Nội soi phế quản đặt van một chiều trong điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang là một mối lo lắng cho rất nhiều người trên khắp thế giới bởi những nguy hiểm tiềm tàng của nó. Bệnh cũng đã gây tử vong với tỷ lệ cao toàn cầu. Hiện nay, phương pháp nội soi phế quản đặt van một chiều là một trong những kĩ thuật hàng đầu nhằm cải thiện đường thông khí của những người mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính.

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính – nỗi lo chung trên toàn cầu

Hiện nay, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một vấn đề bệnh tật chung trên toàn cầu vì tỷ lệ mắc bệnh cũng như tỷ lệ tử vong do bệnh đang ngày càng gia tăng, đồng thời chi phí điều trị của bệnh rất cao và hậu quả của bệnh cũng vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là có thể gây tàn phế.

Năm 1990, tỷ lệ tử vong do tắc nghẽn phổi mãn tính chiếm vị trí thứ 6 trên toàn cầu. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của bệnh, các chuyên gia dự đoán cho đến những năm 2020, tỷ lệ tử vong do bệnh phổi này sẽ có thể đạt vị trí thứ 3.

Tùy theo mỗi nước, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể chiếm khoảng 3% đến 11% dân số. Một nghiên cứu được tiến hành tại 12 quốc gia ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, người ta nhận thấy tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 3.5% đến 6.7%. Đặc biệt, tại Việt Nam, vào năm 2010, tỷ lệ mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính trên 40 tuổi đạt 4.2% và tỷ lệ mắc bệnh chung là 2.2%.

Phổi
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Việc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường bao gồm các đợt điều trị cấp và điều trị lâu dài. Kỹ thuật điều trị chính của bệnh là giảm thể tích phổi theo 2 phương pháp:

Đặc biệt, phương pháp nội soi phế quản đặt van một chiều đang là xu hướng mới với nhiều ưu điểm, có thể thực hiện trên bệnh nhân ở giai đoạn nặng và hạn chế tối thiểu xâm lấn, ít gây biến chứng và tai biến.

2. Đại cương về nội soi phế quản đặt van một chiều

Nội soi phế quản đặt van một chiều là một loại phương pháp có mục đích giảm thể tích phổi bằng van một chiều từ hãng Pulmons X. Những chiếc van này sẽ được đặt vào trong lòng phế quản thông qua kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm.

Khi các van này đặt đúng vị trí, không khí sẽ đi ra theo một chiều duy nhất mà không cho phép không khí đi ngược vào lòng phế quản. Lâu dần thùy phổi sẽ xẹp xuống và nhờ đó giảm bớt thể tích phổi, hạn chế tình trạng căng phổi và cải thiện hiệu quả tình trạng hô hấp ở bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có hiện tượng giãn phế nang nghiêm trọng.

3. Kỹ thuật nội soi phế quản đặt van một chiều được chỉ định trong trường hợp nào?

Giãn phế quản
Nội soi phế quản đặt van một chiều được chỉ định trong trường hợp giãn phế nang

Những nhóm đối tượng dưới đây sẽ được các bác sĩ chỉ định nội soi phế quản và đặt van một chiều:

  • Từ 18 tuổi trở lên, không hút thuốc trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm phẫu thuật.
  • Bệnh nhân bị giãn phế nang không thuần nhất nghiêm trọng, tập trung ở thùy trên của phổi.
  • Có tình trạng rối loạn thông khí tắc nghẽn nặng,
  • Khí máu động mạch lúc nghỉ ngơi không thở Oxy phải đạt tiêu chuẩn sau: PaO2 < 50mmHg và PaCO2 > 45mmHg.
  • Bệnh nhân bị rò phế quản màng phổi, dẫn đến tràn khí và tràn mủ màng phổi,... khiến việc dẫn lưu màng phổi không đạt hiệu quả.

4. Trường hợp nào không thể áp dụng kỹ thuật nội soi phế quản đặt van một chiều?

Tuy có khá ít điều kiện ràng buộc và phương pháp này cũng có tính an toàn cao, nhưng cũng như nhiều loại hình phẫu thuật khác, nội soi phế quản đặt van một chiều vẫn có các chống chỉ định cần lưu ý:

  • Bệnh nhân bị giãn phế nang thuần nhất.
  • Rối loạn nhịp tim hoặc nhịp chậm (< 50 lần đập mỗi phút).
  • Tăng HA không kiểm soát.
  • Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp: cần phải được điều trị nhiễm trùng trước và sau khoảng 3 tháng hồi phục hoàn toàn mới có thể thực hiện nội soi phế quản đặt van một chiều.
  • Bệnh nhân bị suy thận, suy gan hoặc suy tim nặng.
  • Rối loạn đông cầm máu, nhồi máu cơ tim, ...

5. Một số tai biến sau khi thực hiện nội soi phế quản đặt van một chiều

Nội soi phế quản
Nội soi phế quản
  • Suy hô hấp cấp: có thể khắc phục bằng cách đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy.
  • Nhiễm trùng: điều trị bằng kháng sinh sau phẫu thuật.
  • Đau ngực: bệnh nhân nên dùng một số loại thuốc giảm đau như paracetamol, codein, ... để giảm bớt triệu chứng.
  • Di lệch van: cần phải được nội soi phế quản một lần nữa để tháo van ra ngoài...

Có thể thấy, việc nội soi phế quản đặt van một chiều sẽ có thể giảm bớt độ phồng của phổi bằng công cụ (van 1 chiều). Hiệu quả của phương pháp này tương đối cao, đồng thời ít để lại biến chứng nguy hiểm sau phẫu thuật, hạn chế sẹo và giảm thời gian hồi phục xuống mức tối thiểu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan