Hội chứng khóa trong: Nguyên nhân và triệu chứng

Hội chứng khóa trong là một rối loạn thần kinh tương đối hiếm gặp, trong đó tê liệt hoàn toàn tất cả các cơ bắp (ngoại trừ cơ chuyển động của mắt). Những người mắc hội chứng khóa trong thường vẫn trạng thái tỉnh táo nhưng không thể cử động hay nói chuyện.

1. Tìm hiểu về hội chứng khóa trong

Hội chứng khóa trong được mô tả là một tình trạng rối loạn thần kinh mà bệnh nhân vẫn tỉnh táo, ý thức nhưng mọi cơ bị tê liệt, hoàn toàn không thể cử động, nói chuyện, nuốt thức ăn hay thậm chí là thở bình thường. Ở bệnh nhân bị hội chứng khóa trong, thị giác và thính giác là những giác quan duy nhất còn sót lại. Tuy nhiên, những cử động ở hai cơ quan mắt và tai cũng không được hoàn thiện. Ví dụ, một số cá nhân có thể di chuyển mắt theo chiều dọc nhưng không thể đảo mắt theo chiều ngang.

Mặc dù bị tê liệt về thể chất, các hoạt động nhận thức vẫn diễn ra bình thường mà không bị ảnh hưởng. Bệnh nhân có thể nhìn và có chu kỳ giấc ngủ được bảo tồn.

Hội chứng khóa trong được chia thành ba hình thức lâm sàng khác nhau theo phân loại truyền thống của Bauer, bao gồm:

  • Hình thức thuần túy:Bệnh nhân mất kiểm soát tất cả các chuyển động của cơ thể ngoại trừ cử động mắt, chớp mắt và đảo mắt theo chiều dọc.
  • Hình thức không hoàn chỉnh: Bệnh nhân có thể có một số chuyển động khác ngoài mắt.
  • Hình thức toàn phần: Bệnh nhân hoàn toàn mất chức năng vận động. Đây là dạng khắc nghiệt nhất của hội chứng khóa trong vì bệnh nhân không thể tương tác với môi trường bên ngoài cũng như không thể thể hiện suy nghĩ/nhu cầu của họ với người khác.

2. Tổng hợp triệu chứng hội chứng khóa trong

Liệt
Người bệnh liệt tứ chi và toàn bộ cơ thể, trừ cử động mắt

Triệu chứng hội chứng khóa trong tương đối dễ nhận biết và rất rõ nét:

  • Bệnh nhân bị liệt tứ chi và toàn bộ cơ thể, ngoại trừ chuyển động dọc của mắt và chớp mắt, vì vậy chỉ có thể phản ứng hoặc giao tiếp với người ngoài bằng cử động mắt.
  • Hoàn toàn không có đáp ứng với các chất kích thích đau
  • Đa số trường hợp không thể đảo mắt theo chiều ngang
  • Bệnh nhân không thể nuốt hoặc nhai thức ăn, do đó vấn đề tiêu hóa của bệnh nhân cần có sự can thiệp y tế
  • Tương tự như vậy, bệnh nhân cũng không thể thở và nói chuyện
  • Tất cả các chức năng cơ bản như đi vệ sinh cần phải dựa vào sự chăm sóc từ người nhà
  • Bệnh nhân vẫn có chu kỳ ngủ bình thường
  • Bệnh nhân có đầy đủ nhận thức, khả năng nhìn, nghe và suy nghĩ, tư duy ổn định.

3. Nguyên nhân hội chứng khóa trong xảy ra là gì?

Nguyên nhân hội chứng khóa trong bắt nguồn từ các tổn thương ở vùng cầu não, bao gồm nhiều sợi dây thần kinh quan trọng có liên quan đến việc chuyển động tự giác và truyền tải thông tin đến não bộ. Đồng thời, khu vực cầu não cũng có liên quan đến chứng tê liệt khi ngủ với các triệu chứng tương tự với hội chứng khóa trong, tuy nhiên chỉ diễn ra trong một thời gian xác định.

Bệnh nhân khi gặp hội chứng khóa trong sẽ có tâm lý hoang mang và sợ hãi vì không thể tạo ra phản ứng nào với tác nhân bên ngoài. Hội chứng này là rối loạn thần kinh khá hiếm gặp, có thể ảnh hưởng đến mọi giới tính và mọi độ tuổi.

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc phải hội chứng khóa trong là những bệnh nhân có tiền sử xuất huyết não hoặc nhồi máu não, có khối u trong não, bị nhiễm trùng não... Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe khác cũng có thể ảnh hưởng đến não và gây ra hội chứng này như: chấn thương não, mất túi myelin bảo vệ dây thần kinh, viêm đa cơ (viêm dây thần kinh), bệnh xơ cứng teo cơ...

4. Chẩn đoán – điều trị hội chứng khóa trong như thế nào?

Đột quỵ
Một số bệnh nhân bị đột quỵ cũng có thể có những triệu chứng tương tự với hội chứng bị khóa trong

4.1 Chẩn đoán hội chứng khóa trong

Hội chứng khóa trong có thể gặp khó khăn trong việc chẩn đoán ở một số bệnh nhân vì những bệnh nhân này thường ở tình trạng hôn mê trong thời gian dài và sau đó mới phát triển hội chứng. Một số bệnh nhân bị đột quỵ cũng có thể có những triệu chứng tương tự với hội chứng bị khóa trong.

Vì vậy, để có kết quả chính xác, bên cạnh việc đánh giá qua các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ có thể tiến hành:

  • Chụp cộng hưởng từ MRI vùng não xác định để tìm các tổn thương
  • Quét não PET và SPECT cũng được sử dụng để đánh giá thêm các bất thường của bệnh nhân

4.2 Điều trị hội chứng khóa trong

Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu và cụ thể cho hội chứng khóa trong. Vì vậy, các bác sĩ vẫn khuyến nghị việc chăm sóc – hỗ trợ cho bệnh nhân trong sinh hoạt hàng ngày cũng như có can thiệp về y tế trong các hoạt động sống.

Cụ thể hơn, các chăm sóc hỗ trợ cho bệnh nhân đối với hội chứng này bao gồm:

  • Hỗ trợ thở và dinh dưỡng hàng ngày
  • Ngăn ngừa các biến chứng của sự bất động lâu ngày như nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, hình thành cục máu đông...
  • Sử dụng vật lý trị liệu để ngăn ngừa tình trạng teo cơ.
  • Trị liệu ngôn ngữ để giúp bệnh nhân phát triển giao tiếp thông qua chớp mắt hoặc chuyển động dọc của mắt.

Ngoài ra, việc điều trị nguyên nhân gây ra hội chứng như kháng sinh, tiêu diệt khối u não... cũng có thể cải thiện đáng kể tình trạng của bệnh nhân.

Hội chứng khóa trong là một cơn ác mộng của bất kỳ ai mắc phải nó và nó có thể gây suy giảm chất lượng sức khỏe lẫn cuộc sống của bệnh nhân.

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

661 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan