Nguyên tắc sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương do tai nạn giao thông

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nguyên tắc sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương do tai nạn giao thông được thực hiện theo thứ tự tiếp cận đường thở - thở - tuần hoàn – thần kinh – bộc lộ toàn thân. Phương pháp này được áp dụng trong tất cả các trường hợp khẩn cấp lâm sàng để đánh giá và điều trị ngay lập tức cho người bệnh, cải thiện tỷ lệ sống còn và dự hậu về sau.

1. Giới thiệu nguyên tắc sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương do tai nạn giao thông

Phương pháp Đường thở (A – Airway), Hơi thở (B – Breathing), Tuần hoàn (C – Circulation), Thần kinh (D – Disability) và Bộc lộ toàn thân (E – Exposure) là một phương pháp có hệ thống để đánh giá và điều trị ngay lập tức những bệnh nhân bị bệnh nặng hoặc bị thương do tai nạn giao thông nói riêng và các biến cố ảnh hưởng đến thân thể nói chung.

Thực vật, phương pháp này có thể áp dụng trong tất cả các trường hợp khẩn cấp lâm sang, có thể được sử dụng trên đường phố mà không cần bất kỳ thiết bị nào, với các mục đích cần đạt được ngay tại hiện trường như sau:

  • Tăng cơ hội cứu sống tính mạng nạn nhân
  • Phân nhỏ các tình huống lâm sàng phức tạp thành các phần dễ quản lý hơn
  • Thực hiện đánh giá và điều trị
  • Thiết lập nhận thức tình huống chung giữa tất cả các nhà chăm sóc sức khỏe, như giữa đội cấp cứu và bệnh viện
  • Kéo dài thời gian sống sót để thiết lập chẩn đoán và điều trị chuẩn xác

2. Khi nào cần thực hiện sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương do tai nạn giao thông?

Ngừng tim
Cần điều trị bằng phương pháp ABCDE để ngăn ngừa khả năng ngừng tim nếu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng bất lợi

Phương pháp ABCDE có thể áp dụng cho tất cả bệnh nhân, cả người lớn và trẻ em.

Các dấu hiệu lâm sàng của các tình trạng nguy kịch là tương tự nhau bất kể nguyên nhân cơ bản là gì, nói riêng cho các bệnh cảnh bị chấn thương do tai nạn giao thông. Theo đó, bất kể nguyên nhân chấn thương hay cơ chế tác động, những điều này là không cần thiết khi thực hiện đánh giá và điều trị ban đầu. Do đó, phương pháp ABCDE nên được sử dụng bất cứ khi nào nghi ngờ có bệnh tật hoặc thương tích nghiêm trọng.

Đây còn là một công cụ có giá trị để xác định hoặc loại trừ các tình trạng quan trọng trong thực tế hàng ngày. Cụ thể là khi bệnh nhân ngừng tim thường có trước các dấu hiệu lâm sàng bất lợi và những dấu hiệu này có thể được nhận biết và điều trị bằng phương pháp ABCDE để có khả năng ngăn ngừa ngừng tim sau đó. Nói cách khác, hồi sức tim phổi trong phương pháp ABCDE cũng được khuyến nghị là bước đầu tiên trong chăm sóc sau hồi sức khi tuần hoàn tự phát trở lại.

Tất cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp, đều có thể gặp phải những người bị bệnh hoặc bị thương nặng, tại nơi làm việc hoặc trong cuộc sống riêng tư, và do đó có thể cần phải thực hiện phương pháp ABCDE.

Hơn nữa, hồi sức tim phổi cũng là một kỹ năng mà mọi người dân cần có, nhằm trao cơ hội cứu sống nạn nhân hơn là không làm gì cả. Như vậy, việc điều trị có thể được khởi đầu ngay tại hiện trường mà không cần bất kỳ thiết bị hay các biện pháp can thiệp tiên tiến gì, nhằm kéo dài hơn sự sống cho nạn nhân cho đến khi xe cấp cứu đến.

3. Cách thực hiện nguyên tắc sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương do tai nạn giao thông như thế nào?

Sơ cấp cứu
Trước khi thực hiện ABCDE người cấp cứu cần quan sát bệnh nhân thông qua màu da, mồ hôi sẽ giúp nâng cao chất lượng việc sơ cứu người bệnh

Với cách tiếp cận theo trình tự ABCDE, việc đánh giá và điều trị ban đầu được thực hiện đồng thời và liên tục. Ngay cả khi tình trạng nguy kịch rõ ràng, nguyên nhân vẫn có thể khó nắm bắt. Trong những tình huống như vậy, điều trị cứu sống phải được tiến hành trước khi chẩn đoán xác định đã đạt được. Nhận biết sớm và điều trị ban đầu hiệu quả sẽ ngăn ngừa tình trạng xấu đi hơn nữa và có thời gian để chẩn đoán xác định, cũng như có thể tiến hành điều trị tập trung vào nguyên nhân.

Theo trình tự ABCDE, đầu tiên, các vấn đề về đường thở đe dọa tính mạng được đánh giá và điều trị; thứ hai, các vấn đề về hô hấp, tuần hoàn, thần kinh và cuối cùng là bộc lộ các tổn thương đe dọa tính mạng khác trên cơ thể sẽ được đánh giá và điều trị. Như thế, khi áp dụng cách tiếp cận có cấu trúc này, mục đích xác định các vấn đề đe dọa tính mạng và điều trị để khắc phục chúng sẽ nhanh chóng đạt được một cách có hiệu quả.

Trước khi thực hiện ABCDE, người cấp cứu phải đảm bảo an toàn của chính mình. Sau đó, nhanh chóng quan sát bằng cách nhìn vào bệnh nhân thông qua màu da, mồ hôi, môi trường xung quanh,... Mặc dù điều này có thể đơn giản, giá trị lâm sàng đạt được rất cao và cách tiếp cận có hệ thống được trình bày dưới đây sẽ giúp nâng cao chất lượng của việc sơ cứu người bệnh:

A - Đường thở: đường thở có thông thoáng không?

Nếu bệnh nhân đáp ứng bằng giọng nói bình thường, đánh giá đường thở vẫn còn thông thoáng. Ngược lại, nạn nhân có thể đã bị tắc nghẽn đường thở một phần hoặc toàn bộ. Các dấu hiệu của đường thở bị tắc nghẽn một phần bao gồm giọng nói thay đổi, thở nhanh, thở gấp và cần gắng sức thở nhiều hơn. Với một đường thở bị tắc nghẽn hoàn toàn, nạn nhân sẽ hoàn toàn không có bất kỳ dấu hiệu của sự tự hô hấp nào. Đồng thời, giảm mức độ ý thức cũng là một nguyên nhân phổ biến của tắc nghẽn đường thở, một phần hoặc toàn bộ; và ngược lại, đường thở bị tắc nghẽn, người bệnh nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp thì cũng sẽ suy giảm ý thức.

Tắc nghẽn đường thở
Nếu bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp

Tắc nghẽn đường thở không được điều trị có thể nhanh chóng dẫn đến ngừng tim. Vì vậy, nạn nhân được khuyến cáo là cần đánh giá đường thở như một bước tiếp cận đầu tiên, bằng động tác nghiêng đầu và nâng cằm để mở đường thở. Nếu có thiết bị thích hợp, nên hút chất nhầy, chất nôn, máu trong đường thở để loại bỏ tắc nghẽn.

B - Nhịp thở: nhịp thở đã đủ chưa?

Khi đường thở có thể đảm bảo thông thoáng, cần xác định khả năng tự hô hấp của nạn nhân bằng cách kiểm tra chuyển động của thành ngực dựa trên quan sát sự di động cân xứng và sử dụng các cơ hô hấp phụ. Hơn nữa, quan sát màu da nạn nhân, xác định được tình trạng tím tái, tĩnh mạch cổ căng phồng, và khí quản di lệch để biết lực tác động trong tai nạn giao thông có làm ảnh hưởng đến khả năng hô hấp hay không.

Nếu xác định người bệnh không có khả năng tự thở hay nhịp thở không đảm bảo, cần hà hơi thổi ngạt nhằm tạo nguồn thông khí nhân tạo vào lồng ngực cho người bệnh.

C - Sự tuần hoàn: Chức năng tim mạch có đủ không?

Có thể đánh giá thời gian đổ đầy mao mạch và tần số mạch thông qua quan sát màu da niêm và mạch đập ở trung tâm bằng cách bắt mạch bẹn, mạch cảnh. Từ đó, các dấu hiệu này giúp cung cấp bằng chứng cho sự hoạt động của hệ tuần hoàn.

Nếu người bệnh thay đổi màu sắc, đổ mồ hôi, toàn thân tím tái và giảm mức độ ý thức là những dấu hiệu của giảm tưới máu. Nếu sờ không thấy mạch đập trong 10 giây thì người bệnh đã bị ngưng tim. Lúc này, hồi sinh tim phổi cần thực hiện ngay lập tức với thao tác ấn ngực đúng kỹ thuật, kết hợp hà hơi thổi ngạt xen kẽ, nhằm tái lập lưu lượng tuần hoàn hiệu quả cho não, giảm thiểu di chứng nặng nề về sau.

D – Thần kinh: mức độ ý thức như thế nào?

Mức độ ý thức thần kinh có thể được đánh giá nhanh chóng bằng phương pháp AVPU, trong đó bệnh nhân được xếp loại là tỉnh táo (A), có khả năng đáp ứng giọng nói (V), đáp ứng đau (P) hoặc không phản ứng (U). Ngoài ra, có thể sử dụng điểm hôn mê Glasgow trong chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông.

thang điểm Glasgow trong hôn mê
Hình ảnh thang điểm Glasgow trong hôn mê

Phương pháp điều trị tức thời tốt nhất cho những bệnh nhân bị suy giảm ý thức tiên quyết vẫn là ổn định đường thở, hô hấp và tuần hoàn. Đặc biệt, khi bệnh nhân đã có nhịp thở tự nhiên, dù không đáp ứng với kích thích đau hoặc không đáp ứng với bất kỳ tác động nào, người cấp cứu vẫn phải tiếp tục đảm bảo sự thông thoáng đường thở bằng cách đặt bệnh nhân vào tư thế hồi phục an toàn cho đến khi xe cấp cứu đến.

E – Bộc lộ: tìm bất kỳ tổn thương đi kèm với tình trạng của bệnh nhân?

Phải quan sát các dấu hiệu chấn thương, cơ chế chấn thương, lượng máu chảy... để nhanh chóng cố định và cầm máu. Để thực hiện được điều này, cần nhanh chóng bộc lộ người bệnh để có thể tiến hành khám sức khỏe toàn diện. Song song đó, không được bỏ sót nhiệt độ cơ thể, có thể được ước tính bằng cách cảm nhận làn da bên ngoài để ủ ấm hoặc làm mát người bệnh nếu thân nhiệt quá thấp hay quá cao.

Cuối cùng, sau khi hoàn thành đánh giá và xử trí ABCDE ban đầu, các đánh giá theo trình tự này vẫn nên được lặp lại cho đến khi bệnh nhân ổn định hoàn toàn hoặc khi đội cấp cứu chuyên nghiệp đã đến hiện trường. Theo đó, cần phải nhớ rằng có thể mất đến vài phút trước khi hiệu quả của một can thiệp được nhận thấy rõ ràng nhưng chỉ bỏ sót vài giây, cơ hội sống sót của nạn nhân lại bị nhanh chóng giảm sút.

Tóm lại, nguyên tắc sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương do tai nạn giao thông được thực hiện theo trình tự phương pháp ABCDE là một công cụ lâm sàng mạnh mẽ để đánh giá và điều trị ban đầu cho bệnh nhân ngay tại hiện trường. Theo đó, các động tác này cần được phổ cập và thuần thục trong cộng đồng, không chỉ giúp sơ cấp cứu trước khi nhập viện mà còn cải thiện kết cục sống sót, hạn chế di chứng về lâu dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan