực kỳ đói;
  • Đau đầu, lú lẫn không có khả năng tập trung;
  • Đổ mồ hôi;
  • Run rẩy;
  • Mờ mắt hoặc thay đổi tầm nhìn;
  • Thay đổi tính cách;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Có triệu chứng hạ đường huyết và không thể ăn;
  • Không tỉnh táo;
  • Bị co giật hoặc ngất xỉu.

Bạn có thể bị hạ đường huyết mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Nó được gọi là hạ đường huyết không nhận thức.

Kiểm soát hạ đường huyết để tránh gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài. Cơ thể cần glucose để hoạt động. Nếu không có mức glucose phù hợp, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, giảm tập trung trong công việc, cáu gắt. Trong trường hợp nghiêm trọng, hạ đường huyết có thể dẫn đến co giật, các vấn đề về thần kinh có thể đột quỵ hoặc thậm chí mất ý thức.

Ngất xỉu
Ngất xỉu là triệu chứng thường gặp ở khi hạ đường huyết

5. Làm thế nào được chẩn đoán hạ đường huyết không đái tháo đường?

Chỉ số đường huyết (ở đầu ngón tay hay tĩnh mạch) thấp hơn 70 mg/dl ( 3.9 mmol/L), thì đó có thể là dấu hiệu của hạ đường huyết.

Các xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán, để tìm nguyên nhân gây hạ đường huyết như: Nhịn ăn qua đêm hoặc nhịn ăn sau 72 giờ, xét nghiệm dung nạp glucose đường uống, được thực hiện ở bệnh viện, có nhân viên y tế theo dõi khi làm nghiệm pháp

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán các chấn thương bụng kín
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán hạ đường huyết không đái tháo đường

6. Điều trị hạ đường huyết không đái tháo đường

Luôn có sẵn thực phẩm hoặc đồ uống có chứa tinh bột, chất ngọt (bánh mì, gạo, ngũ cốc, trái cây, nước trái cây, sữa..) sẽ làm tăng lượng đường trong máu khi bị hạ đường huyết. Trong trường hợp bị hôn mê do hạ đường huyết, sẽ được cung cấp glucose qua đường tĩnh mạch

Điều trị tùy theo nguyên nhân gây hạ đường huyết. Ví dụ, nếu nguyên nhân gây hạ đường huyết xuất phát từ một loại thuốc đang dùng thì thay đổi hoặc ngừng loại thuốc đó. Điều trị các bệnh nền ( suy gan, suy thận,,)có nguy cơ gây hạ đường huyết ổn định. Nếu hạ đường huyết là do nồng độ hormone thấp, thì cách điều trị sẽ là bổ sung hormone.

Ngũ cốc
Người bệnh có thể ăn ngũ cốc khi hạ đường huyết để bổ sung carbohydrate cho cơ thể

7. Ngăn ngừa hạ đường huyết không tiểu đường

Tránh nhịn ăn (trong những trường hợp giảm cân không khoa học). Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày (5 đến 6 bữa) thay vì 3 bữa lớn. Ăn cùng một lượng carbohydrate trong bữa ăn và đồ ăn nhẹ mỗi ngày. Hầu hết mỗi người cần khoảng 3 đến 4 phần carbohydrate trong bữa ăn và 1 đến 2 phần cho bữa ăn nhẹ.

Không tiêu thụ các đồ uống hoặc thực phẩm có chứa caffeine. Ví dụ như cà phê, trà và một số loại soda. Caffeine có thể khiến các triệu chứng giống như hạ đường huyết xuất hiện, và có thể gây cảm giác mệt mỏi.

Hạn chế hoặc không uống rượu. Phụ nữ chỉ nên uống 1 ly mỗi ngày. Đàn ông chỉ nên uống 2 ly mỗi ngày. Dung lượng đối với mỗi ly là 12 ounce đối với bia, 5 ounce đối với rượu hoặc 1 ounces rượu mạnh. Không uống rượu khi đói. Thay vào đó là uống rượu với bữa ăn để tránh bị hạ đường huyết.

Bổ sung thực phẩm protein và rau trong bữa ăn. Một số thực phẩm giàu protein bao gồm thịt bò, thịt lợn, cá, thịt gia cầm (gà và gà tây), đậu và các loại hạt.

Hạ đường huyết nếu không được cấp cứu, xử lý kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Để bảo vệ sức khỏe của mình, bạn nên chủ động kiểm tra chỉ số đường huyết. Nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan