Lấy dị vật ở ruột non bằng phẫu thuật nội soi

Dị vật ở ruột non có thể gây thủng ruột non, tạo áp xe trong ổ bụng, viêm phúc mạc hoặc tắc ruột. Cần phẫu thuật sớm lấy dị vật khỏi ruột non để tránh những biến chứng nghiêm trọng trên. Mổ nội soi lấy dị vật là phương pháp đang được ứng dụng rộng rãi hiện nay.

1. Dị vật ở ruột non là gì?

Dị vật đường tiêu hóa có nhiều loại. Phổ biến nhất là đồng xu, xương từ đồ ăn,... Hiếm hơn là tăm xỉa răng, đoạn lò xo, nắp bút, nắp chai bia, ghim sắt, kẹp giấy,...

Dị vật ở ruột non có thể làm chảy máu, tắc ruột, thủng ruột, gây viêm màng bụng. Viêm màng bụng là một bệnh cảnh nhiễm trùng - nhiễm độc rất nặng, sớm tử vong nếu không được chẩn đoán, phẫu thuật cấp cứu kịp thời.

2. Phẫu thuật nội soi lấy dị vật ở ruột non

Thủ thuật phẫu thuật nội soi có ưu điểm là giảm biến chứng, giảm đau đớn và giảm thời gian nằm viện cho bệnh nhân so với phương pháp mổ mở truyền thống.

2.1 Chỉ định/chống chỉ định

Chỉ định

Thông thường, 80 - 90% dị vật sẽ được đào thải ra ngoài theo phân dưới tác động của nhu động ruột. Vì vậy, trong các trường hợp dị vật ở ruột non, bệnh nhân được theo dõi X-quang và tính chất phân. Chỉ định phẫu thuật nội soi trong trường hợp:

  • Thủng ruột gây viêm phúc mạc;
  • Có các triệu chứng tắc ruột nhưng bụng không quá trướng.
viêm phúc mạc trong ổ bụng
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật khi thủng ruột gây viêm phúc mạc

Chống chỉ định

  • Bệnh nhân có sức khỏe yếu, bị sốc do nhiễm trùng hoặc suy hô hấp không cho phép bơm hơi ổ bụng;
  • Người có tiền sử phẫu thuật bụng nhiều lần.

2.2 Chuẩn bị phẫu thuật

  • Nhân sự thực hiện: Bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa tiêu hóa, bác sĩ gây mê hồi sức, phụ tá;
  • Phương tiện kỹ thuật: Phòng mổ đủ điều kiện mổ nội soi qua ổ bụng; bộ thiết bị nội soi ổ bụng (nguồn sáng, monitor, camera, nguồn CO2); hệ thống dao điện đơn cực và lưỡng cực; hệ thống máy bơm, rửa hút dịch ổ bụng; dụng cụ kẹp ruột, vén gan, panh, kẹp và kéo nội soi ổ bụng;
  • Bệnh nhân: Được trao đổi về phẫu thuật (mục đích, quy trình, nguy cơ tai biến); nhịn ăn uống; đặt thông dạ dày; vệ sinh; thông tiểu; thực hiện các xét nghiệm cơ bản, điện tim, chụp phổi; điều chỉnh sớm nếu có rối loạn cân bằng nước và điện giải;
  • Hồ sơ bệnh án: Hoàn thiện đúng theo quy định.
Lấy máu xét nghiệm
Bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cơ bản trước khi phẫu thuật

2.3 Thực hiện phẫu thuật

  • Kiểm tra hồ sơ bệnh án và bệnh nhân, đảm bảo đúng người, đúng bệnh;
  • Vô cảm: Tiến hành gây mê nội khí quản;
  • Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa, khép chân;
  • Ekip phẫu thuật, gây mê đứng ở vị trí phù hợp thuận tiện cho thao tác;
  • Đặt trocar: Đặt 1 trocar 10mm dọc dưới rốn cho camera đi vào, 2 trocar 5mm đặt ở hố chậu trái và hố chậu phải cho việc đưa dụng cụ vào; bơm hơi ổ bụng với mức áp lực 10 - 15mmHg;
  • Đánh giá ổ bụng: Dùng camera quan sát ổ bụng, kiểm tra xem bệnh nhân có bị tắc ruột hoặc thủng ruột non không. Dấu hiệu tắc ruột là các quai ruột giãn trên và xẹp dưới chỗ tắc. Dấu hiệu thủng ruột non là xuất hiện dịch tiêu hóa trong ổ bụng;
  • Tìm dị vật: Cho bệnh nhân nằm đầu thấp nghiêng phải, dùng 2 kìm kẹp ruột lật đại tràng ngang lên, lần từng quai ruột non đến van hồi manh tràng để tìm vị trí dị vật. Thông thường, nếu tắc ruột thì dị vật nằm ở vị trí nối giữa quai ruột giãn phía trên và quai ruột xẹp phía dưới. Nếu thủng ruột thì dễ dàng tìm thấy lỗ thủng, dị vật lòi ra khỏi thành ruột. Bác sĩ phẫu thuật cần tìm toàn bộ ruột non để tránh bỏ sót nhiều dị vật;
  • Xử trí dị vật: Sau khi súc rửa ổ bụng kỹ bằng dung dịch nước ấm trong trường hợp dị vật gây thủng ruột non, bác sĩ mở bụng khoảng 2 - 3cm dưới rốn, đưa quai ruột ra ngoài, xẻ dọc và lấy dị vật ra ngoài, sau đó khâu ngang lại. Tiếp theo, trả lại ruột vào ổ bụng, dẫn lưu ổ bụng ra ngoài qua lỗ trocar 5mm hố chậu phải nếu thủng ruột;
  • Rút các dụng cụ, đóng các lỗ trocar trên thành bụng.
Chọc trocar
Thực hiện phẫu thuật nội soi lấy dị vật ở ruột non

2.4 Theo dõi sau phẫu thuật

  • Theo dõi các số liệu sinh tồn toàn trạng bao gồm mạch, huyết áp, hô hấp, nhiệt độ,...;
  • Theo dõi diễn tiến sau mổ, sử dụng kháng sinh phối hợp nếu có viêm phúc mạc;
  • Rút dẫn lưu khi không còn thấy ra dịch;
  • Rút thông tiểu ngay sau khi mổ, lưu thông dạ dày hút dịch đọng trong khoảng 3 ngày. Khi thấy các dấu hiệu nhu động bình thường hoặc bệnh nhân trung tiện, đại tiện được thì rút thông dạ dày;
  • Theo dõi hoạt động của hệ tiêu hóa, nếu bệnh nhân không bị trướng bụng thì có thể cho ăn sớm.

2.5 Tai biến và cách xử trí

Tai biến trong phẫu thuật:

  • Rách thanh mạc ruột khi thao tác: Khi thao tác quá mạnh, thanh mạc hoặc ruột có thể bị thủng rách. Biện pháp xử trí là lấy kim chỉ khâu lại thành ruột bằng các mũi rời;
  • Chảy máu, tụ máu do rách mạc treo ruột non: Xử trí bằng cách hút sạch máu chảy, lập tức kẹp mạch máu và cầm máu bằng chỉ khâu, buộc hoặc bằng các dụng cụ khác.

Biến chứng sau phẫu thuật:

  • Chảy máu trong ổ bụng: Nên mổ lại sớm để kiểm tra, xử trí cầm máu;
  • Bục tại vị trí khâu hoặc miệng nốt: Nên mổ lại sớm để xử trí;
  • Chít hẹp chỗ khâu hoặc miệng nối: Thực hiện mổ lại để giải quyết nguyên nhân gây chít hẹp.

Dị vật ở ruột non có thể gây tử vong nếu không được phát hiện, điều trị sớm. Vì vậy, mỗi người cần cẩn trọng khi ăn uống, trông nom trẻ nhỏ, người già, người có bệnh lý tâm thần để tránh nguy cơ nuốt phải dị vật. Trong trường hợp không may nuốt phải dị vật, nên đưa người bệnh đi kiểm tra sớm để được can thiệp điều trị kịp thời.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan