Nằm ngủ bị chóng mặt phải làm sao?

Tình trạng bị chóng mặt khi ngủ thường gây lo lắng và ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, bởi vấn đề này đôi khi có thể là dấu hiệu của một hoặc nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Vậy nằm ngủ bị chóng mặt nên làm gì?

1. Nguyên nhân gây chóng mặt

Chóng mặt là tình trạng mất thăng bằng khiến bạn có cảm giác chính mình hoặc môi trường xung quanh đang quay cuồng, choáng váng, lảo đảo và có nguy cơ té ngã. Chóng mặt không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau với nguyên nhân khác nhau như rối loạn tiền đình, tổn thương tai trong, chấn thương vùng đầu, đột quỵ, thiếu máu, huyết áp thấp...

Trong đó bị chóng mặt khi ngủ là hiện tượng hay gặp do bệnh lý rối loạn tiền đình. Những nguyên nhân hay gặp gây rối loạn tiền đình như huyết áp thấp, tai biến mạch máu não, thiếu máu,... gây tắc nghẽn mạch máu, giảm lưu lượng máu lên não, viêm dây thần kinh, viêm tai giữa, chấn thương vùng đầu... gây tổn thương dây thần kinh số 8 (dây thần kinh tiền đình - ốc tai), căng thẳng, mất ngủ...

Tuy nhiên để chắc chắn nguyên nhân gây hiện tượng bị chóng mặt khi ngủ bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

2. Nằm ngủ bị chóng mặt biểu hiện như thế nào?

Người bệnh có thể thấy xuất hiện các cơn chóng mặt, choáng váng, đầu óc quay cuồng, lảo đảo, mất phương hướng, kèm theo hoa mắt, buồn nôn, nôn, ù tai, sợ âm thanh tiếng động, sợ ánh sáng, mạch nhanh, huyết áp hạ, mệt mỏi, mất ngủ. Triệu chứng nặng lên đặc biệt là khi thay đổi tư thế.

Biểu hiện triệu chứng nhẹ hay nặng thì tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bệnh nhân. Bệnh có thể diễn biến trong vài ngày rồi dần hồi phục nhưng cũng có thể kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

3. Khi ngủ bị chóng mặt cần lưu ý những gì?

  • Tránh thay đổi tư thế đột ngột, khi chuyển từ tư thế ngồi sang nằm hoặc ngược lại thì cần từ từ, tránh đột ngột.
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi điều độ, tránh thức khuya, làm việc quá sức, tránh stress.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như cafe, rượu, bia, thuốc lá.
  • Có chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước mỗi ngày.
  • Xây dựng chế độ tập luyện thể dục thể thao đều đặn, hợp lý.
  • Nên tránh làm các công việc leo trèo, lái xe, vận hành máy móc, hay các công việc tiềm tàng nguy hiểm trong thời gian bị chóng mặt để đảm bảo an toàn cho bản thân.
  • Sắp xếp các đồ vật trong gia đình ngăn nắp, gọn gàng, tránh các vật cản trên sàn nhà do dễ có nguy cơ té ngã gây nguy hiểm đến người bệnh.

Nếu tình trạng chóng mặt khi ngủ chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn rồi tự hồi phục bạn không nên quá lo lắng, vì đây có thể là biểu hiện lành tính xuất hiện do căng thẳng, stress, chỉ cần thay đổi chế độ sinh hoạt ăn uống hợp lý, luyện tập khoa học là có thể cải thiện được triệu chứng. Tuy nhiên, trong trường hợp hiện tượng này diễn ra thường xuyên, diễn biến bệnh ngày càng tăng và nặng hơn, đặc biệt là trên những người có bệnh lý mạn tính, nhiều yếu tố nguy cơ thì cần đến ngay cơ sở y tế để có thể thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

75.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan