Rối loạn chức năng sàn chậu phụ ở nữ sau sinh

Bài viết được viết bởi ThS.BS Vũ Duy Chinh - Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Sàn chậu giữ vai trò quan trọng trong việc giúp cơ quan ở vùng tiểu khung (tiêu hóa, tiết niệu, và sinh sản) của người phụ nữ hoạt động hiệu quả. Ở phụ nữ, sau sinh nở, sàn chậu bị kéo giãn và sa xuống dẫn đến rối loạn chức năng sàn chậu như són tiểu, táo bón, suy giảm chức năng tình dục...

Việc thăm khám sàn chậu sau sinh có ý nghĩa quan trọng giúp phát hiện và can thiệp sớm các rối loạn chức năng do sa sàn chậu gây nên, từ đó cải thiện tình trạng bệnh và chất lượng cuộc sống ở người phụ nữ sau sinh đẻ.

1. Cấu tạo và chức năng sàn chậu của người phụ nữ

Sàn chậu (perineum) được cấu tạo bởi khung xương và một vách bao gồm các cơ, cân và các dây chằng lót ở đáy khung xương chậu, có niệu đạo, hậu môn và âm đạo chui qua. Những lớp cơ này giăng từ đốt xương cùng ở lưng (xương cụt) tới xương mu ở phía trước giống như một chiếc võng. Ngoài ra, sàn chậu còn chứa nhiều mạch máu và các dây thần kinh khác.

Sàn chậu là mạng lưới các cơ và dây chằng có vai trò nâng đỡ rất quan trọng
Cấu tạo sàn chậu của người phụ nữ

Vai trò của sàn chậu là giúp cho bàng quang, tử cung (dạ con) và ruột (đại tràng) ở đúng vị trí, tránh bị sa xuống khi chạy nhảy hoặc phải làm việc nặng. Sàn chậu có vai trò quan trọng giúp đóng mở các lỗ nước tiểu, âm đạo, vùng hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động tiểu tiện, đại tiện và hoạt động tình dục theo ý muốn. Bên cạnh đó, nó còn giúp cho việc sinh nở diễn ra dễ dàng hơn.

Nếu các các cơ sàn chậu suy yếu, thì các bộ phận vùng chậu (bàng quang, tử cung hoặc trực tràng) có thể sẽ không được giữ ở đúng vị trí và chúng có thể bị sa xuống phía dưới, dẫn tới một hoặc nhiều rối loạn chức năng kèm theo. Sự khỏe mạnh của sàn chậu sẽ giúp cơ thể hoạt động hiệu quả và kiểm soát được bản thân.

2. Nguyên nhân của rối loạn chức năng sàn chậu ở nữ giới

Nguyên nhân rối loạn chức năng sàn chậu ở nữ giới phần lớn là do mang thai và sinh đẻ gây ra. Theo thống kê, cứ 3 phụ nữ đã từng mang thai và sinh con thì sẽ có 1 người bị rối loạn chức năng sàn chậu.

Ngoài ra, tuổi tác và thói quen xấu cũng là nguyên nhân khiến phụ nữ bị rối loạn chức năng sàn chậu. Các con số thống kê chỉ ra rằng, có khoảng 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị rối loạn chức năng sàn chậu với biểu hiện là bị són nước tiểu; 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị rối loạn chức năng sàn chậu với triệu chứng là bị sa tử cung, sa bàng quangsa trực tràng.

3. Triệu chứng của rối loạn chức năng sàn chậu

Đi tiểu nhiều lần trong ngày
Bạn gặp vấn đề về tiểu tiện như tiểu đêm nhiều lần có thể là triệu chứng của rối loạn chức năng sàn chậu

3.1 Tiểu tiện

  • Bị són nước tiểu khi làm việc nặng hay vận động mạnh, khi cười, ho
  • Không kiểm soát được việc tiểu tiện
  • Tiểu đêm nhiều lần
  • Tăng hoặc giảm nước tiểu nhiều lần, tiểu quá 8 ngày/lần
  • Tiểu khó hoặc có cảm giác đi tiểu không hết

3.2 Đại tiện

  • Són phân, xì hơi khi ho hoặc vận động mạnh
  • Khó kiểm soát đi ngoài
  • Bị táo bón kéo dài, trĩ, khó đi ngoài phải nhờ sự hỗ trợ của thuốc

3.3 Rối loạn tình dục

  • Quan hệ tình dục bị đau
  • Mất cảm giác “yêu”
  • Cảm giác bộ phận sinh dục rộng ra

Nếu nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác như: sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng và ruột, đau mãn tính các vùng như: đau thắt lưng vùng chậu, đau bụng dưới, bộ phận sinh dục.

4. Khi nào cần đi thăm khám sàn chậu?

Đau bụng khi mang thai
Phụ nữ đang mang thai nên đi thăm khám sàn chậu

Cơ sàn chậu suy yếu theo số lần mang thai và sinh con cũng như tuổi tác. Vì thế phụ nữ đã từng mang thai và sinh con khi có các biểu hiện như dưới đây cần đi khám sàn chậu để được các bác sĩ chẩn đoán và tư vấn điều trị giúp cải thiện tình trạng bệnh:

  • Cảm giác nặng hoặc chằng trong âm đạo
  • Có cái gì đó ‘tụt xuống’ hoặc một khối trong âm đạo
  • Có một khối lồi ra từ âm đạo mà có thể nhìn thấy hoặc sờ chạm được. Nó có thể là sa tử cung
  • Bị đau hoặc mất bớt cảm giác khi quan hệ tình dục
  • Bọng đái không thải hết nước tiểu như thường lệ hoặc dòng nước tiểu chảy yếu
  • Viêm đường tiểu
  • Khó đi đại tiện
  • Tiểu són khi cười, hắt hơi
  • Tiểu không kiểm soát
  • Bị trĩ
  • Xì hơi không kiểm soát
  • Phụ nữ mang thai, sau sinh đẻ và những người đẻ nhiều con
  • Làm việc phải ngồi nhiều
  • Các bệnh lý như đái tháo đường, hội chứng đuôi ngựa, tổn thương tủy sống đặc biệt tổn thương tủy vùng S1 đến S3...

Ngoài ra, phụ nữ ngoài 40 tuổi cũng nên đi khám sàn chậu.

5. Các thăm dò và xét nghiệm thực hiện khi khám sàn chậu

Xét nghiệm nước tiểu
Khi khám sàn chậu cần thực hiện xét nghiệm nước tiểu

Tùy thuộc vào mức độ, thời gian bị rối loạn chức năng, các biểu hiện trên lâm sàng mà khi thăm khám bác sỹ có thể cho người bệnh bị rối loạn chức năng sàn chậu thực hiện các xét nghiệm và thăm dò sau:

  • Đo niệu động học
  • Đo áp lực hậu môn, trực tràng, áp lực cơ thắt hậu môn
  • Chụp MRI động vùng bụng chậu
  • Siêu âm cơ thắt hậu môn
  • Đo điện cơ sàn chậu
  • Siêu âm bụng
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Các thăm dò và xét nghiệm khác...

6. Các phương pháp điều trị rối loạn chức năng sàn chậu

Tùy theo mức độ bệnh cũng như triệu chứng các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Các bước điều trị rối loạn chức năng sàn chậu được tiến hành như sau:

  • Thay đổi thói quen sinh hoạt xấu ảnh hưởng đến sàn chậu
  • Thực hiện các bài tập rèn luyện cơ sàn chậu (Kegel)
  • Luyện tập cơ sàn chậu với máy hướng dẫn tập hoặc kích điện thần kinh cơ
  • Vật lý trị liệu ruột, bàng quang để giúp kiểm soát tiểu tiện, đại tiện
  • Chỉ định dùng thuốc phối hợp
  • Sử dụng vòng nâng điều trị sa cơ quan vùng chậu, són tiểu
  • Nếu bệnh nhân có sa sàn chậu nặng cần phẫu thuật để điều trị

Như vậy, việc thăm khám sàn chậu có ý nghĩa rất quan trọng với phụ nữ đã từng mang thai và sinh con.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những trung tâm y tế uy tín hàng đầu về sức khỏe sinh sản. Các bác sĩ tiến hành khám sàn chậu sau sinh theo quy trình chuẩn chuyên môn, an toàn, với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại; cơ sở hạ tầng khang trang, sạch sẽ; đặc biệt là đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Khám sàn chậu là một trong các bước mà bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec yêu cầu đối với bất cứ phụ nữ nào bước vào sinh nở.

Khám sàn chậu sau sinh là việc cần thiết đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ sinh thường. Khám sàn chậu sau sinh giúp phụ nữ có thể nắm bắt được tình hình sức khoẻ của bản thân và có phương pháp điều trị kịp thời nếu có vấn đề xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

253 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan