Làm gì khi bị đau đầu buồn nôn mệt mỏi chán ăn?

Đau đầu buồn nôn mệt mỏi chán ăn là các dấu hiệu cho thấy cơ thể đang trở nên kiệt sức, thiếu năng lượng. Sức khỏe không được đảm bảo tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vậy cần làm gì khi bị đau đầu buồn nôn mệt mỏi chán ăn? Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa qua bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân dẫn đến đau đầu buồn nôn mệt mỏi chán ăn

Đau đầu buồn nôn mệt mỏi chán ăn là các dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu năng lượng, trở nên kiệt sức. Sức khỏe không được đảm bảo sẽ dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống.

Theo đó, mệt mỏi là tình trạng cơ thể luôn cảm thấy uể oải, thiếu năng lượng và được xem là một rối loạn phức tạp không giải thích được bởi bất kỳ tình trạng bệnh lý nào. Mệt mỏi chán ăn là tình trạng cơ thể kiệt sức, thiếu năng lượng, rã rời dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn hay không muốn tiếp nhận thức ăn.

Phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh mà người bệnh sẽ có các triệu chứng mệt mỏi chán ăn khác nhau. Tuy nhiên chúng thường có các triệu chứng chung như mất trí nhớ, mệt mỏi, kém tập trung, đau cơ, viêm họng, đau khớp không rõ nguyên nhân, ngủ không ngon, đau đầu, giảm cân, ngất, chóng mặt, không có cảm giác thèm ăn, đau bụng, táo bón, kinh nguyệt không đều, cáu gắt, thiếu cảm xúc, trầm cảm.... Các triệu chứng kéo dài sẽ dẫn đến các biến chứng như hạn chế lối sống, tự cô lập bản thân, phiền muộn...

Buồn nôn là cảm giác không thoải mái ở dạ dày, bụng và trên họng làm cho cơ thể cảm thấy khó chịu và muốn nôn. Người bệnh có thể cảm thấy chán ăn hoặc nghĩ đến đồ ăn là buồn nôn. Đau đầu buồn nôn là tình trạng thường gặp, đặc biệt là ở người trưởng thành. Tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến các tác động xấu cho cơ thể, làm giảm mức năng lượng thể chất, giảm cân và ảnh hưởng nhiều đến tâm lý. Trường hợp đau đầu buồn nôn là dấu hiệu của các bệnh lý, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh, gây nguy hiểm...

Các nguyên nhân dẫn đến đau đầu buồn nôn mệt mỏi chán ăn như sau:

  • Say tàu xe, dị ứng thời tiết hoặc dị ứng thức ăn;
  • Nghén khi mang thai 3 tháng đầu;
  • Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa;
  • Dùng rượu bia hoặc chất kích thích;
  • Mắc bệnh lý về đường ruột như viêm ruột, tắc ruột, viêm dạ dày – tá tràng;
  • Dùng thuốc gây tác dụng phụ đau đầu – buồn nôn;
  • Thói quen sinh hoạt: Thiếu chất dinh dưỡng, ăn uống không điều độ, vận động quá sức hoặc thiếu vận động, tâm trạng buồn chán, thiếu ngủ, căng thẳng cảm xúc, thừa cân, sử dụng chất gây nghiện, rượu bia, chất kích thích;
  • Sức khỏe tâm thần: Thường xuyên chịu căng thẳng, áp lực, buồn bã, lo lắng khiến tinh thần trở nên quá tải áp lực chịu đựng từ đó hình thành cảm giác đau đầu, mệt mỏi và chán ăn;
  • Do bệnh lý như suy giáp, thiếu máu, suy tuyến thượng thận, cường giáp, rối loạn ăn uống, rối loạn miễn dịch, hội chứng mệt mỏi mãn tính, bệnh lý về gan thận, nhiễm trùng...

2. Cần làm gì khi bị đau đầu buồn nôn mệt mỏi chán ăn?

Đau đầu buồn nôn mệt mỏi chán ăn có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân, phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể để có biện pháp xử lý khác nhau. Nếu tình trạng kéo dài người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán, điều trị kịp thời. Người bệnh lưu ý tuyệt đối không lạm dụng thuốc giảm đau hoặc các phương pháp điều trị không khoa học.

Theo các nghiên cứu khoa học mới nhất, có khoảng 60% người bệnh tại Việt Nam có thói quen sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa được chỉ định bởi bác sĩ. Đây được xem là hồi chuông cảnh báo nguy hiểm, đáng báo động về nguy cơ đề kháng kháng sinh về sau.

Một số biện pháp làm giảm tình trạng đau đầu buồn nôn mệt mỏi chán ăn như sau:

  • Điều trị bằng thuốc (thuốc giảm đau Paracetamol nếu đau đầu nhiều, thực phẩm hỗ trợ), bấm huyệt châm cứu, điều chỉnh tâm lý, điều trị nguyên nhân;
  • Trường hợp đau đầu buồn nôn do say tàu xe, bạn cần dùng thuốc chống say tàu xe hoặc các biện pháp hỗ trợ giảm say tàu xe;
  • Đối với người bệnh buồn nôn chán ăn mệt mỏi do các nguyên nhân thông thường, không liên quan đến vấn đề bệnh lý, cơ thể cần được bù nước và điện giải, truyền dịch nếu cần thiết. Trường hợp truyền dịch nên được chỉ định và thực hiện bởi bác sĩ, nhân viên y tế có chuyên môn;
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học: Chế độ ăn uống cần chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng sau: Vitamin (dưỡng chất quan trọng giúp giảm mệt mỏi, tăng cường đề kháng và sức đề kháng); sắt (Vai trò tạo hồng cầu, cung cấp oxy trong cơ thể); uống đầy đủ nước. Các loại thực phẩm chứa nhiều kẽm như thịt bò, hoa quả, hàu... giúp kích thích vị giác, ăn ngủ ngon hơn;
  • Đối với người bệnh biếng ăn cần bổ sung theo các thực phẩm giàu dinh dưỡng như sữa, trứng, ngũ cốc... để đảm bảo sức khỏe cho quá trình sinh hoạt và làm việc;
  • Hạn chế các loại đồ uống có cồn (rượu, bia), nước có ga, thực phẩm nhiều acid béo gây tăng cân, tránh thức ăn cay, chua...
  • Giữ tinh thần luôn thoải mái, giảm căng thẳng áp lực, hạn chế thức khuya và làm việc quá sức, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Như vậy tình trạng đau đầu buồn nôn mệt mỏi chán ăn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Hy vọng qua những thông tin trình bày trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này, để từ đó có biện pháp điều trị và phòng ngừa thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan