Tác nhân gây bệnh cúm ở người

Cúm là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, lây nhiễm từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn. Virus cúm được phân loại là type A, B hoặc C và tại Việt Nam. Các virus gây bệnh cúm thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

1. Tác nhân gây bệnh cúm ở người

Virus gây bệnh cúm là Myxovirus influenzae, thuộc họ Orthomyxoviridae, ngoài vỏ có hai kháng nguyên glycoprotein là neuraminidase (NA) và hemagglutinin (HA1-HA2). Kháng nguyên H và N của virus cúm A biến đổi thường xuyên theo thời gian. Do đó, khi đại dịch xảy ra, người bệnh mắc đợt trước vẫn có thể mắc đợt sau, và vaccin giảm hiệu quả.

Kháng nguyên H có từ H1 đến H15, kháng nguyên N có từ N1 đến N9. Trong đó những virus gây cúm cho người là tổ hợp có H từ H1 đến H3 và N từ N1 đến N3 ( như H1N1, H2N1, H3N1,...).

Dựa theo đặc tính kháng nguyên mà phân virus cúm thành 3 type chính: A, B, C khác nhau hoàn toàn về tính kháng nguyên ( không có miễn dịch chéo) và mức độ gây bệnh nghiêm trọng giảm dần theo thứ tự type A, B, C.

  • Dịch gây ra bởi virus cúm A, có chu kỳ khoảng 2-3 năm, tạo ra các vụ dịch lan rộng, đặc trưng bằng tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở người già.
  • Dịch gây ra bởi virus cúm B có chu kỳ dài hơn 5-6 năm, dịch thường khu trú hơn, ít nghiêm trọng hơn nhưng đôi khi có thể phối hợp với dịch do cúm A gây ra.
  • Virus cúm C có thể gây dịch một mình thường chỉ là một số ca bệnh lẻ tẻ, triệu chứng bệnh nhẹ hoặc phối hợp với dịch cúm A.

2. Nguyên nhân bệnh cúm

Nguyên nhân mắc bệnh cúm là do sự xâm nhập và nhân lên của virus cúm (Myxovirus Influenza) vào tế bào biểu mô đường hô hấp, có 3 type gây bệnh là A, B, C.

Bệnh cúm xảy ra hàng năm, là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh. Bệnh lây từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ (giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng) khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Virus cúm vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi càng tiếp xúc trực tiếp và khoảng cách gần, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, trên các phương tiện vận chuyển hành khách. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, càng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Virus cúm A có khả năng gây nhiễm cho các loài động vật có vú (như lợn và ngựa), các loài chim và gia cầm còn virus cúm B, C chỉ gây bệnh ở người. Tuy nhiên, các virus cúm động vật không có khả năng gây bệnh cho người trừ trường hợp virus đã đã thích ứng với người hoặc tái tổ hợp với virus cúm ở người. Riêng đối với bệnh cúm theo mùa, người bệnh nhiễm cúm chính là nguồn lây nhiễm virus. .

  • Thời gian ủ bệnh cúm: Thường từ 1-5 ngày, trung bình là 2 ngày
  • Thời kỳ lây bệnh cúm: Trong khoảng thời gian người bệnh đào thải virus khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát triệu chứng bệnh và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng bệnh trên lâm sàng .

3. Triệu chứng bệnh cúm mùa

Cúm thường biểu hiện triệu chứng sau khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh khoảng 2 ngày. Trong những trường hợp nhẹ, triệu chứng bệnh cúm như sau:

  • Sốt ( nhiệt độ trên 38 độ).
  • Đau nhức toàn thân ( đau đầu, đau thắt lưng, đau bắp chân,...)
  • Đau nhức hốc mắt, nhạy cảm ánh sáng, viêm kết mạc nhẹ cũng có thể xảy ra.
  • Viêm long đường hô hấp: Ho, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau họng,...
  • Có thể xuất hiện các triệu chứng đường tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn nhiều, nôn, đau bụng.
  • Triệu chứng sốt có thể kéo dài đến ngày 5, và các triệu chứng ho, đổ mồ hôi và mệt mỏi có thể kéo dài trong vài ngày hoặc đôi khi kéo dài trong nhiều tuần.

Trường hợp nặng, cúm có biến chứng biểu hiện triệu chứng bệnh như sau:

  • Có tổn thương ở phổi, đường hô hấp dưới với biểu hiện: thở nhanh, khó thở, cò cử, spO2 giảm.
  • Có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
  • Có biểu hiện triệu chứng tăng nặng lên ở người bệnh có bệnh lý mạn tính đi kèm ( bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy thận, suy gan, đái tháo đường, suy tim, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch máu, suy giảm miễn dịch,...)

4. Phương pháp nào dùng để chẩn đoán bệnh cúm?

Để chẩn đoán bệnh cúm cần dựa vào triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, kết hợp với các xét nghiệm như sau để chẩn đoán xác định:

  • Phương pháp phát hiện kháng nguyên: Phương pháp chẩn đoán nhanh (Influenza virus A, B, A (H1N1) test hay Cúm A, B nhanh) là phương pháp thông dụng nhất, cho kết quả sau vài phút, sử dụng bệnh phẩm lâm sàng trong giai đoạn sớm của bệnh, có thông tin rất sớm để quản lý các ca bệnh cấp,...
  • Phương pháp sinh học phân tử: Influenza A, B Realtime PCR , dùng để phân biệt cúm type A, B và các loại type của cúm A. Phương pháp này cho kết quả nhanh và chính xác, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với những trường hợp mắc type bệnh nguy hiểm như A(H1N1), A(H5N1),...
  • Phương pháp huyết thanh học: phương pháp cố định bổ thể.hoặc phương pháp ức chế ngưng kết hồng cầu.
  • Phân lập virus : có thể phân lập virus Influenza trong dịch xuất tiết mũi họng hay dịch khí quản, cấy trên tổ chức phôi gà.

Các phương pháp chẩn đoán xác định bằng phương pháp huyết thanh học hay phân lập virus có nhược điểm: rất đắt và ít được sử dụng. Các phương pháp này chỉ dành cho các nghiên cứu dịch tễ học, nghiên cứu làm vaccine,...

5. Đối tượng nào dễ mắc cúm?

Cúm là bệnh xảy ra hàng năm và bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Người bệnh đã từng mắc cúm cũng có thể mắc lại. Các đối tượng dễ mắc cúm và có nguy cơ tiến triển cúm nặng:

  • Trẻ em dưới 5 tuổi.
  • Người cao tuổi, người trên 65 tuổi.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Người suy giảm hệ miễn dịch ( người đang dùng các thuốc, liệu pháp chống ung thư, HIV/AIDS).
  • Người suy dinh dưỡng hoặc người có thể trạng béo phì.
  • Người có tiền sử bệnh lý mãn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim mạch, bệnh mạch vành, suy tim, bệnh chuyển hóa, đái tháo đường,...
  • Người làm việc tại môi trường đông người như trường học, bệnh viện, văn phòng là những đối tượng có nguy cơ mắc và lây truyền bệnh cúm rất cao ( bác sĩ, y tá, giáo viên,...).

6. Người bệnh cần làm gì khi phát hiện mình bị nhiễm cúm?

  • Người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo cho cơ sở y tế địa phương.
  • Người bệnh tránh tiếp xúc với người lành, nếu cần thiết phải tiếp xúc, cả người bệnh và người lành phải đeo khẩu trang. Đồng thời phải vệ sinh mũi họng, rửa tay sạch, vệ sinh bề mặt xung quanh người bệnh, mở cửa sổ, tạo môi trường xung quanh thoáng khí.
  • Trường hợp cúm nhẹ, chưa có biến chứng có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại nhà. Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và chăm sóc.
  • Trường hợp cúm nặng, có biến chứng, người có yếu tố nguy cơ tăng nặng bệnh: cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt.
  • Người bệnh sử dụng thuốc dưới sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn và có thể dùng tại nhà các nhóm thuốc an toàn để hạ sốt, giảm ho, giảm đau họng, giảm ngạt mũi, vitamin và khoáng chất.. Không tự ý dùng các thuốc chống viêm, thuốc kháng virus nếu không có chỉ định của bác sĩ.
  • Người bệnh cần được nghỉ ngơi tích cực, thư giãn, uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, ăn nhiều trái cây, rau xanh. Trường hợp bệnh diễn biến dai dẳng hoặc có các dấu hiệu nặng cần đến các cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời.

Thông qua bài viết này hy vọng sẽ cung cấp cho người bệnh thông tin về nguyên nhân, tác nhân gây bệnh cúm, các triệu chứng thường gặp khi người bệnh mắc cúm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan