Quy trình chạy thận nhân tạo

Quy trình chạy thận nhân tạo gồm nhiều khâu kỹ thuật và theo dõi dài, do đó có rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Để chuẩn hóa các bước thực hiện, tránh các biến chứng có thể xảy ra trong buổi lọc thì cần đảm bảo quy trình chạy thận nhân tạo.

1. Mục đích của chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo là hình thức lọc máu ngoài cơ thể ở những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Máu từ cơ thể bệnh nhân qua màng lọc với chất thẩm tách để lọc nước dư thừa và các độc tố. Máu sau khi lọc sạch sẽ được truyền trở lại cơ thể bệnh nhân.

Trước khi chạy thận, bệnh nhân suy thận mạn sẽ được phẫu thuật để nối thông động mạch và tĩnh mạch, gọi tắt là FAV. Phẫu thuật này giúp tăng lưu lượng dòng chảy từ cơ thể đến máy chạy thận và tạo thuận lợi cho dòng chảy từ máy về lại cơ thể.

Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối được chỉ định chạy thận nhân tạo khi độ thanh thải creatinin của bệnh nhân ≤ 15 ml/phút/1.73 m2 da. Ở người bệnh đái tháo đường có thể chỉ định chạy thận sớm hơn. Một tuần bệnh nhân sẽ được lọc máu ≥ 12 giờ, mỗi lần lọc máu ít nhất 4 giờ, tuần 3 lần, cách ngày.

Ngoài sử dụng cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo còn được áp dụng để lọc máu trong các trường hợp như lọc máu cấp cứu, ngộ độc,...

Suy thận
Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần được chạy thận nhân tạo

2. Chống chỉ định của chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo không được thực hiện nếu bệnh nhân có các bệnh tim mạch như: trụy tim mạch, nhồi máu cơ tim và bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, suy tim toàn bộ. Nếu bệnh nhân đang sốt cao hoặc suy kiệt do ung thư cũng không được chạy thận nhân tạo. Ngoài ra, đặc biệt cẩn trọng khi bệnh nhân có rối loạn đông máu và chảy máu.

3. Quy trình chạy thận nhân tạo

Quy trình chạy thận nhân tạo của Bộ Y tế (theo Quyết định số 2482/QĐ-BYT ngày 13/4/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Thận nhân tạo) được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị, khởi động máy

Khởi động và quan sát toàn bộ hệ thống nước, tháo bỏ phần nước ứ đọng, kiểm tra lưu lượng và độ dẫn điện của hệ thống nước.

Kiểm tra máy thận, kiểm tra độ dẫn điện của dịch lọc, các báo động an toàn của máy, đảm bảo máy đạt lưu lượng 500ml/phút và không còn chất sát trùng.

Bước 2: Bác sĩ kiểm tra tình trạng người bệnh trước khi lọc máu

Kiểm tra tình trạng lâm sàng của người bệnh trong 24 giờ trước đó bao gồm :

  • Điện tim, tình trạng tim mạch hiện tại, phim X-quang tim phổi.
  • Các thuốc và điều trị gần nhất: các chỉ định, các thay đổi liều lượng thuốc.
  • Các chỉ số sinh hóa thông thường và các xét nghiệm gần nhất gồm: Điện giải đồ, canxi, phospho, pH, CO2, Acid Uric, Hemoglobin, Hematocrit, Protein máu, tình trạng đông máu, men tim, tiền sử dị ứng, nhóm máu Rh và sự ngưng kết bất thường.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ cho các chỉ định của buổi lọc gồm: Các xét nghiệm trước và sau lọc, thời gian lọc, lưu lượng (vận tốc) máu, siêu lọc (rút cân), thuốc chống đông (liều lượng, cách dùng), quả lọc. Ngoài ra, bác sĩ sẽ cho các chỉ định theo dõi bệnh nhân trong buổi lọc và kết thúc buổi lọc.

chạy thận nhân tạo
Quy trình chạy thận nhân tạo

Bước 3: Chuẩn bị người bệnh

Điều dưỡng sẽ tiến hành:

  • Cân người bệnh, chú ý phải trừ bì giày dép, quần áo,... Nếu nghi ngờ về cân nặng, có thể cân lại nhiều lần để đảm bảo cân nặng người bệnh là chính xác.
  • Đo huyết áp, mạch của người bệnh ở tư thế đứng và nằm. Ghi chép cẩn thận các thông số vào sổ theo dõi người bệnh.
  • Trải ga để người bệnh nằm lên giường chuẩn bị lọc máu.
  • Sát trùng cẩn thận tay FAV của người bệnh.

Bước 4: Nối vòng tuần hoàn ngoài cơ thể

Tư thế người bệnh và chuẩn bị để chọc tay:

  • Người bệnh nằm đúng thư thế, tư thế nằm hoặc nửa nằm, giường được điều chỉnh ở mức cao vừa phải.
  • Máy lọc thận sẵn sàng, không có báo động nào.

Các bước chuẩn bị dụng cụ:

  • Mở hộp vô trùng chứa các dụng cụ lọc máu, nhân viên y tế phải chú ý các thao tác để tránh nhiễm trùng.
  • Lắp quả lọc: tiến hành kiểm tra đối chiếu thông tin người bệnh để tránh nhầm lẫn. Đuổi hơi thật kỹ, để tốc độ bơm từ 90-120 ml/phút đồng thời vỗ nhẹ vào quả lọc để đảm bảo không khí trong quả lọc thoát hết ra ngoài. Khi còn khoảng 300ml dịch thì quay vòng dịch trong quả lọc với Heparin, các râu của đường dây phải được xả rửa sạch.
  • Đuổi khí: đầu xanh (đầu tĩnh mạch) quả lọc quay lên trên.
  • Điều dưỡng và người bệnh đeo khẩu trang.
  • Điều dưỡng chuẩn bị kim, ống lấy máu, găng, gạc đã thấm chất sát trùng.
  • Điều dưỡng đeo găng vô trùng, lấy săng vô trùng và trải săng dưới cánh tay người bệnh. Tiến hành sát trùng lại tay người bệnh bằng miếng gạc thấm chất sát trùng và garo.

Tiến hành chọc FAV:

  • Xác định đường đi mạch máu (FAV) bằng đầu ngón tay.
  • Chọc FAV: kim “động mạch” hướng về phía miệng nối, kim “tĩnh mạch” hướng lên cao (ngược kim động mạch).
  • Cố định kim bằng băng dính vô trùng.
  • Thông kim bằng cách mở nút sau đó siết chặt lại ngay, đóng khóa kim, sau đó thực hiện lấy bệnh phẩm.
Tiến hành chọc FAV
Bệnh nhân đã được tiến hành chọc FAV

Đặt chương trình lọc máu trên máy chạy thận nhân tạo và theo dõi người bệnh:

  • Phải đặt chương trình lọc máu trước khi nối vòng tuần hoàn vào người bệnh.

Nối vòng tuần hoàn, tiến hành chạy thận:

  • Khi các chức năng máy chạy thận nhân tạo đã sẵn sàng. Tiến hành lọc máu, chú ý liều tấn công và liều duy trì heparin. Trong quá trình lọc tăng tốc độ máu lên từ từ, kiểm tra áp lực động mạch, tĩnh mạch trên màn hình, kiểm tra các đèn báo an toàn của máy. Kiểm tra đường dây trên ga, cố định đường dây vào ga, không được để dây quệt trên đất, tránh vướng phải.

Trong quá trình chạy thận nhân tạo, bệnh nhân phải được theo dõi toàn trạng và theo dõi chặt chẽ từng giờ các thông số huyết áp, mạch, nồng độ dịch lọc (thành phần Na+ và Bicarbonat). Người bệnh tiểu đường còn cần theo dõi đường huyết. Tất cả các dấu hiệu của người bệnh phải được ghi chép đầy đủ.

Trả máu lại cho người bệnh là đưa toàn bộ máu ở vòng tuần hoàn vào cơ thể người bệnh và kết thúc buổi lọc. Khi thời gian cài đặt buổi chạy thận đã hết, trên màn hình máy chạy thận thời gian là 0.00, tiến hành trả máu cho người bệnh và kết thúc buổi lọc. Đấu các đầu dây và cho quả lọc vào túi để bảo quản, rút kim FAV ra khỏi tay người bệnh, ép vào điểm chọc kim 15-20 phút.

Sau khi kết thúc buổi lọc, bệnh nhân cần được theo dõi huyết áp, mạch ở các tư thế đứng, nằm. Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu cao hoặc tụt huyết áp của bệnh nhân. Tiến hành cân người bệnh, chú ý các dấu hiệu của người bệnh do rút cân quá hoặc rút không đủ. Ghi các chỉ số sau buổi lọc vào sổ theo dõi.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan