Phẫu thuật cắt tuyến dưới hàm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Tuyến dưới hàm bao gồm hai tuyến nước bọt nằm ở phía dưới xương hàm, có nhiều vai trò trong các hoạt động sống hàng ngày. Tuy nhiên, nếu như các tuyến này bị tắc nghẽn, hẹp bẩm sinh hoặc có các viêm nhiễm nghiêm trọng, bệnh nhân thường được chỉ định phẫu thuật cắt tuyến dưới hàm.

1. Giải phẫu học tuyến dưới hàm

Tuyến dưới hàm bao gồm 2 tuyến nước bọt khu trú phía dưới xương hàm và ở phía trên cơ nhị thân. Mỗi tuyến được chia thành 2 thùy là thùy nông và thùy sâu, ngăn cách bởi cơ hàm móng.

Nước bọt sản xuất ra bởi tuyến dưới hàm sẽ được dẫn vào ống Wharton ở thùy nông, uống quanh cạnh sau của cơ hàm móng và tiếp tục di chuyển ngang qua các dây thần kinh lưỡi, cuối cùng đổ vào núm dưới lưỡi để thoát ra ngoài.

Chức năng của tuyến dưới hàm tương đối đa dạng vì các tế bào tiết chất nhầy trong tuyến dưới hàm có vai trò riêng biệt, bao gồm các hoạt động sau:

  • Sản xuất nước bọt: khoảng 70% nước bọt được tiết ra từ tuyến dưới hàm.
  • Tạo ra enzyme amylase: đây là enzyme giúp tiêu hóa tinh bột từ trong miệng và chuyển tinh bột thành dạng glucose trước khi đi vào dạ dày.
  • Tiết mucin: mucin hoạt động như một chất bôi trơn thức ăn, giúp thức ăn dễ dàng di chuyển qua thực quản để vào dạ dày.

2. Phẫu thuật cắt tuyến dưới hàm là gì?

Phẫu thuật cắt tuyến dưới hàm là một phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến dưới hàm, có thể nhằm mục đích điều trị bệnh lý hoặc là một phẫu thuật tiên quyết, mở đường cho những phẫu thuật khác.

3. Cắt tuyến dưới hàm được thực hiện với những đối tượng nào?

Viêm tuyến nước bọt
Bệnh nhân bị viêm tuyến dưới hàm mà không thể điều trị dứt điểm bằng phương pháp nội khoa sẽ được chỉ định phẫu thuật

Cắt tuyến dưới hàm thường được các bác sĩ chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị viêm tuyến dưới hàm, thường xuyên tái phát và không thể điều trị dứt điểm bằng các phương pháp nội khoa.
  • Bệnh nhân có khối u hoặc sỏi trong tuyến dưới hàm.
  • Hẹp ống tuyến sau các thủ thuật ở vùng sàn miệng hoặc sau khi điều trị bằng tia xạ.
  • Là một phần của thủ thuật nạo vét hạch cổ.
  • Bệnh nhân cần mở đường để thực hiện các phẫu thuật ở sàn miệng hoặc vùng bên họng.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân sau nằm trong nhóm chống chỉ định của phẫu thuật tuyến dưới hàm:

  • Có bệnh lý nội khoa nặng.
  • Suy thận.
  • Bị các vấn đề về máu.
  • Đang có tình trạng viêm cấp trong cơ thể.
  • Bệnh nhân không có đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện phẫu thuật.

4. Cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật cắt tuyến dưới hàm?

Trước khi được chỉ định phẫu thuật tuyến dưới hàm, bệnh nhân cần được khám nội soi tai mũi họng và làm đầy đủ các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm công thức máu để chuẩn bị truyền máu khi cần thiết.
  • Xét nghiệm về đông máu cơ bản.
  • Kiểm tra chức năng của gan và thận.
  • Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được chụp CT – Scanner vùng mang cổ ở 2 tư thế nghiêng và thẳng.
Xét nghiệm ion đồ máu để làm gì
Trước khi phẫu thuật bệnh nhân sẽ được xét nghiệm công thức máu để chuẩn bị truyền máu khi cần thiết

5. Vấn đề theo dõi – chăm sóc hậu phẫu thuật cắt tuyến dưới hàm

Bệnh nhân sau khi mổ cắt tuyến dưới hàm sẽ được theo dõi và rút dẫn lưu sau khoảng 48 giờ. Mỗi ngày, bệnh nhân cần được thay băng cũng như vệ sinh vết mổ đúng cách. Nếu vết thương có tốc độ hồi phục tốt, bệnh nhân có thể cắt chỉ và xuất viện sau khoảng 5 – 7 ngày hậu phẫu.

Sau khi xuất viện, trong tuần đầu tiên, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và tránh hoạt động mạnh. Tuy nhiên, sau thời gian này, bạn nên bắt đầu tập luyện thể thao trở lại để giúp cơ thể nhanh chóng đi vào hoạt động bình thường. Hầu hết mọi bệnh nhân đều có khả năng hồi phục tốt và ít xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Một số tai biến có thể gặp:

  • Chảy máu: vết mổ sau phẫu thuật cũng như bình dẫn lưu cần được theo dõi để phát hiện tình trạng chảy máu nhằm có phương pháp cầm máu kịp thời. Trường hợp bệnh nhân chảy máu liên tục, cần phải mổ lại để cầm máu.
  • Nhiễm trùng: bệnh nhân sẽ được kê đơn kháng sinh toàn thân khi vết mổ có dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Liệt nhánh dây thần kinh số VII của bờ hàm dưới.

Phẫu thuật cắt tuyến dưới hàm là phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ tuyến dưới hàm để điều trị.

Chỉ định:

  • Viêm tuyến dưới hàm tái phát nhiều lần
  • U tuyến dưới hàm
  • Sỏi tuyến dưới hàm
  • Co thắt(hẹp) ống tuyến sau thủ thuật vùng sàn miệng hoặc sau điều trị xạ trị, ...

Chống chỉ định: các bệnh như suy thận, suy gan, bệnh về máu,... đang viêm cấp tuyến dưới hàm và người bệnh từ chối

Phẫu thuật cắt tuyến dưới hàm là một phẫu thuật cơ bản nhưng đòi hỏi trình độ chuyên môn cũng như tay nghề của bác sĩ thực hiện. Ngoài ra, để đảm bảo tỷ lệ thành công của phẫu thuật ở mức cao nhất, bệnh nhân cần có ý thức tuân thủ theo các hướng dẫn trước và sau khi phẫu thuật của bác sĩ điều trị

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan