Phẫu thuật u màng não lỗ chẩm

Phẫu thuật các khối u thần kinh nói chung và phẫu thuật u màng não lỗ chẩm nói riêng bằng phương pháp mở nắp hộp sọ là thao tác tinh vi đòi hỏi mức độ chuyên môn cao, cần được tiến hành theo đúng quy trình và theo dõi hậu phẫu chặt chẽ.

1. Giới thiệu về u màng não lỗ chẩm

U màng não là loại u nội sọ khá thường gặp, bắt nguồn từ màng nhện (lớp màng mỏng phủ lên nhu mô não và tủy sống, khác với màng cứng). Dù đa phần u màng não là lành tính, diễn tiến chậm nhưng vẫn có thể phát triển đến kích thước rất lớn cho đến khi được phát hiện. Một số loại u màng não được phát hiện dọc theo màng cứng vùng xoang tĩnh mạch của não và sàn sọ, nơi có nhiều tế bào mũ trong lớp màng nhện.

U màng não lỗ chẩm xuất hiện ở gần chỗ mở của nền sọ mà từ đó phần thấp của thân não đi xuống dưới. U màng não lỗ chẩm được xếp vào loại khá hiếm gặp, để tiếp cận u có thể phải phẫu thuật mở đường hố sọ giữa hoặc hố sọ sau.

Biểu hiện của u màng não lỗ chẩm tiến triển rất chậm. Bệnh nhân thường thấy đau đầu và có dấu hiệu thương tổn nhiều dây thần kinh sọ khác nhau. Ở thời kỳ đầu khá khó để phát triển về lâm sàng.

Đau đầu
Bệnh nhân bị u màng não lỗ chẩm có ít triệu chứng

2. Vì sao cần phẫu thuật u màng não lỗ chẩm?

Phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị hiệu quả cho những trường hợp u màng não có triệu chứng. Phẫu thuật u màng não lỗ chẩm sẽ được chỉ định trong các trường hợp:

  • U màng não lỗ chẩm chiếm ưu thế phía sau.
  • Thể tích khối u kéo dài xuống hố sau.

3. Chuẩn bị trước phẫu thuật

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được thăm khám lâm sàng, đánh giá chuyên khoa mắt, nội tiết, xét nghiệm chức năng gan thận, đông máu, kiểm tra tai mũi họng, chụp cộng hưởng từ não bộ, chụp CT đánh giá cấu trúc xương nền sọ, tình trạng u màng não lỗ chẩm.

Sau đó bệnh nhân được cho gội đầu... Khi đưa vào phòng mổ bệnh nhân được hướng dẫn để đầu cao 30 độ, đầu thẳng, không nghiêng hay gập cổ.

Thành phần kíp mổ bao gồm từ 7-8 người bao gồm các bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, bác sĩ phụ mổ, điều dưỡng phụ mê, điều dưỡng phục vụ dụng cụ phẫu thuật, điều dưỡng.

Dụng cụ phẫu thuật bao gồm bộ dụng cụ mở nắp hộp sọ, kính vi phẫu thuật có khả năng ghi hình khi mổ, dao mổ siêu âm Sonopet, kéo vi phẫu, dụng cụ cầm máu, keo cầm máu, máy kích thích theo dõi hoạt động điện thần kinh...

Phẫu thuật về trong ngày
Bác sĩ chuẩn bị dụng cụ trước khi tiến hành phẫu thuật

4. Quy trình tiến hành phẫu thuật u màng não lỗ chẩm

Bước 1: Khi chuẩn bị tiến hành phẫu thuật, người bệnh được đặt ở tư thế nằm sấp.

Bước 2: Tiến hành gây tê bằng hỗn hợp dung dịch Adrenalin 1/1000 và Lidocain; sau đó gây mê nội khí quản.

Bước 3: Bác sĩ phẫu thuật tiến hành rạch da ngay đường giữa hố sau sọ của bệnh nhân để mở xương chẩm và bộc lộ u.

Bước 4: Tiến hành đặt kính vi phẫu để ghi hình khi mổ, mở màng cứng để hút dịch não tủy.

Bước 5: Lấy u từng phần bằng máy hút hoặc dao siêu âm.

Bước 6: Đóng màng cứng, đóng vết mổ ở cả 3 lớp: cân cơ, da, dưới da.

5. Theo dõi và xử lý biến chứng hậu phẫu

Theo dõi hậu phẫu

  • Theo dõi các dấu hiệu mạch, hô hấp, nhiệt độ, đồng tử, huyết áp, thời gian thoát mê, tri giác, chức năng gan, thận... của bệnh nhân để đánh giá dấu hiệu sinh tồn, kết quả phẫu thuật.
  • Theo dõi các tai biến, biến chứng (nếu có).
Tụt huyết áp
Theo dõi huyết áp bệnh nhân đề phòng biến chứng sau phẫu thuật

Xử lý biến chứng

Sau khi phẫu thuật u màng não lỗ chẩm, một số trường hợp rủi ro vẫn có thể xảy ra dẫn đến tai biến. Một số biến chứng thường gặp hậu phẫu có thể bao gồm:

  • Chảy máu (trong mổ): Quá trình diễn ra phẫu thuật có thể vô tình tác động đến tĩnh mạch dẫn đến xuất huyết trong mổ. Ở trường hợp này có thể dùng Surgicel để cầm máu hoặc cân nhắc đến giải pháp đốt tĩnh mạch.
  • Chảy máu (sau mổ): Thường khiến bệnh nhân bị trì trệ tri giác, khó thoát mê hoặc lâu không tỉnh, có dấu hiệu thần kinh khu trú. Nên tiến hành chụp phim để đánh giá. Để xử lý có thể điều trị bảo tồn hoặc dẫn lưu não thất nếu thấy dấu hiệu co giãn não thất.
  • Máu tụ trên lều: Thường xuất hiện do tình trạng giảm áp lực trong mổ, bệnh nhân bị máu tụ sẽ có dấu hiệu suy giảm tri giác. Ở trường hợp này cần cân nhắc kích thước khối máu tụ để lựa chọn phương hướng mổ hoặc điều trị nội khoa.
  • Biến chứng tim mạch (trong mổ): Trong quá trình phẫu thuật u màng não lỗ chẩm, bệnh nhân có thể có biểu hiện mạch nhanh hoặc tăng huyết áp do kích thích thân não. Để cải thiện tình hình bác sĩ có thể lấy miếng giải ép ra, phối hợp với thuốc giảm đau từ bác sĩ gây mê cho.
  • Giãn não thất: Là tình trạng dịch não tủy bị tắc nghẽn, tích tụ quá nhiều (có thể do chảy máu, xuất huyết). Cách giải quyết duy nhất là dẫn lưu não thất.
  • Viêm màng não: Người bệnh sẽ bị biến chứng viêm màng não thông qua biểu hiện sốt, chọc dịch não tủy thấy có vi khuẩn, bạch cầu tăng. Để điều trị cần dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ, tích cực điều trị.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán u màng não

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan