Lưu ý khi chọn thuốc mỡ bôi nhiệt miệng

Nhiệt miệng là tình trạng bệnh lý rất thường gặp trong cuộc sống, có thể khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu và bất tiện trong một số sinh hoạt hằng ngày, nhất là vấn đề ăn uống. Một trong những phương pháp điều trị tình trạng này đó là dùng thuốc mỡ bôi nhiệt miệng. Vậy khi chọn loại thuốc này cần lưu ý điều gì?

1. Thông tin về thuốc mỡ nhiệt miệng

Nhiệt miệng là tình trạng niêm mạc miệng như bên trong 2 má, dưới lưỡi, vùng trên nướu xuất hiện một hoặc một số vết loét nhỏ, màu trắng, vàng, có viền đỏ, hình dạng có thể là hình tròn hay hình bầu dục, nông... Thông thường, nhiệt miệng rất dễ phát hiện trên lâm sàng với những triệu chứng điển hình như trên, tuy nhiên nếu tình trạng nhiệt miệng tái diễn nhiều lần trong thời gian dài trên 2 tuần, kèm theo đó là một số triệu chứng khác như sốt, cơ thể nổi hạch, có rối loạn đường tiêu hóa... thì lúc này bệnh nhân cần được chẩn đoán phân biệt nhiệt miệng và một số bệnh lý khác như các bệnh lý tự miễn, bệnh ác tính, nhiễm Herpes...

Trong đó, bệnh lý viêm loét vùng miệng do nhiễm Herpes thường có triệu chứng lâm sàng là nổi những nốt phồng rộp có màu đỏ ở môi, quanh miệng, có thể vỡ và chảy dịch ra, sau đó sẽ đóng thành vảy trong vài ngày đến. Đối với các bệnh lý tự miễn như hội chứng Behcet, Lupus ban đỏ... thì có thể gây ra những vết loét lành tính xuất hiện ở miệng, bộ phận sinh dục... và có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần...

Mặc dù là một bệnh lý lành tính và không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng nhiệt miệng có thể làm ảnh hưởng đến những sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt gây đau nhức vùng miệng và khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc ăn uống, từ đó ảnh hưởng đến dinh dưỡng, vết thương lại càng lâu lành hơn. Vì vậy, việc điều trị nhiệt miệng tại nhà là rất cần thiết để có thể cải thiện tình trạng này trong thời gian sớm nhất có thể:

  • Gel bôi nhiệt miệng: Thường có thành phần chính là Lidocaine, dịch chiết hoa cúc... dùng để bôi tại chỗ vết loét, có khả năng giảm đau nhanh, mau lành vết loét, thường được áp dụng đối với trẻ em và người lớn tuổi.
  • Bổ sung các chất làm tăng cường hệ miễn dịch: Các loại vitamin và khoáng chất cần được bổ sung tích cực trong thời gian này như kẽm, vitamin C và B..., giúp cơ thể có khả năng lành vết loét nhanh hơn cũng như dự phòng những vết loét khác sẽ nổi lên.
  • Giảm đau tại chỗ với nước súc miệng, chườm đá, chườm túi lọc trà...
  • Thuốc kháng viêm, kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định trong trường hợp người bệnh bị loét miệng mức độ nặng, thời gian quá lâu, có những yếu tố của nhiễm trùng...

2. Bị nhiệt miệng bôi thuốc mỡ gì? Những lưu ý khi chọn thuốc mỡ bôi nhiệt miệng

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc bôi nhiệt miệng, mỗi loại sẽ có một tính chất riêng, vì vậy cách áp dụng lên da cũng rất khác nhau mà người bệnh cần lưu ý khi lựa chọn từng loại thuốc bôi nhiệt miệng:

  • Thuốc dạng gel: Cũng tương tự như những loại thuốc bôi nhiệt miệng khác thì thuốc dạng gel đa số sẽ có thành phần là những chất chống viêm, chất kháng khuẩn và chất hỗ trợ phục hồi niêm mạc, hoạt động trực tiếp trên bề mặt niêm mạc bị viêm loét nên có tác dụng rất nhanh. Đây là dạng thuốc được sử dụng nhiều nhất, vì chất thuốc mỏng nên dễ thấm và bám trên thành niêm mạc miệng, từ đó cho kết quả điều trị tốt hơn.
  • Thuốc dạng kem: Thuốc dạng kem thường có chất thuốc khá mềm, lỏng nên dễ thấm vào bề mặt vết loét. Thuốc thường không làm cản trở sự trao đổi chất giữa da và môi trường bên ngoài. Thuốc được khuyến cáo khi sử dụng là cần cách xa với thời gian ăn uống của người bệnh, vì để đảm bảo được sự bám và hiệu quả của thuốc lên bề mặt loét.
  • Thuốc dạng bột: Thuốc bôi nhiệt miệng dạng bột thường có thành phần tá dược là thảo mộc, khoáng chất nên sẽ làm giảm viêm, mát da và ngăn chặn tình trạng xung huyết quanh vết loét. Thuốc này thường được chỉ định đối với những tình trạng vết loét có triệu chứng viêm cấp tính. Thuốc dạng bột có đặc điểm là hút ẩm rất tốt nên giúp môi trường niêm mạc miệng lúc này được cân bằng độ ẩm, cũng vì vậy mà phát huy hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, cách sử dụng thuốc này khá khó khăn nên bệnh nhân cần được hướng dẫn và tư vấn về vấn đề vệ sinh khi dùng thuốc này.

Tóm lại, thuốc mỡ bôi nhiệt miệng là loại thuốc phổ biến để điều trị chứng nhiệt miệng ở rất nhiều người hiện nay. Tuy chỉ là thuốc bôi tại chỗ nhưng người bệnh cũng cần lựa chọn loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý hiện tại và làm theo lời khuyên của bác sĩ khi sử dụng thuốc này để tránh gặp phải một số tác dụng không mong muốn hay tương tác của thuốc với những loại thuốc khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan