Hội chứng ăn cắp vặt "Kleptomania"

Hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania có nhiều đặc điểm khác với cắp vặt thông thường, xuất phát từ cảm giác phấn khích sai chỗ, không phải vì mục đích tài chính. Chứng bệnh có vẻ vô hại, nhưng nếu không điều trị, lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến nhân cách của người bệnh.

1. Hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania là gì?

Hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania là tình trạng cơ thể mất khả năng chống lại cảm giác thôi thúc ăn cắp những đồ vật thường không thực sự cần và ít có giá trị. Đây là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể gây ra cảm giác đau đớn cho chính bạn và người thân nếu không được điều trị.

Kleptomania là một loại rối loạn kiểm soát xung động - đặc trưng bởi rối loạn tự kiểm soát hành vi hoặc cảm xúc. Nếu bạn mắc chứng bệnh này, bạn sẽ khó cưỡng lại sự cám dỗ, dẫn đến thực hiện hành động gây hại cho mọi người và chính bạn.

Nhiều người mắc chứng kleptomania sống trong nỗi xấu hổ bí mật vì họ sợ phải đi điều trị tâm thần. Mặc dù chưa có biện pháp điều trị rõ ràng, nhưng điều trị bằng thuốc hoặc tâm lý trị liệu có thể giúp chấm dứt chu kỳ ăn cắp.

Hội chứng ăn cắp vặt "Kleptomania"
Hội chứng ăn cắp vặt "Kleptomania" là một dạng bệnh lý

2. Triệu chứng của hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania

Các triệu chứng của hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania có thể bao gồm:

  • Không có khả năng chống lại cảm giác thôi thúc ăn cắp các vật dụng mà bạn không cần đến
  • Cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc kích động tăng lên dẫn đến hành vi trộm cắp
  • Cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhõm, hài lòng khi ăn trộm
  • Cảm thấy tội lỗi, hối hận, ghê tởm bản thân, xấu hổ hoặc sợ bị bắt sau vụ trộm
  • Có sự lặp lại và cảm giác thúc giục chu kỳ kleptomania

Những người mắc hội chứng kleptomania thường biểu hiện những đặc điểm sau:

  • Mục đích trộm cắp khác với những kẻ trộm cắp thông thường (vì lợi ích cá nhân, trả thù hoặc nổi loạn). Người mắc chứng kleptomania đơn giản vì thôi thúc quá mạnh khiến họ không thể cưỡng lại được.
  • Các đợt kleptomania thường xảy ra một cách tự phát, thường không có kế hoạch và không có sự giúp đỡ hoặc hợp tác từ người khác.
  • Hầu hết những người mắc chứng kleptomania đều ăn cắp ở nơi công cộng như cửa hàng và siêu thị. Một số có thể ăn cắp của bạn bè hoặc người quen như tại bữa tiệc.
  • Thông thường, những món đồ bị đánh cắp không có giá trị gì đối với người mắc chứng kleptomania, họ có đủ khả năng để tự mua.
  • Những đồ bị đánh cắp thường được cất đi, không bao giờ được sử dụng. Chúng cũng có thể được tặng, cho gia đình, bạn bè, hoặc thậm chí bí mật trả lại nơi lấy cắp.
  • Cảm giác thôi thúc ăn cắp có thể đến và đi hoặc cường độ thấp hoặc cao theo thời gian.
Hội chứng ăn cắp vặt "Kleptomania"
Hội chứng kleptomania diễn ra do sự thôi thúc quá mạnh khiến họ không thể cưỡng lại được

2.1. Khi nào gặp bác sĩ?

Nếu bạn không thể ngừng ăn cắp, hãy tìm lời khuyên của bác sĩ. Nhiều người mắc hội chứng ăn cắp vặt không muốn điều trị vì sợ sẽ bị bắt hoặc bỏ tù. Tuy nhiên, bác sĩ tâm lý thường không báo cáo hành vi trộm cắp cho chính quyền.

2.2. Làm gì khi người thân mắc chứng kleptomania?

Nếu bạn nghi ngờ người bạn thân hoặc thành viên trong gia đình mắc hội chứng kleptomania, hãy nhẹ nhàng nêu lên mối lo ngại với họ. Hãy nhớ rằng chứng kleptomania là một tình trạng sức khỏe tâm thần, không phải là một khuyết điểm về tính cách, vì vậy không nên dùng thái độ đổ lỗi hoặc buộc tội.

Nói chuyện
Khi phát hiện người thân mắc chứng kleptomania, bạn nên nhẹ nhàng nói chuyện chứ không được đổ lỗi

3. Nguyên nhân của hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania

Nguyên nhân của chứng kleptomania chưa được xác định rõ. Một số giả thuyết cho rằng những thay đổi trong não có thể là gốc rễ của chứng bệnh, cần được nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, Kleptomania có thể liên quan đến:

  • Các vấn đề với chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Serotonin giúp điều chỉnh tâm trạng và cảm xúc. Mức serotonin thấp thường gặp ở những người dễ có hành vi bốc đồng.
  • Rối loạn chất dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh khác). Dopamine gây ra cảm giác thoải mái và một số người tìm thấy cảm giác này khi ăn cắp.
  • Hệ thống opioid của não: Có tác dụng điều chỉnh cảm giác thôi thúc. Sự mất cân bằng trong hệ thống này có thể khiến việc chống lại cảm giác thôi thúc khó khăn hơn.

4. Các yếu tố nguy cơ gây hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania

Tiền sử gia đình: Có người thân cấp độ một như cha mẹ hoặc anh chị em, mắc chứng kleptomania, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc rối loạn sử dụng rượu hoặc chất kích thích khác có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn nhịp tim.

Đang bị bệnh tâm thần khác: Những người mắc chứng kleptomania thường mắc một bệnh tâm thần khác như rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, rối loạn sử dụng chất kích thích hoặc rối loạn nhân cách.

Rối loạn lưỡng cực ở phụ nữ
Bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực tăng nguy cơ mắc hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania

5. Các biến chứng của hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania

Nếu không được điều trị, kleptomania có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về tình cảm, gia đình, công việc, pháp lý và tài chính. Ví dụ, bạn biết ăn cắp là sai trái nhưng bạn cảm thấy bất lực để chống lại cảm giác thôi thúc, rồi bạn lại bị bao trùm bởi cảm giác tội lỗi, xấu hổ, tự ghê tởm. Bạn cũng có thể bị bắt vì ăn cắp.

Các biến chứng và tình trạng khác liên quan đến hội chứng kleptomania có thể bao gồm:

  • Các rối loạn kiểm soát khác như cờ bạc, cưỡng bức
  • Lạm dụng rượu và chất kích thích
  • Rối loạn nhân cách
  • Rối loạn ăn uống
  • Phiền muộn
  • Rối loạn lưỡng cực
  • Lo âu
  • Suy nghĩ tự tử, cố gắng tự sát và tự sát

6. Phòng ngừa hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania

Bởi vì nguyên nhân gây chứng kleptomania không rõ ràng, người ta vẫn chưa tìm được cách ngăn chặn triệt để. Điều trị ngay khi bắt đầu ăn cắp vặt có thể giúp ngăn chặn chứng kleptomania trở nên tồi tệ hơn và ngăn ngừa một số hậu quả tiêu cực.

Hội chứng ăn cắp vặt "Kleptomania"
Hiện nay chưa có biện pháp phòng ngừa hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania

7. Chẩn đoán hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania

Kleptomania được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng của bạn. Vì đây là một loại rối loạn kiểm soát xung động, nên để giúp chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể:

  • Đặt câu hỏi về cảm giác thôi thúc và cách chúng điều khiển bạn
  • Đưa ra danh sách các tình huống để hỏi xem những tình huống này có kích hoạt các đợt kleptomania của bạn không
  • Đưa bảng câu hỏi tâm lý hoặc tự đánh giá để bạn điền vào
  • Sử dụng các tiêu chí trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5), được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ

8. Điều trị hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania

Điều trị chứng kleptomania thường bao gồm thuốc và liệu pháp tâm lý, hoặc cả hai. Tuy nhiên, hiện chưa có phương pháp điều trị kleptomania tiêu chuẩn. Bạn có thể phải thử một số phương pháp điều trị khác nhau để tìm ra loại nào phù hợp với mình.

Hội chứng ăn cắp vặt "Kleptomania"
Hội chứng ăn cắp vặt "Kleptomania" cần được điều trị sớm

8.1. Thuốc điều trị

Có rất ít nghiên cứu khoa học về việc sử dụng thuốc tâm thần để điều trị chứng kleptomania. Và không có thuốc nào được FDA chấp thuận cho chứng kleptomania. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể có ích, tùy thuộc vào tình trạng bệnh và các rối loạn tâm thần liên quan như trầm cảm hoặc lạm dụng chất kích thích.

Bác sĩ có thể cân nhắc kê đơn như:

  • Naltrexone: Chất đối kháng opioid, có thể làm giảm cảm giác thôi thúc và thỏa mãn liên quan đến hành vi trộm cắp
  • Thuốc chống trầm cảm: Cụ thể là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
  • Các loại thuốc khác hoặc kết hợp thuốc với nhau

Nếu thuốc được kê đơn, hãy hỏi bác sĩ, chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc dược sĩ về các tác dụng phụ tiềm ẩn hoặc các tương tác có thể xảy ra với các loại thuốc khác.

8.2. Tâm lý trị liệu

Liệu pháp hành vi nhận thức giúp bạn xác định những niềm tin và hành vi không lành mạnh, tiêu cực và thay thế chúng bằng những niềm tin và hành vi lành mạnh, tích cực. Liệu pháp hoạt động như sau:

  • Liệu pháp nhạy cảm: Bạn hình dung ra mình đang ăn trộm và sau đó đối mặt với hậu quả tiêu cực như bị bắt
  • Liệu pháp ác cảm: Bạn thực hành các kỹ thuật gây đau nhẹ như nín thở cho đến khi bạn cảm thấy khó chịu, muốn ăn trộm
  • Giải mẫn cảm có hệ thống: Bạn thực hành các kỹ thuật thư giãn và hình dung bản thân đang kiểm soát các ham muốn ăn cắp
Tâm lý trị liệu
Bạn có thể gặp bác sĩ để được tâm lý trị liệu

8.3. Hạn chế nguy cơ tái phát

Để tránh tái phát, hãy đảm bảo tuân thủ kế hoạch điều trị. Nếu bạn cảm thấy thôi thúc ăn trộm, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc với người đáng tin cậy.

Hội chứng ăn cắp vặt Kleptomania là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể gây ra cảm giác đau đớn, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần rất lớn. Vì thế khi có những triệu chứng của bệnh thì người bệnh cần được khám chuyên khoa điều trị và tư vấn tâm lý.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu. Do đó, nếu bạn gặp các vấn đề về sức khỏe, tâm lý, thần kinh có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ và các chuyên gia tâm lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan