Tiêm thuốc điều trị u bạch huyết

U bạch huyết là một trong những bệnh lý thường gặp trên lâm sàng, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ sơ sinh trẻ nhỏ đến người già. U bạch huyết cũng có nhiều dạng khác nhau, mỗi loại u đều có những biểu hiện triệu chứng riêng. U bạch huyết nếu phát hiện sớm có thể điều trị được. Tùy theo tình trạng, kích thước khối u để lựa chọn điều trị u bạch huyết bằng thuốc hay bằng phương pháp phẫu thuật.

1. U bạch huyết là gì?

U bạch huyết hay u hạch bạch huyết, đó là một trong những dị tật thường gặp của hệ thống bạch huyết, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Nghiên cứu số liệu lâm sàng cho thấy, có khoảng 50% tình trạng u bạch huyết gặp ở lứa tuổi trẻ sơ sinh và 90% u hạch bạch huyết xảy ra ở độ tuổi trẻ dưới 2 tuổi.

U bạch huyết có thể là bẩm sinh hoặc do mắc phải:

  • U bạch huyết bẩm sinh: Đa phần được chẩn đoán trước sinh qua siêu âm thai kỳ.
  • U bạch huyết mắc phải: Thường gặp ở những trường hợp sau chấn thương, sau viêm hoặc do các vấn đề gây tắc nghẽn hệ bạch huyết. Bệnh có thể được tình cờ phát hiện hoặc khi bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng đau nhẹ tại vùng bệnh.

U hạch bạch huyết có 3 loại khác nhau:

  • U nang bạch huyết: Là dạng u màu vàng chanh, bên trong chứa đầy dịch giàu protein. U nang bạch huyết có nhiều kích thước to nhỏ khác nhau và thường bao gồm nhiều nang.
  • U bạch huyết dạng mao mạch: Thường xảy ra ở các mạch bạch huyết nhỏ do sự bất thường trong cấu trúc mạch gây nên. Khối u nằm trong lớp biểu bì da ở dạng cụm mụn nhỏ có màu hồng đến đỏ sẫm. Đây là một tổn thương lành tính.
  • U bạch huyết dạng hang: Thường xuất hiện từ khi mới sinh, hay gặp ở vùng cổ lưỡi và môi. Tổn thương nằm sâu dưới da ở các mạch bạch huyết bị giãn rộng, nổi gồ lên trên bề mặt da và thường có xu hướng xâm lấn tổn thương sang các mô xung quanh.

Trên lâm sàng, tùy theo vị trí và kích thước của khối u mà mỗi bệnh nhân sẽ có những biểu hiện triệu chứng khác nhau. U bạch huyết chủ yếu được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng, siêu âm và làm xét nghiệm tế bào dịch chọc hút từ các vị trí tổn thương u.

u bạch huyết
U bạch huyết thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh

2. Điều trị u bạch huyết

Trên thực tế, đa phần mọi người đều không quan tâm nhiều đến việc điều trị u hạch bạch huyết cho đến khi các khối u to dần lên và có gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc xuất hiện biến chứng như gây chèn ép vào đường thở...

Tùy thuộc vào các loại u, kích thước khối u mà người ta sẽ đưa ra những phương pháp điều trị khác nhau:

  • Đối với u bạch huyết dạng mao mạch: Chủ yếu sử dụng phương pháp dẫn lưu dịch bạch huyết hoặc phẫu thuật cắt bỏ tổn thương, hoặc điều trị bằng laser.
  • Đối với u nang bạch huyết: Đôi khi phẫu thuật cũng được lựa chọn để điều trị nhưng sẽ rất khó để có thể loại bỏ hoàn toàn khu vực bị tổn thương do phương pháp phẫu thuật khó đánh giá được rìa khối u dẫn tới việc dễ bị tái phát. Đối với dạng u nang, khi điều trị chủ yếu sử dụng phương pháp không xâm lấn: Tiêm xơ, tức là tiêm thuốc trực tiếp vào nang.

Phương pháp tiêm thuốc điều trị u bạch huyết: Là một phương pháp điều trị u bạch huyết tương đối an toàn, hiệu quả cao mà không xâm lấn. Phương pháp này sử dụng thuốc (sulfat tetradecyl, doxycycline hoặc cồn) tiêm trực tiếp vào tổn thương nang bạch huyết khiến cho lớp biểu mô lót mặt trong các không gian của khối u bị phá hủy, đồng thời làm giảm sự bài tiết của các chất dịch lỏng bạch huyết, sau đó kích thước khối u sẽ thu nhỏ dần lại.

Chỉ định của phương pháp tiêm thuốc điều trị u bạch huyết:

  • Áp dụng cho tất cả các trường hợp u nang bạch huyết ở trẻ em typ 1,2.
  • Các trường hợp u nang bạch huyết typ 3.
  • U nang bạch huyết bội nhiễm hay u nang bạch huyết bị chèn ép.

Chống chỉ định:

  • U nang bạch huyết vùng ổ bụng hoặc vùng trung thất
  • Bệnh nhi có tiền sử dị ứng với doxycycline, viêm phổi kẽ hay xơ phổi
  • Bệnh nhi bị mắc các bệnh lý về máu như rối loạn đông máu
  • Bệnh nhi có gia đình không đồng ý điều trị bằng phương pháp tiêm thuốc.
Trẻ viêm phổi
Bệnh nhi viêm phổi không được chỉ định tiêm thuốc

Quy trình thực hiện:

Kiểm tra hồ sơ bệnh án.

Kiểm tra tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân nếu đảm bảo điều kiện sức khỏe cần thiết thì tiến hành tiêm thuốc.

Tiến hành tiêm thuốc theo các bước:

  • Vô cảm toàn thân
  • Đặt bệnh nhi ở tư thế nằm nghiêng bên đối diện
  • Pha thuốc theo tỷ lệ chuẩn của Bộ Y Tế
  • Sử dụng kim luồn số 18 chọc thăm dò vào các nang bạch huyết dưới sự hướng dẫn của hệ thống siêu âm. Hút dịch từ các nang bạch huyết để làm xét nghiệm, sau đó tiến hành tiêm thuốc trực tiếp vào khối u qua kim luồn đã đặt.

Lưu ý, sau tiêm thuốc, cần giữ người bệnh lại trong viện tối thiểu 24 giờ để theo dõi các phản ứng triệu chứng sau đó. Cho bệnh nhân xuất viện sau 1 ngày nếu không thấy bất thường gì xảy ra. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra đối với những bệnh nhân điều trị u bạch huyết bằng phương pháp tiêm thuốc:

  • Đau tại vùng tiêm, có thể sưng đỏ nhẹ. Một số trường hợp, khối u quá to sẽ gây chèn ép lên các mô xung quanh, khi đó cần chỉ định cho sử dụng thuốc giảm đau.
  • Một số bệnh nhi sẽ có biểu hiện tiêu chảy, sốt đặc biệt trong những ngày đầu sau tiêm thuốc.
  • Sau tiêm 2 tuần, có thể thấy kích thước khối u tăng lên, mật độ cứng hơn ban đầu nhưng sau đó sẽ giảm dần.
  • Đặc biệt lưu ý đối với những trường hợp đáp ứng rất chậm hoặc không đáp ứng với phương pháp tiêm thuốc sau 3 lần sử dụng thì cần chỉ định chuyển phương pháp phẫu thuật để điều trị hiệu quả hơn.

Nhắc nhở, dặn dò bệnh nhân tái khám sau 1-6 tháng sau tiêm thuốc.

U hạch bạch huyết tuy không phải là một bệnh lý cấp tính nhưng cũng có gây nguy hại đến tính thẩm mỹ, sức khỏe người bệnh thậm chí ở một số trường hợp có thể phát triển thành ung thư do tác động vào khối u không đúng cách. Hãy đi khám ngay nếu như thấy sức khỏe của mình có những bất thường để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan