Phương pháp da kề da hạ sốt thực sự có ý nghĩa?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Da kề da là phương pháp cho trẻ sơ sinh được áp vào da trần của mẹ trong khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng ngay sau khi sinh. Đây là phương pháp khoa học và được đánh giá là tốt cho cả mẹ và bé.

1. Phương pháp da kề da hạ sốt thực sự có ý nghĩa?

Nhiều mẹ từ xưa đến nay đều tin rằng da kề da sẽ giúp trẻ hạ sốt. Tuy nhiên, trên thực tế, phương pháp da kề da cho trẻ sơ sinh thực sự không có tác dụng hạ sốt. Khi trẻ bị sốt được kề da mẹ, thì hormone tình yêu của mẹ sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên xem da kề da là cách điều trị thay thế cho những phương pháp truyền thống. Da kề da được xem là phương pháp hỗ trợ điều trị và giúp trẻ cảm thấy an tâm, dễ chịu trong khoảng thời gian trẻ bị sốt. Nếu trẻ sốt trên 38 độ C, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2. Lợi ích của phương pháp da kề da

Tổ chức y tế thế giới WHO khuyến khích nên cho trẻ sơ sinh, kể cả những trẻ sinh đủ tháng và khỏe mạnh, được da kề da với mẹ. Hiện nay, phương pháp này đang được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Da kề da (skin to skin) là phương pháp cho da của trẻ sơ sinh tiếp xúc với da của mẹ, ngay sau khi bé chào đời, trẻ sẽ được mẹ ôm trên ngực hoặc trên bụng trần của mình. Đây được coi là một biện pháp khoa học và được đánh giá là tốt cho cả mẹ và bé.

  • Đối với trẻ: giúp trẻ có thể thở tốt hơn, ít gặp những cơn ngừng thở hơn và ít nguy cơ đối mặt với tình trạng bị hạ thân nhiệt, tim của trẻ đập tốt hơn, trẻ phát triển toàn diện hơn.
  • Đối với mẹ: da kề da sẽ giúp mẹ tăng cường tương tác với trẻ, giảm nỗi lo lắng và sợ hãi của người mẹ đồng thời tăng tự tin khả năng chăm sóc con, trẻ được nuôi bằng sữa mẹ sớm và kéo dài.
hạ sốt
Trẻ cảm thấy dễ chịu khi được da tiếp da với mẹ

Sau khi sinh, trẻ được da kề da, người mẹ chạm và vuốt ve vào người trẻ, hormone oxytocin - hormone tình yêu từ cơ thể mẹ được kích thích và giải phóng, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và an toàn hơn. Người mẹ cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Đây chính là sợi dây kết nối giữa mẹ và bé.

Đối với phụ nữ sau sinh, oxytocin có tác dụng kích thích quá trình tiết sữa, sữa càng về nhanh và nhiều nếu trẻ được da kề da với mẹ sớm. Bên cạnh đó, oxytocin còn có tác dụng trực tiếp lên não, giúp trẻ và mẹ được gắn kết, tạo cảm giác an toàn giữa mẹ và bé.

Da kề da chính là phương pháp tự nhiên giúp gắn kết mẹ với bé, đặc biệt là đối với trẻ dễ bị tổn thương và cần sự quan tâm của mẹ để duy trì sự sống. Da kề da giúp tình cảm của người con với người mẹ trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.

3. Cách xử trí khi trẻ sơ sinh bị rối loạn thân nhiệt

Tăng thân nhiệt

Khi thân nhiệt của trẻ từ 37,5 độ C trở lên thì được coi là tăng thân nhiệt.

Ở trẻ sơ sinh, tăng thân nhiệt được coi là một dấu hiệu nặng,có thể khiến trẻ tử vong. Tăng thân nhiệt thường gặp trong các trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng, nhất là đối với bệnh nhân bị viêm màng não mủ.

Thân nhiệt ở trẻ tăng từ nhẹ đến nặng, nhiệt độ trên 39 độ C được coi là tăng nặng. Áp dụng các nguyên tắc sử dụng phương pháp vật lý và dùng thuốc nhằm xử trí can thiệp tăng thân nhiệt ở trẻ. Đối với những trẻ sơ sinh nhẹ cân, trẻ bị nhiễm khuẩn nặng hay vào thời tiết nóng bức, cần phải nhận biết ngay nguy cơ tăng thân nhiệt bằng cách sờ bàn tay, bàn chân của trẻ thấy nóng. Với những trẻ có nguy cơ, cần thường xuyên đo thân nhiệt bằng nhiệt kế mỗi 4h/lần.

Nếu trẻ sơ sinh bị tăng thân nhiệt, bạn cần đưa trẻ ra khỏi nguồn nóng và nằm ở phòng thoáng khí, mặc đồ thoáng mát, có thể cởi tã nếu cần... nên cho trẻ uống sữa nhiều lần, có thể vắt ra và đút cho trẻ nếu trẻ không chịu bú mẹ. Nếu trẻ không quay lại mức bình thường hoặc xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí. Cha mẹ lưu ý, không dùng ngay thuốc hạ sốt để hạ thân nhiệt.

Nếu trẻ sơ sinh bị tăng thân nhiệt nặng, cần thận trọng trong khi dùng thuốc hạ sốt, có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol với liều lượng 10 đến 15 mg/kg cho mỗi lần uống, trong trường hợp cần thiết, có thể dùng lại sau 6 giờ. Bên cạnh đó, các rối loạn kèm theo cũng cần được xử trí, đặc biệt là tình trạng mất nước. Nếu tình trạng của trẻ vẫn không cải thiện hoặc vượt quá khả năng điều trị, đồng thời cần làm các xét nghiệm khác nhằm xác định nguyên nhân. Phương pháp điều trị được đưa ra dựa nguyên nhân gây bệnh, nhất là đối với những trẻ bị nhiễm khuẩn nặng.

rối loạn thân nhiệt
Kiểm tra thân nhiệt của trẻ thường xuyên bằng nhiệt kế

Hạ thân nhiệt

Trẻ được coi là hạ thân nhiệt khi nhiệt độ cơ thể trẻ dưới 36,5 độ C. Đây có thể là biểu hiện của một tình trạng nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Triệu chứng này thường gặp ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng.

Hạ thân nhiệt được chia thành 3 loại:

  • Hạ thân nhiệt nhẹ: thân nhiệt từ 36.0 độ C đến 36,5 độ C
  • Hạ thân nhiệt trung bình: thân nhiệt từ 35 độ C đến 35,9 độ C
  • Hạ thân nhiệt nặng: thân nhiệt dưới 35 độ C

Có thể phát hiện dấu hiệu hạ thân nhiệt ở trẻ bằng cách sờ bàn tay và bàn chân ở trẻ sơ sinh, đặc biệt cần lưu ý đối với những trẻ bị nhẹ cân, sinh non, bị nhiễm khuẩn nặng, trẻ ở nơi có khí hậu lạnh...Cần kiểm tra thân nhiệt thường xuyên cho trẻ, 6 giờ/lần với những trẻ có nguy cơ cao.

Xử trí hạ thân nhiệt ở trẻ bằng cách cho trẻ da kề da với mẹ, mặc thêm áo, mang thêm mũ, tất, bao tay cho trẻ, giữ ấm cơ thể trẻ...đồng thời trẻ cần được bú nhiều lần, mẹ nên cho trẻ bú sớm, có thể cho uống qua thìa nếu trẻ không chịu bú mẹ. Nếu sau 1 giờ, cơ thể trẻ không trở về mức bình thường và xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan