Hội chứng Loeffler có biểu hiện gì?

Hội chứng Loeffler là một dạng bệnh phổi tăng bạch cầu ái toan, có tỷ lệ mắc khá hiếm, triệu chứng bệnh thường thoáng qua, tự giới hạn và lành tính kéo dài dưới một tháng (thường là 6-12 ngày). Căn nguyên của hội chứng Loeffler chủ yếu được cho là do phản ứng dị ứng đối với sự di chuyển qua phổi của ấu trùng giun sán, cụ thể là giun đũa (A. lumbricoides), giun móc và giun lươn.

1. Hội chứng Loeffler là gì?

Hội chứng Loeffler là một bệnh hô hấp thoáng qua liên quan đến tăng bạch cầu ái toan trong máu và đám mờ trên phim chụp X quang.

Trong sinh lý bệnh, hội chứng Loeffler được cho là có liên quan đến sự di chuyển của các ký sinh trùng qua phổi theo vòng đời của chúng trong cơ thể người. Sau khi ăn phải trứng giun đũa (Ascaris lumbricoides), ấu trùng nở ra trong ruột và xâm nhập vào bạch huyết mạc treo ruột và tiểu tĩnh mạch để vào tuần hoàn phổi. Chúng cư trú trong các mao mạch phổi và tiếp tục chu kỳ bằng cách di chuyển qua các thành phế nang. Cuối cùng, chúng di chuyển lên cây phế quản và bị nuốt vào thực quản, quay trở lại đường ruột và trưởng thành. Quá trình này mất khoảng 10-16 ngày sau khi ăn trứng giun đũa, giun móc và giun lươn.

Ngoài ra, các ký sinh trùng khác, chẳng hạn như Necator americanus, Ancylostoma duodenale và Strongyloides stercoralis, cũng có chu kỳ tương tự như giun đũa, với sự di chuyển của các dạng ấu trùng qua thành phế nang. Một số trong những ký sinh trùng này có thể không được ăn qua đường miệng mà xâm nhập vào cơ thể vật chủ qua da.

Gần đây, hội chứng Loeffler cũng được cho thấy là có liên quan đến việc sử dụng một số loại thuốc, bao gồm các thuốc kháng sinh (ethambutol, isoniazid, nitrofurantoin, penicillin, tetracyclines, clarithromycin), thuốc chống co giật (carbamazepines, phenytoin, axit valproic, ethambutol), thuốc kháng viêm và ức chế miễn dịch (aspirin, azathioprine, beclomethasone, methotrexate, naproxen, diclofenac, fenbufen, ibuprofen, phenylbutazone, piroxicam) và các loại thuốc khác (bleomycin, captopril, chlorpromazine).

Trong hầu hết các trường hợp, hội chứng Loeffler được xem là một bệnh lành tính, tự giới hạn mà không có tỷ lệ mắc bệnh đáng kể cũng như không có trường hợp tử vong nào đã được báo cáo. Vì trẻ nhỏ tiếp xúc với nền đất bị ô nhiễm và biểu hiện hành vi tay miệng thường xuyên hơn người lớn, trẻ em có tỷ lệ mắc bệnh giun đường ruột và hội chứng Loeffler cao hơn. Triệu chứng của hội chứng Loeffler thường giảm dần trong vòng 3-4 tuần hoặc một thời gian ngắn sau khi loại bỏ thuốc nếu nghi ngờ tăng bạch cầu ái toan ở phổi do thuốc.

Hội chứng Loeffler
Hội chứng Loeffler là một bệnh hô hấp thoáng qua liên quan đến tăng bạch cầu ái toan trong máu và đám mờ trên phim chụp X quang

2. Các triệu chứng của hội chứng Loeffler như thế nào?

Các triệu chứng của hội chứng Loeffler thường nhẹ và có khuynh hướng tự khỏi sau vài ngày hoặc nhiều nhất là sau 2-3 tuần. Ho khan là triệu chứng phổ biến nhất; bên cạnh đó, người bệnh có thể có khó thở, khò khè. Một số bệnh nhân có thể bị đau cơ, chán ăn và nổi mày đay.

Các triệu chứng nêu trên thường xuất hiện sau 10-16 ngày khi ăn phải trứng giun đũa. Thời gian ủ bệnh tương tự cũng đã được mô tả trong hội chứng Loeffler có liên quan đến nhiễm trùng N americanus, A duodenale hoặc S stercoralis. Một vài bệnh nhân có bệnh sử liên quan đến du lịch, là yếu tố nguy cơ tiếp xúc với ký sinh trùng.

Trong trường hợp nghi ngờ hội chứng Loeffler có liên quan đến thuốc, bệnh nhân cần có bằng chứng sử dụng các thuốc có thể gây tăng bạch cầu ái toan đã nêu trên.

Khi đến thăm khám, bác sĩ có thể nghe thấy tiếng ran nổ hoặc tiếng thở khò khè ở bệnh nhân mắc phải hội chứng Loeffler. Ngược lại, bệnh nhân tăng bạch cầu ái toan ở phổi do thuốc thường có tiếng ran rít khi nghe phổi.

3. Cách chẩn đoán hội chứng Loeffler như thế nào?

triệu chứng của hội chứng Loeffler thường mơ hồ, không đặc hiệu lại thường thoáng qua, việc chẩn đoán đòi hỏi cần có các xét nghiệm hỗ trợ như sau:

  • Phân tích tế bào máu ngoại vi: Kết quả cho thấy tăng bạch cầu ái toan trong máu nhẹ, thường là 5-20%. Nếu bạch cầu ái toan chiếm tới 40%, nguyên nhân gây bệnh cần nghĩ đến là do thuốc;
  • Xét nghiệm soi phân: Ký sinh trùng và trứng có thể được tìm thấy trong phân trong vòng 6-12 tuần sau lần nhiễm ký sinh trùng tiên phát. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các triệu chứng ở phổi đã tự giới hạn hay đã hoàn toàn biến mất;
  • Mức độ immunoglobulin E (IgE): Mức này có thể tăng cao;
  • Phân tích đờm hoặc dịch dạ dày: Đôi khi tìm thấy ấu trùng trong đờm và dịch hút dạ dày tại thời điểm có các triệu chứng ở phổi;
  • Soi dịch rửa phế quản phế nang: Số lượng bạch cầu ái toan có thể tăng cao;
  • Xét nghiệm hình ảnh học: Chụp X quang ngực cho thấy có đám mờ di chuyển so với vị trí trước đó 12-20 ngày. Tuy nhiên, các tổn thương phổi quan sát được trên phim có thể biến mất hoàn toàn trong vòng 2-4 tuần. Đối với bệnh tăng bạch cầu ái toan ở phổi do thuốc, các bất thường trên X quang sẽ giải quyết hoàn toàn vài tuần sau khi ngừng sử dụng thuốc nghi ngờ;
  • Phân tích mô học: Tổn thương phổi cho thấy tăng tính xâm nhập bạch cầu ái toan xảy ra ở phế quản và tiểu phế quản, ở các phế nang và khoảng kẽ. Tuy vậy, các dạng ký sinh thường thường không tìm thấy được ở phổi.
Hình ảnh giun móc chó
Các triệu chứng nêu trên thường xuất hiện sau 10-16 ngày khi ăn phải trứng giun đũa

4. Cách điều trị hội chứng Loeffler?

Việc điều trị và theo dõi hội chứng Loeffler có thể thực hiện ngoại trú, bệnh nhân không cần phải nhập viện. Bệnh nhân có thể hoạt động thể lực, chế độ dinh dưỡng như bình thường, không cần kiêng khem đặc biệt.

Vì các triệu chứng ở hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng Loeffler thường tự giới hạn, việc điều trị đặc hiệu bệnh lý này là không cần thiết. Nếu tăng bạch cầu ái toan ở phổi là do thuốc, bệnh nhân cần ngừng sử dụng thuốc nghi ngờ gây bệnh. Ngược lại, nếu nghĩ nguyên nhân là do nhiễm ký sinh trùng, bệnh nhân cần được chỉ định sử dụng thuốc tẩy giun sán thích hợp. Nếu mức độ biểu hiện bệnh nặng hay chậm thuyên giảm, trong cả hai tình huống nêu trên, liệu pháp corticosteroid đường toàn thân sẽ có hiệu quả cao, giúp cải thiện triệu chứng một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, để dự phòng cũng như để phòng tránh tái nhiễm, mỗi người cần được xây dựng ý thức vệ sinh tốt, rửa tay với xà phòng, ăn chín uống sôi, xây dựng nhà ở có hệ thống xử lý phân hợp vệ sinh, kết hợp với các chiến dịch giáo dục về xóa bỏ việc sử dụng hố xí lạc hậu, nhất là ở các vùng nông thôn. Đối với trẻ em, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ tự rửa tay thường xuyên với xà phòng, không ngậm tay vào miệng, bỏ thói quen cắn móng tay và đi chân trần. Đối với bệnh nhân đã được xác định là tăng bạch cầu ái toan ở phổi do thuốc, cần tránh sử dụng thuốc vi phạm trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: emedicine.medscape.com,merckmanuals.com, impe-qn.org.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan