Tắc mạch trĩ là gì ? Điều trị như thế nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Tắc mạch trĩ là tình trạng mạng lưới mạch máu ở lòng ống hậu môn bị phá vỡ, hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Tắc mạch trĩ diễn tiến âm thầm cùng với bệnh trĩ. Nếu không phát hiện và điều trị tắc mạch trĩ kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm.

1. Tắc mạch trĩ là gì?

Tắc mạch trĩ hay còn gọi là nhồi máu trĩ đây là tình trạng các tĩnh mạch trong mạng lưới mạch máu ở lòng ống hậu môn (búi trĩ) bị chèn ép, phá vỡ và hình thành các cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch.

Tắc mạch trĩ là diễn tiến âm thầm và là biến chứng của bệnh trĩ, nếu không được điều trị có thể dẫn đến hoại tử.

2. Nguyên nhân gây tắc mạch trĩ

béo phì
Bệnh nhân béo phì bị bệnh trĩ có nguy cơ biến chứng cao

Tắc mạch trĩ có thể hình thành và tiến triển từ những nguyên nhân sau:

2.1 Ăn uống không hợp lý

Chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng các chất kích thích như nghiện rượu là một trong những nguyên nhân làm bệnh trĩ nặng thêm, sưng to, chèn ép và hình thành huyết khối gây tắc mạch.

2.2 Thừa cân, béo phì

Bệnh nhân trĩ nếu bị thừa cân, béo phì có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng cao. Trọng lượng cơ thể quá nặng tạo áp lực đối với tĩnh mạch, thậm chí có thể làm vỡ tĩnh mạch và hình thành huyết khối gây tắc mạch trĩ.

2.3 Lao động hoặc vận động quá sức

Thường xuyên mang vác nặng, vận động mạnh, gắng sức có thể tạo áp lực lớn với hậu môn, làm tăng nguy cơ vỡ và hình thành huyết khối tĩnh mạch.

2.4 Phình tĩnh mạch

Bệnh phình tĩnh mạch nếu không được điều trị có thể gây biến chứng tắc mạch, nhiễm trùng khi tĩnh mạch bị giãn và phình nặng.

2.5 Mang thai tháng cuối

Nếu thai phụ bị bệnh trĩ khi đang mang thai, vào những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi phát triển có thể chèn ép các tĩnh mạch vùng hậu môn trực tràng, dẫn đến tình trạng tắc mạch trĩ.

thai phụ bị bệnh trĩ khi đang mang thai
Bệnh nhân bị bệnh trĩ khi đang mang thai có thể bị tắc mạch trĩ

3. Triệu chứng tắc mạch trĩ

Tắc mạch trĩ có triệu chứng tương tự bệnh trĩ nhưng với mức độ nghiêm trọng hơn. Tùy vào kích thước của cục máu đông và thể trạng của người bệnh, các triệu chứng sẽ có mức độ khác nhau, cụ thể:

  • Đau dữ dội: Các cơn đau nhói, dữ dội và kéo dài từ 4 - 6 ngày ở vùng hậu môn.
  • Khó khăn khi đại tiện: Người bệnh thường có cảm giác muốn đại tiện nhưng lại gặp khó khăn khi đại tiện.
  • Khó khăn khi đi lại hoặc ngồi: Tắc mạch trĩ làm cơ vòng hậu môn gặp khép lại, gây khó khăn khi đi lại hoặc ngồi.
  • Chảy dịch, máu, lở loét, hoại tử hậu môn: Khi các cục máu đông bị vỡ, gây sưng và đau, dịch có thể chảy ra và làm lở loét, nhiễm trùng, thậm chí là hoại tử hậu môn.

4. Điều trị tắc mạch trĩ

phẫu thuật cắt tá tụy
tắc mạch trĩ ở mức độ nặng sẽ phải phẫu thuật

Tắc mạch trĩ nếu không được phát hiện và điều trị sớm, dứt điểm có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, viêm nhiễm, hoại tử hậu môn, viêm phần phụ ở phụ nữ mang thai, nhiễm trùng huyết.

Điều trị tắc mạch trĩ có thể là điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa, tùy vào mức độ và khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh.

4.1 Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa được chỉ định đối với những trường hợp tắc mạch trĩ mức độ nhẹ bằng các loại thuốc như chống viêm nhiễm, giảm đau, kháng sinh, chống phù, chống táo bón.

Người bệnh được dùng thuốc dưới dạng bôi hoặc uống với liều dùng phù hợp, đồng thời, cần giữ gìn vệ sinh hậu môn để hạn chế viêm nhiễm.

4.2 Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa được chỉ định với những trường hợp tắc mạch trĩ mức độ nặng hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa. Bệnh nhân được phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông.

5. Phòng ngừa tắc mạch trĩ

Hạn chế rượu bia
Bệnh nhân trĩ không nên uống bia để phòng ngừa biến chứng tắc mạch trĩ

Bệnh nhân trĩ cần chủ động phòng ngừa biến chứng tắc mạch trĩ có thể xảy ra hoặc tái phát, bằng cách lưu ý chế độ ăn uống và sinh hoạt như sau:

  • Không sử dụng chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu, ...
  • Không ăn các loại thực phẩm nhiều gia vị như cay, nóng.
  • Uống đủ nước mỗi ngày (từ 1,5 - 2 lít nước).
  • Tăng cường rau xanh, trái cây trong bữa ăn để hạn chế táo bón.
  • Tập luyện các bài tập phù hợp để cải thiện chức năng tiêu hóa và kích thích nhu động ruột (yoga).
  • Tránh làm tăng áp lực lên búi trĩ gây tắc mạch trĩ bằng cách không khuân vác nặng, lao động gắng sức, ngồi quá lâu.

Tắc mạch trĩ nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, người bệnh phối hợp và tuân theo điều trị của bác sĩ sẽ nhanh chóng thuyên giảm và hồi phục.

Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan