Sử dụng Sulfonylureas trong điều trị tiểu đường

Sulfonylureas thuộc nhóm thuốc sử dụng trong quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường loại 2 bằng cách làm giảm lượng đường trong máu thông qua sự kích thích giải phóng insulin từ tế bào beta của tuyến tụy. Vì vậy, thuốc Sulfonylureas sẽ không hoạt động ở những người bệnh mắc đái tháo đường loại 1.

1. Bệnh đái tháo đường và thuốc Sulfonylureas thuốc biệt dược

Đái tháo đường thuộc loại bệnh rối loạn chuyển hoá không đồng nhất có đặc trưng về sự tăng glucose máu do khiếm khuyết insulin, cũng như tác động của insulin. Việc tăng glucose máu mãn tính trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa carbs, protide, lipide, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt mạch máu, tim, thận, mắt và thần kinh.

Hiện nay, có khá nhiều nhóm thuốc hạ đường huyết được nghiên cứu và ứng dụng trong điều trị bệnh tiểu đường. Vậy Sulfonylurea là thuốc gì? Sulfonylureas hay còn gọi là các sulfamid hạ đường huyết thuộc nhóm thuốc điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường loại 2 phổ biến. Tác dụng hạ đường huyết của thuốc Sulfonylureas được phát hiện trong quá trình nghiên cứu kháng khuẩn của một dẫn chất thuộc nhóm thuốc này.

Sulfonylureas thuốc biệt dược hiện nay đã có ba thế hệ: thế hệ thứ nhất ra đời vào những năm 1950 với các hoạt chất của Sulfonylureas như carbutamid, acetohexamide, chlorpropamide, tolbutamide; thế hệ thứ hai ra đời vào 1980 với thành phần glipizide, gliclazide, glibenclamide, glyburide; thế hệ thứ ba ra đời vào những năm 2000 với thành phần glimepiride.

2. Cơ chế tác dụng của thuốc Sulfonylureas

Thuốc Sulfonylureas có tác dụng kích thích tiết insulin từ tế bào beta của đảo tụy bằng cách làm tăng độ nhạy cảm của các tế bào này với glucose. Thuốc Sulfonylureas liên kết với một thụ thể trên tế bào là SUR1 và gây ức chế dòng kali khi thuốc đi ra khỏi tế bào beta bằng cách đóng các kênh kali phụ thuộc vào ATP. Nồng độ kali nội bào có thể tăng gây ra tình trạng khử cực, làm các kênh calci phụ thuộc điện thế được mở ra. Các kênh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng kênh calci đi vào tế bào, đồng thời dẫn đến bài xuất các bọc dự trữ insulin qua màng bào tương.

Thuốc Sulfonylureas chỉ có hiệu quả đối với những bệnh nhân vẫn còn bảo tồn được chức năng của tuỵ. Vì tác dụng tăng tiết insulin sẽ không phụ thuộc vào hàm lượng đường huyết do thuốc làm tăng giải phóng insulin đã được tổng hợp trước đó. Cơ chế tác dụng của các thuốc trong cùng một nhóm có thể đều tương tự nhau. Vì vậy, trong trường hợp đã sử dụng thuốc Sulfonylureas ở liều tối đa thì không nên chuyển sang sử dụng nhóm thuốc khác. Do tất cả các loại thuốc này đều có hiệu quả gần giống nhau.

Thuốc Sulfonylureas có hiệu quả làm giảm khoảng 1% chỉ số HbA1c và giảm được các biến chứng mạch máu nhỏ như bệnh võng mạc hoặc bệnh thận có liên quan đến tăng hàm lượng đường huyết trong cơ thể. Ngoài ra, thuốc Sulfonylureas còn tác động lên tế bào gan làm giảm sản xuất glucose từ ly giải mỡ ở gan.

Dược động học của thuốc Sulfonylureas có bản chất acid yếu, bị ion hoá hoàn toàn ở pH sinh lý. Khi đưa thuốc Sulfonylureas vào cơ thể thì sinh khả dụng của thuốc ở dạng đường uống lên tới 90%. Thuốc có khả năng liên kết với protein trong huyết tương từ 50 đến 90% và liên kết chủ yếu với albumin. Khi thuốc vào cơ thể có khả năng chuyển hoá cao ở gan. Thuốc được thải trừ qua nước tiểu, thời gian bán thải của thuốc dao động lớn từ 2 đến 45 giờ, còn thời gian tác dụng của thuốc cũng khá dài và dao động lớn từ 12 đến 70 giờ.

3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Sulfonylureas

Thuốc Sulfonylureas được chỉ định trong điều trị bệnh đái tháo đường loại 2 ở người lớn, trong trường hợp những người bệnh này không thể kiểm soát được hàm lượng đường huyết thông qua chế độ ăn, luyện tập và giảm cân đơn thuần. Thuốc Sulfonylureas cũng được sử dụng như chỉ định thay thế ở bệnh nhân mắc cùng lúc đái tháo đường và béo phì, đề kháng insulin hoặc khi sử dụng hợp chất metformin không mang lại hiệu quả mong đợi, tình trạng dung nạp kém hoặc có chỉ định với metformin.

Thuốc Sulfonylureas cũng được chỉ định cho bệnh nhân có đề kháng insulin không có khả năng vượt trội so với thiếu hụt insulin ở những bệnh nhân có cân nặng nằm trong ngưỡng bình thường.

Thuốc Sulfonylureas cũng có thể chống chỉ định trong một số trường hợp:

  • Người bệnh thiếu hụt insulin với tình trạng đái tháo đường phụ thuộc insulin,
  • Đối tượng trẻ vị thành niên,
  • Nhiễm toan ceton hoặc tiền hôn mê
  • Hôn mê do đái tháo đường.
  • Người bệnh bị suy thận
  • Người suy gan nặng

Khi sử dụng thuốc Sulfonylureas có nguy cơ quá liệu và hạ đường huyết. Bên cạnh đó, những người bệnh có rối loạn chuyển hóa porphyrin ở gan khi sử dụng thuốc Sulfonylureas có thể gặp nguy cơ đợt cấp tính. Ngoài ra, những người bệnh quá mẫn cảm với nhóm thuốc Sulfamid như hạ đường huyết hoặc kháng khuẩn hoặc lợi tiểu...)

4. Cách sử dụng thuốc Sulfonylureas

Đa số thuốc Sulfonylureas có thời gian tác dụng khá dài nên người bệnh chỉ cần sử dụng thuốc hai lần/ngày hoặc thậm chí có thể chỉ cần 1 lần/ngày. Trong trường hợp quên liều thuốc thì người bệnh không nên sử dụng liều quên mà nên sử dụng liều kế tiếp. Vì trường hợp người bệnh tăng liều sử dụng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn.

Thuốc Sulfonylureas được sử dụng trong hoặc sau bữa ăn để tránh tình trạng hạ đường huyết. Với trường hợp sử dụng thuốc 1 lần/ngày thì nên uống thuốc vào buổi sáng.

Ngoài ra, khi sử dụng thuốc người bệnh nên bảo vệ da khi ra nắng do thuốc Sulfonylureas có thể khiến cho người bệnh nhạy cảm với ánh sáng.

Khi sử dụng thuốc Sulfonylureas nên uống thuốc nguyên viên, vì thuốc được bào chế ở dạng phóng thích kéo dài nên nếu người bệnh nhai thuốc trước khi uống sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.

5. Các tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc Sulfonylureas

Sử dụng thuốc Sulfonylureas có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn với các dấu hiệu như hạ đường huyết có đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, run tay chân, đổ mồ hôi nhiều... và những dấu hiệu này thường xuất hiện vào buổi chiều hoặc có thể xuất hiện khi bệnh nhân đang bị đói. Ngoài ra, một số tác dụng phụ khác có thể kể đến như:

  • Tăng cân: Thuốc Sulfonylureas có liên quan đến tăng cân đáng kể từ 1 đến 4 kg. Tác dụng phụ này được biết có khả năng xảy ra với insulin, glinides. Trong các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân được điều trị với Sulfonylureas có thể tăng cân nhiều hơn so với bệnh nhân thực hiện chế độ ăn kiêng. Tăng cân do thuốc Sulfonylureas gây ra ổn định sau 3 hoặc 4 năm đầu tiên trong điều trị bằng insulin.
  • Hạ đường huyết: Các loại thuốc Sulfonylureas khác nhau có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết và chủ yếu liên quan đến thời gian tác dụng, cũng như liều lượng sử dụng và ái lực với thụ thể SUR trên tế bào beta đảo tuỵ.
  • Một số phản ứng hiếm gặp: Thuốc Sulfonylureas có thể gây ra tình rối loạn tiêu hoá hoặc dị ứng trên da, hoặc nổi mề đay, hoặc hội chứng Lyell, mẫn cảm với ánh sáng, vàng da, viêm gan, giảm tiểu cầu, bạch cầu, mất bạch cầu hạt, hạ natri máu.

Một vài lưu ý khi sử dụng thuốc Sulfonylureas:

  • Tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu ăn, ăn uống không đều đặn, uống rượu bia hoặc hoạt động thể lực với cường độ cao có thể làm tăng cao nguy cơ hạ đường huyết khi đang sử dụng thuốc Sulfonylureas. Vì vậy, người bệnh nên đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ và lành mạnh khi sử dụng thuốc Sulfonylureas.
  • Người bệnh cao tuổi, cơ thể suy yếu cũng như những người bệnh mắc tình trạng suy thượng thận hoặc tuyến yên, rối loạn chức năng tuyến giáp, đặc biệt với trường hợp nhạy cảm với các tác dụng hạ đường huyết của thuốc điều trị đái tháo đường. Những trường hợp này nên tránh sử dụng thuốc Sulfonylureas có thời gian bán thải dài hoặc thuốc có dạng giải phóng kéo dài. Khi áp dụng liều điều trị cho những đối tượng này thì nên áp dụng liều khởi đầu với hàm lượng thấp hơn.

Sulfonylureas thuộc nhóm thuốc sử dụng trong quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường loại 2 bằng cách làm giảm lượng đường trong máu thông qua sự kích thích giải phóng insulin từ tế bào beta của tuyến tụy. Để đảm bảo hiệu quả và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan