Siêu âm đầu dò trực tràng: Khi nào có chỉ định?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Làn Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có trên 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh đặc biệt trong chẩn đoán với các bệnh lý cấp cứu nội, ngoại khoa, ổ bụng, lồng ngực, cơ xương khớp, thần kinh và các tuyến giáp, vú,...

Siêu âm đầu dò trực tràng là kỹ thuật siêu âm được thực hiện với đầu dò siêu âm chuyên dụng cho phép đánh giá tử cung, buồng trứng (nữ giới); tiền liệt tuyến, túi tinh (nam giới) và các thành phần trong tiểu khung với độ chính xác cao, nhanh chóng.

1. Siêu âm đầu dò trực tràng là gì?

Siêu âm đầu dò là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến bởi có độ chính xác cao. Phương pháp này được thực hiện với đầu dò siêu âm chuyên dụng cho phép đánh giá và phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Siêu âm đầu dò trực tràng là là kỹ thuật siêu âm chuyên sâu được thực hiện bởi các bác sĩ đã được đào tạo về bệnh học và kỹ thuật siêu âm sản phụ khoa, bệnh học và kỹ thuật siêu âm trực tràng, kĩ thuật được thực hiện với đầu dò siêu âm chuyên dụng cho phép đánh giá tử cung, buồng trứng (nữ giới); tiền liệt tuyến, túi tinh (nam giới) và các thành phần trong tiểu khung với độ chính xác cao, nhanh chóng.

Siêu âm đầu dò trực tràng
Siêu âm đầu dò trực tràng có sinh thiết

2. Một số bệnh lý thường gặp ở trực tràng

Là một trong các bộ phận của đại tràng, trực tràng đảm nhận các vai trò chính là giữ lại các chất cặn bã, tham gia vào quá trình hỗ trợ hệ tiêu hóa và đào thải các chất dư thừa, không cần thiết ra ngoài cơ thể thông qua con đường đại tiện. Khi thức ăn được dạ dày co bóp và tiêu hóa thành dịch lỏng sẽ chuyển qua ruột non rồi đến đại tràng và cuối cùng là trực tràng. Các vi khuẩn trong đại tràng sẽ tiếp nhận thức ăn và phân giải. Những gì dư thừa, không có ích cho cơ thể hoặc không tiêu hóa được thì trực tràng sẽ giữ lại.

Và chức năng chính của trực tràng là đại tiện. Nếu cơ quan này gặp một vấn đề nào đó thì chất thải trong cơ thể của chúng ta sẽ không được đẩy ra ngoài. Là vị trí thường xuyên phải làm việc với chất thải nên cơ quan này có nguy cơ mắc phải các chứng bệnh nguy hiểm. Một số bệnh lý trực tràng thường gặp gồm:

  • Viêm trực tràng: Đây là bệnh lý thường gặp về trực tràng, nguyên nhân là do thói quen uống rượu bia. Bên cạnh đó, người cao tuổi dễ bị viêm trực tràng do chức năng của hệ tiêu hóa bị suy giảm. Triệu chứng của bệnh gồm: sụt cân, tiêu chảy, sốt cao, đau bụng dưới.
  • Sa trực tràng: Nguyên nhân người bệnh bị sa trực tràng là do quá trình sinh nở khiến cho trực tràng bị kéo lệch đi; những người phụ nữ đã từng làm thủ thuật cắt tử cung cũng sẽ là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng. Bên cạnh đó, bệnh cũng hay gặp ở trẻ em (kiểu dạng bẩm sinh) và người già trên 60 tuổi. Biểu hiện của bệnh sa trực tràng rất dễ nhận biết. Cụ thể, người bệnh thường xuyên có triệu chứng táo bón, tiêu chảy, đại tiện nhiều lần trong ngày, cơ thể gầy gò ốm yếu, thường có cảm giác nặng bụng dưới.
  • Ung thư trực tràng: Ung thư trực tràng là một bệnh lý trực tràng vô cùng nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong khá cao. Nguyên nhân gây ra ung thư trực tràng chủ yếu là do gen di truyền, thói quen xấu gây hại cho trực tràng (ví dụ như uống rượu bia, hút thuốc lá,...) hoặc do các bệnh lý liên quan đến bộ phận này khi không được điều trị triệt để.
Viêm trực tràng
Tình trạng viêm trực tràng

3. Siêu âm đầu dò trực tràng chỉ định khi nào?

Phương pháp siêu âm đầu dò trực tràng được chỉ định trong trường hợp sau:

  • Chỉ định để đánh giá các bệnh lý sản phụ khoa trên các bệnh nhân nữ không thể thực hiện phương pháp siêu âm qua ngã âm đạo.
  • Chẩn đoán và sinh thiết trong bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt.
  • Xem xét các tổn thương ở túi tinh, ống dẫn tinh, niệu đạo khi có các triệu chứng vô sinh, xuất tinh ra máu, đau khi xuất tinh ở nam giới,...
  • Đánh giá tổn thương trên thành trực tràng, nguyên nhân gây rò hậu môn và nguyên nhân gây ra khối u trong tiểu khung.

Phương pháp siêu âm đầu dò trực tràng chống chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng nặng.
  • Người bệnh có dấu hiệu suy kiệt cơ thể...
  • Bị một số bệnh lý như: tim mạch, hô hấp, chứng rối loạn đông máu
  • Bị hẹp trực tràng do u hay do viêm nhiễm hoặc trĩ nội.
Nang tiền liệt tuyến có nguy hiểm không
Bệnh lý tiền liệt tuyến

4. Các bước tiến hành siêu âm đầu dò trực tràng

  • Bước 1: Bác sĩ khám tổng thể toàn thân cho người bệnh để loại trừ các yếu tố chống chỉ định của phương pháp này.
  • Bước 2: Thụt tháo sạch và dùng thuốc kháng sinh dự phòng (đường uống hoặc tiêm) trước khi làm sinh thiết 1 ngày cho người bệnh (nếu bệnh nhân có chỉ định sinh thiết trong ung thư tuyến tiền liệt) và yêu cầu người bệnh nhịn ăn trước khi làm thủ thuật ít nhất 6 giờ và đi tiểu trước khi tiến hành siêu âm.
  • Bước 3: Hướng dẫn tư thế nằm nghiêng trái, đầu gối co vào người cho người bệnh, đặt đường truyền tĩnh mạch, lắp máy theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp, điện tâm đồ, SpO2 và tiền mê cho người bệnh.
  • Bước 4: Tiến hành siêu âm trực tràng bằng cách đưa đầu dò một cách nhẹ nhàng xung quanh hậu môn. Đầu dò sẽ phát sóng âm và thu lại tín hiệu,
  • Bước 5: Khi có nghi ngờ nên tiến hành sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm qua đường trực tràng. Sau đó, đặt mẫu sinh thiết trong các lọ chứa dung dịch giữ bệnh phẩm và đánh số vị trí lấy mẫu lên từng lọ, rồi gửi các mẫu sinh thiết vừa sinh thiết đến khoa giải phẫu bệnh .

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan