Hen phế quản cấp ở người lớn: Chẩn đoán và điều trị

Hen phế quản cấp là một bệnh mãn tính đường hô hấp, thường gặp đối với người lớn và trẻ nhỏ. Cơn hen phế quản cấp thường xảy ra vào ban đêm, hầu hết đều xảy ra trong thời gian ngắn. Nếu những cơn hen nặng không được xử trí có thể dẫn tới tử vong.

1. Hen phế quản cấp

Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường thở do nhiều tế bào và các thành phần tế bào tham gia. Hen phế quản làm tăng tính đáp ứng đường thở bao gồm: co thắt, tăng tiết đờm, phù nề gây tắc nghẽn, hạn chế đường thở. Do đó, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng khò khè, khó thở, nặng tức ngực và ho tái diễn nhiều lần. Ho thường xảy ra vào sáng sớm và ban đêm, có thể phục hồi tự nhiên hoặc dùng thuốc.

Hen phế quản nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể dẫn tới những biến chứng bao gồm:

  • Tràn khí màng phổi
  • Nhiễm khuẩn phổi, phế quản
  • Xẹp phổi
  • Tâm phế mạn, khí thũng phổi
  • Suy hô hấp mạn tính và biến dạng lồng ngực
  • Biến chứng của điều trị như hội chứng giả cushing do điều trị corticoid
Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển
Suy hô hấp là biến chứng của hen phế quản

2. Chẩn đoán hen phế quản

2.1 Chẩn đoán xác định

Để chẩn đoán xác định bệnh hen phế quản cấp ở người lớn, bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử bệnh sử, triệu chứng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng.

Tiền sử, bệnh sử

Tiền sử người bệnh và gia đình có bệnh dị ứng ví dụ như: mày đay, chàm, viêm mũi dị ứng hoặc đã được chẩn đoán hen

  • Tạng Atopy: hen phế quản hay gặp ở người có cơ địa nhạy cảm với các dị nguyên và tác nhân môi trường.
  • Tiền sử bệnh hô hấp: viêm phổi, phế quản tái diễn ở giai đoạn tuổi trẻ.
  • Tiền sử các bệnh tai mũi họng: viêm mũi xoang dị ứng, polyp mũi, viêm xoang mủ.
  • Bệnh lý tiêu hóa: dị ứng thức ăn, trào ngược dạ dày - ruột.
  • Bệnh ngoài da: eczema, mày đay, viêm da dị ứng.
  • Gia đình: có tạng Atopy và bị hen phế quản.
Viêm da cơ địa tái đi tái lại
Bệnh lý ngoài da có liên quan đến hen phế quản

Triệu chứng

  • Tiếng thổi bất thường: Nghe phổi có tiếng thổi bất thường, trong cơn khó thở có ran rít, ran ngáy
  • Ho: thường không có đặc trưng, ho khan; đôi khi thường khạc đờm trắng, quánh, dính (hạt trai); ho thường sau khi khó thở giảm. Có bệnh nhân ho là triệu chứng duy nhất của đợt bùng phát: ho đêm, dai dẳng, tái diễn, tạo nên thể ho đơn thuần của hen phế quản.
  • Khó thở: đây là triệu chứng cơ bản và đặc trưng của đợt bùng phát. Thường khó thở thành cơn, khó thở ra, kèm tiếng rít, thường về đêm và sáng. Khó thở từng đợt, tái diễn có chu kỳ theo tuần, tháng hay mùa hoặc khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên, nhiễm trùng, vận động. Khó thở nặng, nhẹ theo từng đợt, có thể tự hết hoặc hết khi dùng thuốc giãn phế quản. Có trường hợp khó thở dai dẳng, liên tục hoặc không khó thở tạo nên thể lâm sàng không điển hình.
  • Nghẹt lồng ngực: bệnh nhân cảm giác nghẹt hoặc bó ép lồng ngực. Triệu chứng tăng khi khó thở và giảm khi hết khó thở.

Xét nghiệm cận lâm sàng

  • Đo lưu lượng thở ra đỉnh bằng lưu lượng kế trong chẩn đoán hen, nếu kết quả tăng bằng hoặc trên 20% so với trước khi dùng thuốc hoặc lưu lượng thở ra đỉnh kết quả thay đổi sáng chiều bằng hoặc trên 20%
  • Ngoài ra, để chẩn đoán hen người bệnh sẽ được điều trị thử bằng thuốc kích thích beta 2 à corticoid ở dạng hít có kết quả giảm triệu chứng lâm sàng như đỡ khó thở, phổi bớt tiếng thổi ran, lưu lượng đỉnh thở ra được cải thiện.
Lưu lượng kế
Lưu lượng kế

2.2 Chẩn đoán phân biệt

Những triệu chứng của hen phế quản có giống với một số bệnh khác như cơn hen tim, tràn khí màng phổi và đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, dị vật đường hô hấp, viêm tiểu phế quản,... Một số chẩn đoán phân biệt:

  • Dị vật đường hô hấp: có biểu hiện ho sặc sụa, khó thở, kèm theo tím tái
  • Cơn hen tim: bệnh nhân có tiền sử bệnh tim, tiền sử có khó thở khi gắng sức khác với khó thở do hen phế quản thường liên quan đến thời tiết, các yếu tố dị ứng. Nghe phổi có tiếng ran ẩm thêm ran rít, ran ngáy. Huyết áp thường cao nhiều. Trong một số trường hợp phân biệt chưa được chắc chắn khi xử trí nên dùng thuốc kích thích be-ta dạng xịt hoặc khí rung, không sử dụng đường uống
  • Tràn khí màng phổi: Không có tiền sử khó thở, phổi không có tiếng ran ngáy, ran rít, phim chụp X-quang có hội chứng tràn khí ở một bên phổi
  • Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): Tiền sử khó thở liên tục nhưng không thành cơn, khó thở thường không bắt đầu từ nhỏ và gặp nhiều ở nam giới hút nhiều thuốc lá.
  • Viêm tiểu phế quản: thường kèm theo sốt ho khạc đờm, còn hen phế quản thường ho khan.
Ho khan kéo dài
Một số bệnh lý khác có triệu chứng tương tự hen phế quản

3. Điều trị hen phế quản

Nguyên tắc điều trị hen phế quản bao gồm:

  • Tránh các yếu tố nguy cơ của bệnh
  • Điều trị tích cực những đợt bùng phát
  • Điều trị dự phòng đợt bùng phát và các biến chứng của bệnh
  • Giáo dục cho bệnh nhân về điều trị và theo dõi lâu dài

3.1 Điều trị đợt bùng phát

Nguyên tắc điều trị đợt bùng phát:

  • Giãn cơ trơn phế quản
  • Chống viêm: corticoid hệ thống hoặc tại chỗ
  • Điều trị giảm oxy máu bằng thở oxy, có thể thông khí nhân tạo và các biến chứng khác nếu xảy ra

Các thuốc điều trị đợt bùng phát bao gồm:

  • Thuốc chủ vận b2 adrenergic tác dụng ngắn như salbutamol, terbutalin, fenoterol, reproterol.pirbuterol. Dùng đường uống, tiêm, xịt, khí dung. Tác dụng không mong muốn có thể xảy ra ví dụ như run cơ, tăng nhịp tim, tăng glucose máu, giảm K+
  • Thuốc kháng M-cholin: tiotropium bromid, ipratropium bromide, dùng dạng xịt hoặc khí dung. Tác dụng không mong muốn như đờm quánh khó khạc, khô miệng, tăng nhịp tim thường ít gặp,...
  • Nhóm Metyl xanthin: diaphylin, theostat, theophylin, dùng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, nôn, buồn nôn, tăng nhịp tim, thậm chí là trụy tim mạch khi tiêm tĩnh mạch nhanh. Tuy nhiên nhóm thuốc này không nên sử dụng rộng rãi

Trong đợt bùng phát cần theo dõi và đánh giá kết quả sau 30-60 phút dựa vào các chỉ tiêu đánh giá mức độ bùng phát, chức năng hô hấp,...

Vì sao một loại thuốc có nhiều dạng bào chế khác nhau
Sử dụng thuốc điều trị đợt bùng phát

3.2 Điều trị lâu dài

  • Người hen phế quản cần được điều trị lâu dài nhằm
  • Xác định và kiểm soát được các yếu tố bùng phát hen phế quản
  • Phòng các triệu chứng mãn tính
  • Duy trì chức năng phổi gần với mức bình thường
  • Ngăn các đợt bùng phát tái diễn và làm giảm tối đa những trường hợp nhập viện, cấp cứu
  • Thuốc được sử dụng cần xác định ưu điểm và giảm tối thiểu tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra
  • Giáo dục người bệnh và gia đinh kế hoạch điều trị hen phế quản lâu dài

Hen phế quản là một bệnh mãn tính đường hô hấp, hen phế quản cấp là đợt bùng phát của hen phế quản mạn. Do đó, người bệnh cần được điều trị hen phế quản lâu dài, khi thấy những dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những đợt bùng phát của hen phế quản gây ra.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City có Gói tầm soát hen phế quản giúp tầm soát phát hiện bệnh sớm để kịp thời kiểm soát, điều trị bệnh và thực hiện khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh, đo chức năng hô hấp, khám tai mũi họng, sàng lọc hen phế quản.

Khám sàng lọc tim mạch, khám bệnh
Định kỳ kiểm tra sức khỏe, giúp mọi người phát hiện bệnh lý sớm
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan