Lưu ý khi sử dụng thuốc lợi tiểu trong điều trị suy tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Nội Tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có trên 13 năm kinh nghiệm về chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch.

Sử dụng thuốc lợi tiểu trong điều trị suy tim giúp giảm triệu chứng ứ huyết và phù ngoại biên. Thuốc lợi tiểu có nhiều dạng được chỉ định dùng trong những trường hợp bệnh nhân khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc lợi tiểu trong điều trị suy tim có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.

1. Các nhóm thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu có tác dụng làm tăng khối lượng nước tiểu, giúp tăng thải Na+ và H2O ở dịch ngoại bào.

Thuốc lợi tiểu gồm 3 nhóm:

  • Lợi tiểu giữ K+: Kháng aldosterone (Spironolacton), Amilorid, triamterene.
  • Lợi tiểu giảm K+: Thuốc lợi tiểu quai (Furosemid), thuốc ức chế CA (Acetazolamid) và Thiazid (Hydroclorothiazid).
  • Lợi tiểu thẩm thấu: Mannitol.
Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu có tác dụng làm tăng khối lượng nước tiểu

2. Thuốc lợi tiểu thường dùng trong điều trị suy tim

2.1. Thiazid

Đây là thuốc được lựa chọn đầu tiên với bệnh nhân suy tim nhẹ, suy tim mạn. Bắt đầu điều trị thường dùng liều thấp, sau đó tăng dần với bệnh nhân suy tim nặng trước khi đổi sang lợi tiểu quai hoặc dùng kết hợp. Nếu chức năng thận giảm, sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc lợi tiểu nhóm Thiazid.

Trong điều trị hiện nay thường dùng Thiazid kết hợp với thuốc ức chế men chuyển , hoặc ức chế thụ thể angiotensin II, giúp tăng hiệu quả và ức chế kích hoạt hệ renin-angiotensin do Thiazid gây ra.

2.2. Furosemid

Furosemide thường được chỉ định cho bệnh nhân suy tim nặng, giúp làm mất Natri nhanh, hiệu quả với cả bệnh nhân có độ lọc vi cầu thận thấp.

Ở bệnh nhân suy tim nặng, sự hấp thu Furosemide chậm, sự đáp ứng của thận cũng giảm, thuốc tác dụng tối đa sau 4 giờ. Muốn tăng sự đáp ứng nên tăng số lần dùng với liều đạt liều đích.

Khả dụng sinh học và thời gian bán thải của Furosemide không được đánh giá cao so với điều trị bằng bumetanide và torsemide. Số lần dùng thuốc trong ngày phụ thuộc vào thời gian bán thải. Thời gian bán thải của Furosemide ngắn (từ 1 – 2 giờ) nên phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày.

Nếu bệnh nhân bị suy thận kèm theo, thường cần dùng Furosemide với liều cao hơn để đạt hiệu quả lợi tiểu mong muốn.

2.3. Thuốc kháng aldosterone

Spironolacton được chỉ định phối hợp với thiazid và lợi tiểu quai để ngăn ngừa rối loạn điện giải ở đa số bệnh nhân suy tim. Ngoài ra, Spironolacton cũng có tác dụng ức chế xơ hóa cơ tim và giảm nguy cơ suy tim tiến triển, giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân suy tim.

rối loạn điện giải
Thuốc kháng aldosterone giúp ngăn ngừa rối loạn điện giải

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc lợi tiểu trong điều trị suy tim

3.1 Khi nào nên dùng?

Thuốc lợi tiểu được khuyến cáo chỉ định cho các bệnh nhân suy tim sung huyết. Riêng lợi tiểu kháng aldosteron được chỉ định cho bệnh nhân suy tim NYHA II-IV có EF ≤ 35% hoặc bệnh nhân sau NMCT cấp có EF≤ 40%, kèm triệu chứng của suy tim.

Khi dùng cần nắm vững 4 đặc điểm:

  • Đáp ứng liều lợi tiểu ở bệnh nhân suy tim
  • Dược động học của thuốc lợi tiểu quai
  • Tương quan giữa liều lợi tiểu và hiệu quả
  • Hiện tượng đề kháng thuốc lợi tiểu.

3.2 Hiện tượng nhờn thuốc lợi tiểu

Bệnh nhân có thể bị lờn thuốc lợi tiểu với 2 dạng:

3.2.1 Nhờn ngắn hạn

Nghĩa là giảm đáp ứng với thuốc lợi tiểu sau khi dùng liều thứ nhất. Cơ chế gây tình trạng này chưa được biết rõ, có thể do hệ thần kinh giao cảm hoặc kích hoạt angiotensin II.

3.2.2 Nhờn dài hạn

Khi dùng thuốc lợi tiểu quai kéo dài, dịch từ quai Henle thoát ra tràn vào ống thận xa gây phì đại, tăng hấp thu natri. Vì thế Natri thoát ra từ quai Henle bị tái hấp thu ở ống thận xa, làm giảm hiệu quả của thuốc.

Nhờn thuốc
Bệnh nhân có thể bị nhờn thuốc lợi tiểu

3.3 Tương tác thuốc

  • Không kết hợp thiazid với lợi tiểu quai.
  • Lợi tiểu giữ K+ khi kết hợp với thuốc làm tăng K+, cần theo dõi cẩn thận
  • Nếu dùng thuốc lợi tiểu cùng NSAID có thể tăng nguy cơ gây suy thận cấp.

Để đạt hiệu quả điều trị tốt, tránh tác dụng không mong muốn, người bệnh điều trị cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan