Hạn chế nguy cơ tử vong do áp xe não

Áp xe não được biết đến là một phản ứng đối với nhiễm trùng và chấn thương. Tuy không phải là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, nhưng nó vẫn là một tình trạng nghiêm trọng và có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

1. Áp xe não là gì?

Tình trạng áp xe não là tập hợp mủ được bao bọc ở trong mô não. Những áp xe này xuất phát từ các nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm. Ngoài ra, áp xe não cũng có thể là biến chứng của nhiễm trùng, phẫu thuật, các chấn thương...

Thông thường, áp xe não xuất hiện ở những đối tượng có hệ thống miễn dịch suy yếu (bị bệnh HIV hoặc đã thực hiện cấy ghép nội tạng...). Áp xe có thể do nhiễm trùng theo một trong những cách thức sau:

  • Lây lan từ khu vực lân cận, ví dụ như viêm tai giữa, áp xe răng, viêm xoang...
  • Máu mang các nhiễm trùng từ các bộ phận khác đến não.
  • Có vi sinh vật mang nhiễm trùng thâm nhập vào não thông qua vết thương, đặc biệt là vết thương xuyên thấu, hoặc từ các phẫu thuật thần kinh, chấn thương đầu...

2. Làm thế nào để nhận biết áp xe não?

Áp xe não có thể xuất hiện ở bất kì độ tuổi nào. Đối với người trưởng thành, áp xe não xuất hiện nhiều ở người dưới 30 tuổi và có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở nam. Đối với trẻ em, tình trạng này khá phổ biến ở nhóm từ 4 đến 7 tuổi, đôi khi cũng xuất hiện ở trẻ sơ sinh.

Khi bị áp xe não, bệnh nhân sẽ gặp một số biểu hiện sau:

  • Đau nhức đầu (chiếm khoảng 70% trường hợp bị áp xe): cơn đau thường bắt đầu ở vùng áp xe, diễn ra đột ngột. Các cơn đau này thường nằm ở một nửa đầu và không thể cải thiện bằng thuốc giảm đau;
  • Sốt (khoảng 45% - 53% trường hợp);
  • Co giật (khoảng 25% - 35%);
  • Buồn nôn, ói mửa (chiếm khoảng 40%): triệu chứng này thường có xu hướng tăng dần khi có áp lực tích tụ trong não;
  • Các cơn động kinh là biểu hiện khởi đầu của áp xe não.

Ngoài ra, có khoảng 65% trường hợp áp xe não có sự thay đổi thất thường liên quan đến vấn đề tâm thần khiến bệnh nhân có một số biểu hiện như:

  • Hoang mang, phản ứng chậm;.
  • Suy giảm khả năng tập trung;
  • Buồn ngủ, mệt mỏi;
  • Dễ cáu gắt;
  • Có thể gây hôn mê.

Một số vấn đề khác về thần kinh cũng có thể xuất hiện trong vài ngày hoặc vài tuần như:

  • Tê yếu cơ, yếu hoặc liệt một bên cơ th;.
  • Nói chậm, nói lắp;
  • Thị lực suy yếu, nhìn mờ, nhìn đôi;
  • Cổ, lưng và vai bị cứng cơ;

Nhìn chung, các triệu chứng của áp xe não là sự kết hợp triệu chứng từ các nhiễm trùng, các tổn thương mô não và áp lực lên não khi áp xe phát triển.

Động kinh
Áp xe não gây ra động kinh

3. Áp xe não có nguy hiểm không?

Câu trả lời là có.

Khi áp xe não không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. Một số biến chứng nguy hiểm đến từ áp xe não bao gồm:

  • Tổn thương não: các tổn thương có thể ở mức nhẹ đến trung bình, thường cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, một số tổn thương nghiêm trọng có khả năng kéo dài vĩnh viễn.
  • Chứng động kinh: bệnh nhân bị co giật nhiều lần.
  • Viêm màng não: khi áp xe não có nguyên nhân từ nhiễm trùng, các nhiễm trùng này cũng có thể gây viêm màng não và có nguy cơ cao gây tử vong. Đặc biệt, điều này rất phổ biến ở trẻ em.

4. Chẩn đoán và điều trị - những giải pháp giảm nguy cơ tử vong do áp xe não

4.1 Chẩn đoán áp xe não như thế nào?

Việc chẩn đoán tình trạng áp xe ở não thông qua những biểu hiện lâm sàng là cực kì khó khăn vì những triệu chứng này khá phổ biến ở nhiều bệnh lý thần kinh. Vì vậy, rất nhiều bệnh nhân đã chủ quan bỏ qua các dấu hiệu cho đến khi bệnh trở nặng.

Vì vậy, bạn cần phải báo với bác sĩ các dấu hiệu bất thường mà bạn gặp phải để hỗ trợ tốt hơn cho quá trình chẩn đoán. Khi nghi ngờ có sự hình thành áp xe não, các bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm kiểm tra như:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ MRI

Các kỹ thuật hình ảnh này sẽ cung cấp hình ảnh bên trong não bộ và áp xe có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều điểm khác nhau.

Chụp CT để chẩn đoán và điều trị áp xe não
Chụp CT để chẩn đoán áp xe não

4.2 Các phương pháp điều trị áp xe não

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời áp xe não là cực kì cần thiết để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm từ nó. Thông thường, vấn đề này được điều trị theo 2 hướng:

  • Điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh: khi biết nguyên nhân gây ra nhiễm trùng cụ thể, các loại kháng sinh thích hợp sẽ được sử dụng. Bên cạnh đó, một số loại kháng sinh phổ rộng sẽ được sử dụng để loại bỏ số lượng lớn tác nhân truyền nhiễm. Thông thường, kháng sinh sẽ được duy trì điều trị từ 6 tuần trở lên, đảm bảo loại bỏ hoàn toàn nhiễm trùng.
  • Loại bỏ áp xe: Khi áp xe nằm ở vị trí thuận lợi, ít có nguy cơ gây tổn thương não, các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ. Một số trường hợp áp xe não có thể được dẫn lưu.

5. Phòng ngừa áp xe não như thế nào?

Như đã đề cập phía trên, nhiễm trùng gây ra áp xe não có thể đến từ các khu vực lân cận. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh, bạn nên:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, khoa học; dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa trong các kẽ răng;
  • Điều trị viêm xoang bằng các loại thuốc thông mũi;
  • Có thể sử dụng kháng sinh với chỉ định từ bác sĩ nếu các nhiễm trùng răng/viêm xoang nghiêm trọng;
  • Ngăn ngừa bệnh HIV bằng các biện pháp tình dục an toàn.

Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com, health.harvard.edu, nhs.uk

258 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan