Khi nào cần dùng thuốc tăng cường miễn dịch?

Miễn dịch là khả năng phản ứng của cơ thể người chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi đáp ứng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm nguyên nhân do già yếu, dinh dưỡng kém, bệnh tật... cần sử dụng các loại thuốc tăng cường miễn dịch.

1. Vai trò của miễn dịch trong cơ thể người

Hệ miễn dịch của người bao gồm nhiều yếu tố miễn dịch cytokine, interleukin... điều tiết tế bào miễn dịch (qua sự kích hoạt, ức chế). Cơ thể người đáp ứng miễn dịch bằng cách tiết ra các kháng thể đặc hiệu trung hòa khả năng gây nhiễm khi vi sinh chưa thâm nhập vào tế bào hoặc tiết ra kháng thể đặc hiệu tiêu diệt vi sinh khi mới sơ nhiễm. Có thể nói, miễn dịch là một hệ thống gồm có cấu trúc và tiến trình sinh học tác dụng nhằm bảo vệ cơ thể khỏi bị bệnh tật. Nhiều người có khả năng không mắc một số bệnh nào đó mặc dù sống trong môi trường có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nhờ có sự miễn dịch. Như vậy, có thể hiểu miễn dịch là khả năng phản ứng của cơ thể để chống lại những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập.

Khi đáp ứng miễn dịch của cơ thể người bị suy giảm thì rất có thể cần đến các thuốc tăng cường miễn dịch.

2. Khi nào cần dùng thuốc tăng cường miễn dịch

Thuốc tăng cường miễn dịch có công dụng trong hỗ trợ tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách làm gia tăng các chức năng hoạt động chung, giúp cơ thể tăng sức đề kháng; trên cơ sở này sẽ gia tăng sự đáp ứng miễn dịch hoặc tác động kích thích các cytokine, interleukin làm cho tế bào miễn dịch tiết ra nhiều loại kháng thể chống lại các tác nhân ảnh hưởng.

Trong trường hợp sự đáp ứng của cơ thể bị suy giảm nguyên nhân do yếu tố tuổi tác, mắc các bệnh tật, suy dinh dưỡng... thì cần phải sử dụng các loại thuốc tăng cường miễn dịch ngoài một số loại vắc-xin chủ động tạo ra sự miễn dịch.

3. Thuốc tăng cường miễn dịch là gì?

Thuốc tăng cường miễn dịch bao gồm nhiều loại khác nhau.

3.1. Các loại vitamin

  • Thực tế có các bệnh lý liên quan đến các gốc tự do và các chất tích tụ trong mỡ làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể người. Một số loại vitamin có tác dụng chống lại gốc tự do nên có thể tăng cường hệ miễn dịch như vitamin C, beta-carotene, vitamin E...
  • Vitamin C có thể khử gốc tự do, cần cho sự tạo thành collagen, sửa chữa các mô tế bào và tham gia một số phản ứng oxi hóa-khử; tham gia chuyển hóa các chất chức năng miễn dịch, đề kháng nhiễm khuẩn, giữ gìn sự toàn vẹn mạch máu và hô hấp tế bào.
  • Vitamin E sử dụng làm chất chống oxy hóa, ngăn cản quá trình oxy hóa các thành phần thiết yếu trong tế bào và sự tạo thành các sản phẩm oxy hóa độc hại.
  • Beta-carotene cũng có thể khử gốc tự do tại màng lipid tế bào, chúng được chuyển hóa thành vitamin A là chất quan trọng của cơ thể với tác dụng chống lại quá trình oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại; sử dụng để làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa bệnh ung thư và một số bệnh lý khác...; điều trị bệnh suy dinh dưỡng, giảm nguy cơ tử vong, giảm nguy cơ bị cháy nắng. Đồng thời, chúng còn trực tiếp làm tăng tế bào T của hệ miễn dịch nên tăng sự sản xuất kháng thể.

3.2. Interferon

  • Interferon là những cytokinin tự nhiên có hoạt tính chống virus, chống tăng sinh và điều tiết miễn dịch. Tác dụng chống virus và chống tăng sinh có liên quan với những biến đổi trong quá trình tổng hợp ARN, ADN và các protein tế bào, kể cả các gen tế bào ung thư. Chống virus với tác dụng ức chế sự sao chép virus trong các tế bào nhiễm virus. Chống tăng sinh với công dụng ngăn chặn tăng sinh tế bào. Điều tiết miễn dịch với tác dụng tăng hoạt tính thực bào của các đại thực bào và tính độc hại tế bào đặc thù của những tế bào lympho đối với các tế bào đích.
  • Hiện nay, các nhà khoa học xác định có 3 nhóm Interferon chính bao gồm alpha, beta và gamma; mỗi nhóm có một tác dụng điều trị khác nhau tùy theo tình trạng bệnh lý.

3.3. Nguyên tố vi lượng

Nguyên tố vi lượng cũng có khả năng tăng cường hệ miễn dịch như chất kẽm, selen... Kẽm là chất giúp cân bằng nội tiết, tăng cường miễn dịch, giúp tái tạo da và tóc; chúng rất cần thiết cho phụ nữ đang trong thời gian có thai và trẻ em; do kẽm là chất chống oxy hóa nên có khả năng giúp giảm tốc độ lão hóa, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giúp nhanh lành vết thương, tăng trưởng, làm cơ thể mạnh lên, từ đó tăng đáp ứng miễn dịch; kẽm cùng với các loại vitamin A, B6, E giúp tuyến ức tăng cường miễn dịch.

Selen là một thành phần thiết yếu của nhiều chất chống oxy hóa và enzym trong cơ thể người. Chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong mạng lưới chống oxy hóa nguyên nhân là do tham gia nhiều quá trình sinh học.

Ngoài ra, một số chất chống oxy hóa có trong các loại thực phẩm và thảo dược như tỏi, hành, kinh giới, nho, ginkgo biloba... cũng có tác dụng tăng cường miễn dịch. Tỏi, hành, kinh giới có nhiều chất flavonoid giúp ngăn ngừa sự phát triển các virus trong cơ thể và sự tạo thành các gốc tự do. Hạt nho có chứa nhiều proanthocyanidins giúp ngăn ngừa sự hao tổn vitamin E. Ginkgo biloba chứa nhiều ginkgolides và flavonoid khác như quercetin có công dụng giảm tác hại của quá trình oxy hóa và hỗ trợ việc chống oxy hóa của cơ thể.

4. Cách sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch

Đối với các loại vitamin và khoáng chất nên bổ sung bằng thực phẩm: ăn nhiều các loại rau xanh, hoa quả...). Chỉ bổ sung bằng thuốc tăng cường miễn dịch cho những cơ thể bị thiếu hụt các chất này. Vì nếu bổ sung thừa thuốc tăng cường miễn dịch sẽ gây nên các hậu quả do thừa các chất đó hoặc sẽ gây rối loạn trong cơ thể.

Cụ thể như dư thừa canxi thai nhi sẽ bị cốt hóa, canxi đọng ở thận gây ra sỏi thận, đọng ở mạch máu góp phần gây xơ vữa mạch máu và nguy cơ tăng huyết áp; dư thừa ở vỏ não đối với người cao tuổi góp phần gây ra nguy cơ mắc hội chứng Alzheimer.

Đối với các Interferon chỉ sử dụng trong những trường hợp thật sự cần thiết và dùng đúng thời điểm. Cụ thể là, chỉ sử dụng Interferon khi virus viêm gan B đang sinh sôi, có dấu hiệu lâm sàng; chứ không sử dụng khi cơ thể đã có đủ miễn dịch tự nhiên, khống chế làm cho virus ở dạng bất hoạt, không sinh sôi, không kèm theo các triệu chứng lâm sàng.

5. Lưu ý khi sử dụng các cách tăng cường hệ miễn dịch

Việc dùng các loại thuốc tăng cường miễn dịch phải có chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ điều trị; không được tự ý sử dụng dù đó là các loại vitamin hay khoáng chất.

Trên thị trường hiện nay đang có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo có tác dụng là cách tăng cường miễn dịch theo các cơ chế rất khác nhau, tuy nhiên phần lớn các sản phẩm này đều chưa chứng minh được hiệu quả thực sự trên lâm sàng. Mặt khác, bất kỳ loại chất nào đưa vào cơ thể cũng đều có khả năng gây ra các tác dụng không mong muốn cho người sử dụng. Vì vậy, bạn cần chú ý không nên tùy tiện sử dụng, không lạm dụng các loại thuốc này.

Bạn cần chú ý thăm khám bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi có quyết định sử dụng các chất được quảng cáo là cách tăng cường miễn dịch để tránh lãng phí về tiền bạc mà không đem lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn có thể gây ra tình trạng rối loạn trong cơ thể nếu dùng thừa.

Đặc biệt đối với trẻ em, khi cho trẻ uống bất kỳ một loại thuốc tăng cường miễn dịch nào, cần phải đọc kỹ thành phần có trong thuốc, để tránh việc có thể bổ sung quá nhiều các chất gây quá liều. Việc cho trẻ uống quá liều thuốc tăng cường miễn dịch có thể khiến trẻ bị ngộ độc và tổn hại gan thận, làm gia tăng các tác dụng không mong muốn của thuốc. Lưu ý, không cho trẻ uống thuốc tăng cường miễn dịch kéo dài. Nguyên nhân là do sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Trong quá trình sử dụng cần bảo quản thuốc đúng, tránh làm hỏng thuốc khiến thuốc mất tác dụng, thậm chí có thể sản sinh ra các chất không có lợi cho sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan