Ngộ độc thuốc tê: Những điều cần biết

Bài viết bởi Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Hoài Nam - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Vài năm gần đây, thỉnh thoảng lại có tin về các trường hợp ngộ độc thuốc tê trong đó người bệnh có thể được cấp cứu kịp thời hoặc có khi nặng nề hơn gây tử vong. Vậy ngộ độc thuốc tê là gì và cần hiểu gì về tai biến này?

1. Thuốc tê và phương pháp gây tê

Thuốc tê là các dược chất có đặc tính ngăn chặn luồng thần kinh dẫn truyền khi khi tiếp xúc với mô thần kinh ở nồng độ thích hợp. Sau một thời gian, chức năng thần kinh được phục hồi hoàn toàn, không có tổn thương hay di chứng ở tế bào và sợi thần kinh. Thuốc tê không làm mất ý thức, chỉ làm giảm hay mất cảm giác và vận động. Có nhiều loại thuốc tê được đóng gói với các hàm lượng và nồng độ khác nhau tùy thuộc phương pháp gây tê.

Phương pháp gây tê là phương pháp làm giảm hay mất cảm giác ở 1 bộ phận, 1 vùng của cơ thể một cách tạm thời, nhưng không làm mất ý thức, người bệnh vẫn tỉnh táo. Các phương pháp gây tê thường dùng: Tê ngoài da và niêm mạc, tê tại chỗ, tê thấm lớp, gây tê đám rối, gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng...

2. Ngộ độc thuốc tê

Nói một cách chính xác hơn, theo thuật ngữ y học là ngộ độc thuốc tê toàn thân (Local Anaesthetic Systemic Toxicity- LAST). Đây là một phản ứng bất lợi nghiêm trọng có thể gây tử vong khi nồng độ huyết tương của thuốc vượt quá ngưỡng tác dụng điều trị.

Ngộ độc thuốc tê xảy ra khi:

  • Khi vô ý tiêm thuốc vào mạch máu (hay xảy ra)
Tiêm tĩnh mạch
Ngộ độc thuốc tê xảy ra khi thuốc tê được tiêm vào mạch máu

  • Hấp thu từ mô tại vùng tiêm thuốc trong gây tê tại chỗ
  • Khi tiêm liều lập lại mà không cân bằng với quá trình thải trừ của thuốc

Điều này làm lượng thuốc trong máu cao hơn nồng độ tối đa cho phép, dẫn đến liều độc nghĩa là gây ngộ độc thuốc.

3. Dấu hiệu và biểu hiện của ngộ độc thuốc tê là gì?

Dấu hiệu của ngộ độc thuốc tê thường xuất hiện từ 1-5 phút nhưng có thể muộn hơn trong vòng 60 phút sau tiêm thuốc, thậm chí sau 1-12 giờ. Ngộ độc thuốc tê biểu hiện trên hệ thần kinh trung ương 36%, trên hệ tim mạch 28% và cả thần kinh và tim mạch chiếm 36%.

  • Biểu hiện trên hệ thần kinh trung ương: Thường xảy ra trước dấu hiệu tim mạch, gồm 2 giai đoạn kích thích ban đầu và suy sụp
B1

  • Biểu hiện trên hệ tim mạch: Tùy mức độ ngộ độc có thể có 3 giai đoạn
b2

4. Khi nào thì nghĩ đến ngộ độc thuốc tê?

Xét nghiệm máu có thể giúp đo nồng độ thuốc tê trong máu. Tuy nhiên kết quả có thể không tương ứng với biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, thường phải có thời gian để làm xét nghiệm trong khi diễn biến của ngộ độc thuốc tê thường nhanh và đòi hỏi bệnh viện phải xử trí càng nhanh càng tốt để tránh tình trạng nặng ảnh hưởng đến thần kinh và tim mạch. Vì vậy, chẩn đoán thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng, nhất là các dấu hiệu thần kinh trong giai đoạn kích thích ban đầu. Lưu ý cần phân biệt ngộ độc với dị ứng thuốc tê vì có thể ảnh hưởng đến quá trình cấp cứu. Dị ứng thuốc tê thường hiếm gặp.

5. Làm gì khi nghi ngờ người bệnh bị ngộ độc thuốc tê?

  • Ngừng tiêm thuốc tê ngay lập tức
  • Gọi hỗ trợ đến các nhân viên y tế
  • Cân nhắc sử dụng nhũ tương Lipid ngay khi bắt đầu có biểu hiện ngộ độc theo phác đồ của Hội Gây tê vùng và giảm đau Hoa Kỳ (ARSA) và của Bộ Y tế
  • Sử dụng bộ cấp cứu ngộ độc thuốc tê
  • Thông báo đến đơn vị cấp cứu tim phổi nhân tạo vì quá trình hồi sức có thể kéo dài
  • Kiểm soát đường thở: Thông khí với Oxy 100% và sử dụng đường thở nâng cao nếu cần.
  • Chống co giật: Ưu tiên dùng nhóm Benzodizepin, tránh dùng Propofol
  • Xử trí hạ huyết áp và nhịp chậm nếu có
  • Sau xử trí ngộ độc, theo dõi ít nhất 4-6 giờ nếu có dấu hiệu tim mạch; ít nhất 2 giờ nếu chỉ biểu hiện trên thần kinh trung ương.
Thở oxy
Người bệnh cần được thông khi với Oxy 100% giúp kiểm soát đường thở

6. Các yếu tố tăng nguy cơ ngộ độc thuốc tê

Loại thuốc tê: Độc tính thuốc tê Bupivacaine > Lidocaine > Ropivacaine > Hỗn hợp thuốc tê > Levobupivacaine

Nồng độ thuốc tê càng cao, thể tích càng lớn càng có nguy cơ ngộ độc

Vị trí, loại gây tê:

  • Vùng có mạch máu lớn tăng nguy cơ tiêm thuốc vào mạch máu ( tê gian cơ bậc thang)
  • Tăng nguy cơ hấp thu thuốc tê ( tê da đầu, màng phổi, niêm mạc phế quản)
  • Tê liên sườn > tê ống cùng > tê ngoài màng cứng > tê đám rối cánh tay > tê dưới da
  • Tiêm 1 liều > truyền liên tục

Người bệnh

  • Rối loạn chức năng tim mạch, thận, gan
  • Người cao tuổi
  • Trẻ em
  • Phụ nữ có thai
Mang thai
Phụ nữ có thai thuộc nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ ngộ độc thuốc tê

Để giảm nguy cơ ngộ độc thuốc tê, cần phải:

  • Dùng thuốc tê với liều nhỏ nhất có tác dụng
  • Nhận biết người bệnh có yếu tố nguy cơ
  • Gây tê vùng dưới hướng dẫn siêu âm
  • Dùng liều test
  • Hút ngược bơm tiêm nhiều lần trong quá trình bơm thuốc tê để tránh tiêm vào mạch máu
  • Thảo luận với bác sĩ mổ liều thuốc tê dùng trong mổ để tránh trường hợp dùng quá liều
  • Theo dõi người bệnh liên tục bằng Monitor chuẩn
  • Giao tiếp, nói chuyện với người bệnh liên tục trong quá trình gây tê để phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc thần kinh.
  • Xử trí kịp thời và theo đúng phát đồ khi có biểu hiện ngộ độc

Tại Hệ thống Y tế Vinmec, người bệnh luôn được đánh giá trước mổ theo quy trình thăm khám tiền mê để có phương án gây mê, gây tê phù hợp. Hệ thống monitor hiện đại theo dõi đầy đủ dấu hiệu sinh tồn trong và sau mổ giúp phát hiện sớm các bất thường của người bệnh nhằm xử trí kịp thời các tai biến có thể xảy ra. Phát triển gây tê vùng dưới hướng dẫn siêu âm đang là thế mạnh của Vinmec, giúp người bệnh giảm đau tốt và an toàn trong và sau mổ.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY .

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan