Hỗ trợ sự sống cơ bản và cấp cứu ngừng tuần hoàn

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Ngọc Duy - Bác sĩ Cấp cứu, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City.

Ngừng tuần hoàn là những trường hợp tim đột nhiên ngừng đập, hoặc tim đập nhưng không có hiệu quả bơm máu đi nuôi cơ thể. Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở nhiều hoàn cảnh tai nạn, bệnh tật khác nhau...

1. Oxy và cơ thể của chúng ta

  • Oxy là một loại khí trong không khí xung quanh ta. Nó không mùi, không màu.
  • Cơ thể cần oxy để duy trì chức năng sống.
  • Cơ thể lấy oxy từ ngoài không khí thông qua đường thở; hô hấp và tuần hoàn.

Đường thở - A (Airway)

  • Đường thở giống như cái ống cho phép oxy vào phổi;
  • Đường thở cần thông thoáng để oxy đi đến phổi;

Hô hấp - B (Breathing)

  • Khi chúng ta thở; oxy đi vào phổi;
  • Khi chúng ta hít vào, phổi nở ra và oxy sẽ đi vào;
  • Khi chúng ta thở ra, phổi nén lại và đưa các chất khí thải ra ngoài.

Tuần hoàn – C (Circulation)

  • Máu vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan trong cơ thể;
  • Tim giống như một cái máy bơm. Tim bơm máu giàu oxy đi đến các mạch máu.
  • Mạch máu: máu được bơm đến tất cả các bộ phận của cơ thể qua một hệ thống ống gọi là động mạch và chảy ngược về tim qua hệ thống ống được gọi là tĩnh mạch.
Hệ thống tuần hoàn máu
Hệ thống tuần hoàn máu của con người

2. Hỗ trợ sự sống cơ bản là gì?

Hỗ trợ sự sống cơ bản là kĩ thuật để duy trì sự sống bằng cách kiểm soát đường thở, hô hấp và tuần hoàn của nạn nhân; giúp nạn nhân được tiếp tục cung cấp oxy.

  • Đường thở (Airway): giữ mũi, miệng và cổ họng thông thoáng không bị tắc nghẽn để không khí có thể vào phổi.
  • Hô hấp (Breathing): giữ cho không khí lưu thông vào và ra khỏi phổi.
  • Tuần hoàn (Circulation): giữ cho sự vận chuyển máu đến tim và toàn cơ thể.
    1. Các bước kiểm tra đường thở và hô hấp:

Nhận định

1.png

  • Nhận định môi trường xung quanh để đảm bảo an toàn.
  • Nhận định mức độ tri giác (trả lời, đáp ứng) của người bệnh.

+ Chạm nhẹ hoặc vỗ nhẹ vào vai người bệnh.

+ Gọi, hỏi “Bạn có ổn không?”

+ Nếu có đáp ứng (tỉnh táo), để nạn nhân ở vị trí như ban đầu, trừ khi có vấn đề nguy hiểm.

+ Nếu nạn nhân gặp nguy hiểm, đưa đến vị trí an toàn.

+ Xác định xem những sự việc đã xảy ra và nạn nhân cần sự trợ giúp gì.

+ Theo dõi tình trạng của nạn nhân cho tới khi có người đến giúp.

Yêu cầu giúp đỡ

Gọi trợ giúp “Cấp cứu, cấp cứu, cấp cứu”

Nếu nạn nhân bất tỉnh (mất ý thức), đưa nạn nhân nhẹ nhàng về tư thế nằm ngửa; lưu ý bảo vệ đầu và cổ.

Đường thở (A- Airway)

2.jpg


Khai thông đường thở bằng cách sử dụng kĩ thuật ngửa đầu và nâng cằm

  1. Một tay đặt lên trán: nhẹ nhàng ngửa đầu
  2. Một tay đặt dưới cằm: nhẹ nhàng nâng cằm để khai thông đường thở

Hô hấp (B. Breathing)

3.jpg

  1. Nhận định: xác định nạn nhân còn thở không
  • Nhìn: di động lên xuống của lồng ngực
  • Nghe: tiếng thở từ miệng, mũi người bệnh.
  • Cảm nhận: hơi thở vào má của bạn
  1. Nếu nạn nhân không tỉnh nhưng còn thở, khai thông đường thở, hỗ trợ hô hấp, đưa nạn nhân nằm nghiêng người sang một bên. Sẽ giúp ngăn ngừa sặc nếu nạn nhân bị nôn.
  2. Nếu bị tắc nghẽn đường thở, cần làm sạch đường thở
4.jpg

  • Kiểm tra dị vật trong miệng
  • Làm sạch đường thở bằng ngón tay của bạn.

4.Tiếp tục kiểm tra hô hấp: Nhìn, Nghe Cảm nhận.

5.Theo dõi cho tới khi có người đến giúp đỡ hoặc bạn đã vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.

6.Tiếp tục kiểm tra hô hấp bằng cách quan sát lồng ngực nâng lên và hạ xuống, dùng tay của bạn để cảm nhận hơi thở từ miệng và mũi của nạn nhân; và nghe tiếng thở.

Chú ý: Phần Tuần hoàn sẽ được đề cập đến trong phần Hồi sinh tim phổi (CPR)

Tư thế nằm nghiêng an toàn

Nếu nạn nhân bất tỉnh, nhưng đường thở thông thoáng và còn thở, đặt nạn nhân về tư thế nằm nghiêng an toàn:

5.jpg

  1. Đưa một cánh tay lên và nghiêng ra ngoài, đặt cánh tay còn lại lên phía trước ngực.
  2. Gập chân và đầu gối bên đối diện lại sát vào đùi và bụng.
  3. Đặt tay bạn lên hông và vai nạn nhân. Kéo xoay người nạn nhân nằm nghiêng về phía bạn.
  4. Đặt tay bên kia của nạn nhân xuống dưới cằm. Ngửa đầu về phía sau và giữ cho đường thở thông thoáng.
  5. Trong khi nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn, kiểm tra hô hấp bằng cách Nhìn, Nghe, Cảm nhận.
6.png

3. Cấp cứu ngừng tuần hoàn

3.1 Tổng quan

Những thông tin ở trên đã cung cấp những thông tin chi tiết về hỗ trợ sự sống cơ bản đối với những trường hợp hôn mê và còn thở. Tuy nhiên những người sơ cấp cứu ban đầu có thể gặp những trường hợp hôn mê và KHÔNG THỞ, hoặc những trường hợp đã ngừng tim.

Như thế nào là ngừng tuần hoàn?

Ngừng tuần hoàn là những trường hợp tim đột nhiên ngừng đập, hoặc tim đập nhưng không có hiệu quả bơm máu đi nuôi cơ thể. Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở nhiều hoàn cảnh tai nạn, bệnh tật khác nhau..

Dấu hiệu và triệu chứng của ngừng tuần hoàn:

  • Hôn mê: gọi hỏi, kích thích đau không thấy đáp ứng
  • Không thở, hoặc thở rất chậm, thở ngáp
  • Không sờ thấy mạch đập

Thế nào là cấp cứu ngừng tuần hoàn (CPR)?

Cấp cứu ngừng tuần hoàn (CPR) là kỹ thuật được sử dụng để cấp cứu những trường hợp bị ngừng tuần hoàn, với mục đích hỗ trợ cung cấp oxy cho não và các cơ quan quan trọng của nạn nhân trước khi nhận được các can thiệp cấp cứu y tế chuyên sâu. Cấp cứu ngừng tuần hoàn bao gồm 3 kỹ thuật quan trọng:

  • Khai thông đường thở: Lấy bỏ dị vật. Giữ mũi, miệng và đường thở ở tư thế không khí có thể dễ dàng đi vào phổi bằng cách ngửa đầu nâng cằm hoặc đẩy hàm trong trường hợp nghi ngờ chấn thương cột sống cổ.
  • Duy trì nhịp thở: giữ luồng không khí vào phổi bằng cách hô hấp nhân tạo miệng miệng hoặc miệng mũi.
  • Duy trì dòng máu trong hệ tuần hoàn: Giữ để máu được bơm từ tim đến toàn cơ thể, bằng cách ép tim ngoài lồng ngực.
Phương pháp thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực,
Duy trì dòng máu trong hệ tuần hoàn bằng cách ép tim ngoài lồng ngực

3.2 Các bước cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản

Đánh giá

Đánh giá hiện trường: đảm bảo hiện trường an toàn cho bản thân bạn, người bị nạn và những người khác.

Đánh giá tổn thương. Nhanh chóng đánh giá theo những bước sau đây:

  1. Có bao nhiêu người bị nạn?
  2. Tình trạng tổn thương của nạn nhân như thế nào?

Ưu tiên những trường hợp có dấu hiệu sau:

  1. Không thở
  2. Hôn mê
  3. Không sờ thấy mạch đập
  4. Mất máu nghiêm trọng

Tiếp đến là những trường hợp:

  • Liệt
  • Chấn thương xương, khớp

Kế hoạch

Gọi giúp đỡ

Bắt đầu có kế hoạch sơ cấp cứu sau đó

Tiến hành (như hình minh họa bên cạnh)

7.png

Nếu hôn mê: nhẹ nhàng đưa nan về tư thế nằm ngửa.

Đường thở:

  • Khai thông đường thở bằng cách ngửa đầu, nâng cằm
  • Loại bỏ dị vật gây tắc nghẽn (nếu có)

Hô hấp

  • Kiểm tra người bệnh còn thở không (thời gian 10s)
  • Nếu không thở hoặc thở yếu: hô hấp nhân tạo miệng – miệng hoặc miệng- mũi

Tuần hoàn:

  • Kiểm tra bằng cách sờ động mạch cảnh ở vùng cổ của nạn nhân
  • Nếu không sờ thấy mạch, nạn nhân hôn mê, không thở: Tiến hành ép tim với tần số khoảng 100-120 lần/phút. Dùng 2 bàn tay chồng lên nhau để ép. Vị trí ép tim ở người lớn là ở 1/2 dưới của xương ức. Ép tim với độ sâu khoảng 5 cm. Tỷ lệ ép tim/thổi ngạt: 30/2 (30 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt). Cần tiến hành ép tim thổi ngạt liên tục, hạn chế việc gián đoạn ép tim.

Tiếp tục ép tim và thổi ngạt cho đến khi có sự trợ giúp của nhân viên y tế hoặc khi nạn nhân có nhịp thở, có mạch trở lại.

3.3 Cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

  • Trẻ sơ sinh = Trẻ dưới 1 tuổi
  • Trẻ nhỏ = Từ 1 tuổi đến tuổi bắt đầu dậy thì

Tiến hành ép tim và thổi ngạt tương tự như người lớn; tuy nhiên có một số điểm khác biệt như sau:

  • Ép tim ở vị trí giữa xương ức và nên ép độ sâu là 1/3 độ dày lồng ngực
  • Đối với trẻ sơ sinh, sử dụng 2 ngón tay để ép tim
  • Đối với trẻ nhỏ, sử dụng 1 bàn tay để ép tim
8.png

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan