Phòng tránh té ngã ở người cao tuổi

Tay chân yếu ở người già thường gây ra nhiều vấn đề trong đời sống, đặc biệt là ngã. Việc đánh giá nguy cơ ngã ở người cao tuổi giúp chúng ta dự phòng được những hậu quả do ngã gây ra cũng như phòng tránh những nguy cơ có thể gây ngã ở người cao tuổi.

1. Đánh giá nguy cơ ngã ở người cao tuổi

Khi tuổi tác càng cao, người già thường gặp nhiều vấn đề về dáng đi, có khoảng 20-40% người già trên 65 tuổi gặp các vấn đề về dáng đi và con số lên đến 40-50% ở người già trên 85 tuổi.

Những thay đổi về dáng đi cùng với sự thoái hóa của các cơ quan thị giác, cảm giác gây rối loạn sự kiểm soát thăng bằng ở người cao tuổi nên dễ gây té ngã, bên cạnh đó người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh nền khác nhau như rối loạn huyết áp, nhịp tim... dẫn đến việc sử dụng thuốc thường xuyên gây ra nhiều tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi khiến người già dễ bị té ngã hơn.

Té ngã ở người cao tuổi là một vấn đề khá nghiêm trọng và cần được quan tâm nhiều hơn bởi những nguyên nhân như sau:

  • Đây là nguyên nhân thứ 5 gây tử vong ở người cao tuổi
  • Nguy cơ tái phát cao và tiên lượng thường không tốt
  • Chi phí điều trị cho té ngã ở người cao tuổi thường rất lớn
  • Hậu quả của ngã ở người cao tuổi thường cao hơn so với người trẻ, nhất là người già xương cốt yếu, nguy cơ ngã dẫn đến tàn phế cao, gây nhiều áp lực lên gia đình và xã hội
  • Ngã ở người cao tuổi còn tạo ra nhiều ảnh hưởng đến tinh thần, khiến người già sống trong trạng thái sợ ngã, cảm xúc rối loạn, lo âu, căng thẳng... ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống.
không thể đứng dậy sau khi ngã
Người già xương cốt yếu nên nguy cơ ngã dẫn đến tàn phế cao

2. Nguyên nhân ngã ở người cao tuổi gia tăng

Té ngã không phải là vấn đề hiếm gặp trong cuộc sống hằng ngày, tùy vào từng trường hợp mà té ngã gây ra ít hay nhiều ảnh hưởng đến người bị ngã. Tuy nhiên đối với người cao tuổi, té ngã lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương, thậm chí là tử vong.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến ngã ở người cao tuổi, bao gồm:

  • Các yếu tố môi trường như: quần áo, nội thất trong gia đình, ánh sáng, sàn nhà trơn trượt...
  • Các vấn đề do đi lại không thăng bằng, đi quá nhanh, bước hụt...
  • Yếu cơ ở người già không thường xuyên tập luyện thể dục, đột quỵ hoặc gặp các vấn đề như rối loạn tuyến giáp, rối loạn tuyến thượng thận...
  • Viêm khớp: Khiến người cao tuổi hạn chế vận động và dần dần dẫn đến yếu cơ, teo cơ, gây ảnh hưởng đến việc đi lại
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Cơn té ngã: Tình trạng ngã đột ngột do hạ huyết áp, thiếu máu não, các vấn đề về tim mạch...
  • Người cao tuổi mắc một số bệnh lý như sau thường dễ bị té ngã: Hạ huyết áp tư thế, hạ đường huyết, tăng calci, thiếu máu, rối loạn độ tỉnh táo, lú lẫn, tiền đình, parkinson, rối loạn cảm giác, các bệnh lý về xương khớp, tổn thương cơ...
  • Các vấn đề về thị lực: Người cao tuổi thường gặp nhiều vấn đề khác nhau về thị lực, điều đó một phần ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như tăng nguy cơ té ngã do không nhìn rõ.
  • Sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ như buồn ngủ, lú lẫn, giảm phản xạ... đặc biệt các nghiên cứu chỉ ra sử dụng từ 4 loại thuốc trở lên có nguy cơ cao gây té ngã, bất kể sử dụng thuốc gì.
ngã đột quỵ người già cao tuổi
Té ngã ở người già là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương

3. Cách phòng tránh té ngã ở người cao tuổi

Té ngã ở người cao tuổi đặc biệt nguy hiểm, chính vì vậy để phòng tránh các trường hợp ngã có thể xảy ra, các gia đình có người già từ 65 tuổi trở lên cần lưu ý những cách phòng ngừa té ngã sau:

Nên đi gặp bác sĩ: Người cao tuổi thường có tâm lý sợ khám bệnh, tuy nhiên người nhà nên khuyến khích đi thăm khám định kỳ. Bên cạnh việc sớm phát hiện những bệnh lý tiềm ẩn và có phương hướng điều trị sớm nhất thì bác sĩ sẽ đưa ra nhiều lời khuyên về việc chăm sóc và dự phòng sức khỏe cho người cao tuổi, nhất là tình trạng té ngã.

Duy trì vận động hằng ngày khiến người cao tuổi khỏe mạnh, dẻo dai hơn, việc giữ thăng bằng cũng tốt hơn so với người không vận động. Có nhiều hình thức vận động để người già lựa chọn như tập thể dục dưỡng sinh, tản bộ, bơi, tập thái cực quyền... Tuy nhiên người cao tuổi chỉ nên chọn những hình thức tập luyện nhẹ nhàng đơn giản để hạn chế tối đa những chấn thương có thể xảy ra do tập luyện thể thao.

Một đôi giày tốt khiến người già đi lại vững vàng hơn, nên lựa chọn những loại giày dép vừa chân, có đế chống trượt, có quai đeo, hạn chế đi dép lẹp xẹp và giày cao gót.

Hạn chế những nguy hiểm trong nhà, nhất là gia đình có người già. Nên dọn dẹp những vật dụng trang trí hoặc sử dụng trọng nhà ra khỏi đường đi lại, nên cố định thảm hoặc mua thảm chống trơn trượt, nếu có chất lỏng chảy ra phải vệ sinh lau chùi ngay lập tức, trong nhà tắm phải trang bị thảm chống trượt...

Luôn đảm bảo trong nhà có đủ ánh sáng, công tắc đèn nên để ở những nơi dễ thấy như hai đầu cầu thang, nên bật đèn đêm trong phòng ngủ, phòng vệ sinh hoặc hành lang để tiện người già đi lại...

Sử dụng dụng cụ trợ giúp như gậy hoặc khung xe tập đi cho người cao tuổi, nên gắn tay vịn trong phòng tắm...

Để được tư vấn kỹ hơn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, quý khách có thể liên hệ hệ thống bệnh viện Vinmec trên toàn quốc, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ trực tiếp thăm khám và đưa ra lời khuyên hữu ích.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan