Lưu ý khi uống thuốc điều trị lao hạch

Lao nói chung hay lao hạch nói riêng là bệnh lý nhiễm khuẩn, cần một phác đồ điều trị nghiêm ngặt và lâu dài. Vậy cần lưu ý gì trong quá trình uống thuốc điều trị lao hạch?

1. Bệnh lao hạch là gì?

Bệnh lao hạch là một thể lao ngoài phổi, do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên, nữ giới có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới. Đây là bệnh lý ít nguy hiểm, không gây tử vong, có thể chữa khỏi nhưng quá trình điều trị đòi hỏi phải kiên trì và kéo dài. Nếu điều trị không đúng cách lao hạch sẽ gây nhiều biến chứng cho cơ thể.

Lao hạch là bệnh truyền nhiễm có thể lây từ người sang người thông qua không khí. Lao hạch có thể xuất hiện ở nội tạng như hạch trung thất, hạch mạc treo,... cũng có thể xuất hiện ở ngoại biên như hạch cổ, hạch nách, hạch bẹn,... nhưng vị trí lao hạch hay gặp nhất thường ở vùng cổ.

2. Triệu chứng và chẩn đoán bệnh lao hạch

Một số biểu hiện lâm sàng trên bệnh nhân lao hạch:

  • Sưng to một hoặc nhiều hạch, kích thước hạch tăng dần, không đau, mật độ chắc, bề mặt nhẵn; da quanh vùng hạch không sưng phù, không nóng, không đỏ. Có thể sưng nhiều hạch tập trung thành từng chuỗi hoặc chỉ sưng một hạch đơn độc.
  • Tổng trạng người bệnh ít thay đổi, có thể sốt nhẹ, mệt mỏi, ăn kém, sụt cân. Nếu kèm theo các tổn thương lao ở các cơ quan khác như phổi, xương,... thì các triệu chứng toàn thân sẽ nặng nề hơn.
  • Ở thể viêm hạch lao phì đại: các triệu chứng nặng nề hơn, xuất hiện khối u do một hoặc nhiều hạch nổi to lên, khi khối u nổi to quá mức sẽ gây biến dạng (biến dạng ở vùng cổ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp). Thể lao hạch phì đại có thể gặp ở hạch cổ, hạch tuyến mang tai, hạch dưới hàm,... và khó điều trị dứt điểm bằng phương pháp nội khoa.

Hạch lao phát triển qua 3 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn đầu: hạch bắt đầu sưng to, không đều nhau, di động dễ do chưa dính vào nhau và chưa dính vào da;
  • Giai đoạn sau: viêm hạch và viêm quanh hạch, các hạch bắt đầu lớn hơn, sưng viêm, dính với nhau thành mảng lớn hoặc chuỗi, dính vào da và tổ chức xung quanh làm hạn chế di động;
  • Giai đoạn nhuyễn hóa: các hạch sẽ mềm dần, sờ cảm giác lùng nhùng, có thể nhìn thấy đỉnh mủ tại hạch, hạch không nóng, không đau, vùng da quanh hạch có thể sưng tấy đỏ. Ở giai đoạn này hạch dễ vỡ tạo lỗ rò, chảy mủ màu xanh nhạt, có bã đậu lổn nhổn, khi hạch vỡ sẽ tạo thành sẹo nhăn nhúm lâu lành.

Chẩn đoán lao hạch:

  • Chẩn đoán xác định dựa vào các cận lâm sàng: chọc hạch làm xét nghiệm tế bào; Sinh thiết hạch làm chẩn đoán mô bệnh học; Cấy hạch tìm trực khuẩn lao;
  • Chẩn đoán phân biệt lao hạch với: Viêm hạch cấp hoặc mạn tính do vi khuẩn, virus; Bệnh Hodgkin và Non-Hodgkin; hạch di căn ung thư; các u lành tính (u mỡ, u thần kinh, u nang bạch huyết,...).

3. Các phương pháp điều trị lao hạch

3.1. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa lao hạch cần phối hợp nhiều loại kháng sinh, sử dụng kéo dài từ 4 đến 12 tháng. Phác đồ điều trị lao hạch cụ thể bao gồm:

  • Lao hạch ở người lớn: 2RHZE/10RHE - Giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng, dùng hàng ngày với 4 loại thuốc gồm Rifampicin (R), Isoniazid (H), Pyrazinamide (Z), Ethambutol (E); Giai đoạn duy trì kéo dài 10 tháng, dùng hàng ngày với 3 loại thuốc gồm Rifampicin (R), Isoniazid (H), Ethambutol (E).
  • Lao hạch ở trẻ em: 2RHZE/10RH - Giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng, dùng hàng ngày với 4 loại thuốc gồm Rifampicin (R), Isoniazid (H), Pyrazinamide (Z), Ethambutol (E); Giai đoạn duy trì kéo dài 10 tháng, dùng hàng ngày với 2 loại thuốc gồm Rifampicin (R), Isoniazid (H).
  • Lao hạch đa kháng thuốc: 8ZEKm(Cm)LfxPtoCs/ 12ZELfxPtoCs - Giai đoạn tấn công kéo dài 8 tháng, dùng hàng ngày với 6 loại thuốc gồm Pyrazinamide (Z), Ethambutol (E), Kanamycin (Km) hoặc Capreomycin (Cm), Levofloxacin (Lfx), Prothionamide (Pto) và Cycloserine (Cs); Giai đoạn duy trì kéo dài trong 12 tháng dùng hàng ngày với 5 loại thuốc Pyrazinamid(Z), Ethambutol (E), Levofloxacin (Lfx), Prothionamide (Pto) và Cycloserine (Cs).

3.2. Điều trị ngoại khoa

Khi các hạch lao tăng kích thước quá lớn, hạch hóa mủ nhưng không đáp ứng với điều trị nội khoa gây ảnh hưởng đến sinh hoạt có thể điều trị bằng phẫu thuật lấy toàn bộ hạch.

Để tránh sự lây lan vi khuẩn lao, vẫn nên điều trị đúng và đủ phác đồ nội khoa khi tiến hành phẫu thuật. Cũng có thể thực hiện nạo vét sạch mủ bã đậu ở hạch, sau đó đắp trực tiếp kháng sinh chống lao vào.

Ở trẻ em, không nên có chỉ định cắt bỏ hạch sớm khi chưa có biến chứng nặng nề do hạch có vai trò tăng cường miễn dịch, chống sự xâm nhập của trực khuẩn lao; cần chăm sóc vùng tổn thương, tránh tình trạng viêm, vỡ mủ ở hạch.

4. Một số lưu ý khi uống thuốc điều trị lao hạch

Khi uống thuốc điều trị lao hạch, người bệnh cần lưu ý như sau:

  • Người bệnh cần uống thuốc lao hạch đúng cách, không được bỏ thuốc bất cứ liều nào, uống thuốc vào cùng một khung thời gian trong ngày, uống xa bữa ăn.
  • Dùng thuốc chống lao theo từng giai đoạn của bệnh, không uống ngắt quãng. Giai đoạn tấn công kéo dài 2-3 tháng để tiêu diệt nhanh số lượng lớn trực khuẩn lao, ngăn chặn kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4-6 tháng để tiêu diệt triệt để vi khuẩn còn trong tổn thương, các vi khuẩn ở thể ngủ, đề phòng tái phát. Đối với bệnh lao đa kháng thuốc, giai đoạn tấn công có thể lên tới 8 tháng.
  • Nếu sau giai đoạn tấn công mà hạch vẫn to lên và áp xe mủ viêm sưng thì nên can thiệp ngoại khoa.

Nhìn chung quá trình điều trị lao hạch đòi hỏi sự kiên trì, hợp tác giữa bệnh nhân và bác sĩ. Sử dụng thuốc điều trị lao hạch phải theo đúng liệu trình, thời gian, liều lượng để đề phòng các biến chứng và nguy cơ kháng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan