Tìm hiểu về phương pháp phủ sứ răng

Phương pháp phủ sứ răng là kỹ thuật phục hồi răng bị hư tổn hoặc tăng thẩm mỹ răng. Phương pháp này hiện đang được sử dụng rộng rãi vì sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội. Phương pháp này hạn chế tối đa việc mài răng gốc, mang lại tính thẩm mỹ cao và có chi phí phù hợp.

1. Phương pháp phủ sứ răng là như thế nào?

Phủ răng sứ Veneer là phương pháp sử dụng mão sứ có độ dày 0,5 - 0.8mm để phủ lên răng gốc, che đi những khuyết điểm của răng. Với phương pháp phủ sứ răng này, bác sĩ chỉ cần mài đi 1 lớp mỏng trên răng gốc, đảm bảo an toàn và hạn chế những nguy cơ gây ảnh hưởng tới tủy răng. Phủ răng sứ mang đến cho bạn hàm răng trắng sáng tự nhiên với độ bền cao, an toàn cho sức khỏe răng miệng.

Những trường hợp nên phủ răng sứ là:

  • Người có răng hô, móm, lệch lạc, răng thưa mức độ nhẹ;
  • Người có răng xỉn màu, ngả vàng, không tẩy trắng được nữa;
  • Người sở hữu hàm răng to, nhỏ không đồng đều;
  • Người có răng bị nhiễm màu kháng sinh.

Những trường hợp không nên phủ răng sứ là:

  • Người có tình trạng răng sai lệch khớp cắn quá nặng, răng hô, móm, mọc chen chúc, khấp khểnh nhiều hoặc do xương hàm. Người bệnh nên niềng răng chỉnh nha trước, sau đó muốn cải thiện về màu sắc răng thì có thể phủ sứ răng;
  • Người có răng bị nhiễm màu nặng. Việc phủ sứ không mang lại kết quả cao vì lớp sứ khá mỏng nên dễ làm lộ màu răng bên trong;
  • Người mắc một số bệnh lý như cao huyết áp nặng, bệnh tim mạch, động kinh,...;
  • Trẻ em dưới 18 tuổi, người mắc các vấn đề về tâm lý.

2. Ưu điểm của phương pháp phủ sứ răng thẩm mỹ

So với bọc răng sứ tiềm ẩn nhiều rủi ro, công nghệ phủ sứ răng ra đời sở hữu nhiều ưu điểm như:

  • Khắc phục khuyết điểm của răng: Phương pháp này giúp cải thiện tình trạng răng thưa, hô, móm, răng lệch lạc,... Từ đó, nó mang lại cho bạn 1 hàm răng đều, đẹp và khỏe mạnh hơn;
  • Tính thẩm mỹ cao: Với công nghệ hiện đại và nguyên liệu sứ cao cấp, mặt sứ phủ răng được thiết kế tỉ mỉ, có màu sắc phù hợp với màu da của bệnh nhân;
  • Hạn chế tối đa việc mài răng gốc: Trước khi phủ sứ, răng của bệnh nhân được mài một chút (chỉ khoảng 0.3 - 0.7mm). Thậm chí, có trường hợp gần như không cần mài răng nếu hình thể răng đẹp, đáp ứng đủ điều kiện phủ sứ. Phương pháp này không mài nhỏ răng như bọc răng sứ nên không gây ảnh hưởng tới tủy răng, hạn chế các biến chứng đau nhức, ê buốt răng về sau.;
  • Khôi phục khớp cắn và cải thiện khả năng ăn nhai: Công nghệ phủ sứ khắc phục cấu trúc răng, chỉnh sửa những sai lệch về khớp cắn. Từ đó, bệnh nhân ăn uống dễ dàng hơn, không còn gặp tình trạng đau mỏi hàm do lệch khớp cắn, mang lại sự thoải mái tối đa;
  • Độ an toàn cao: Chất liệu mặt sứ được kiểm định, chứng nhận an toàn với sức khỏe răng miệng. Sau một khoảng thời gian phủ sứ răng, người bệnh không xuất hiện biến chứng dị ứng, viêm nướu gây đau nhức, khó chịu,...

3. Quy trình phủ sứ răng

Phương pháp phủ sứ răng được thực hiện theo quy trình sau:

  • Bước 1: Thăm khám, tư vấn phác đồ điều trị: Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Những bệnh nhân đang mắc các bệnh lý về răng miệng sẽ được điều trị dứt điểm trước khi phủ răng sứ để tránh gặp lỗi về sau. Tiếp theo, tùy đặc điểm từng người để đưa ra quyết định có nên phủ răng sứ hay không;
  • Bước 2: Thiết kế nụ cười: Dựa vào cấu trúc gương mặt bệnh nhân, bác sĩ phân tích để thiết kế nụ cười phù hợp các tiêu chí: Phù hợp đặc điểm sinh lý, đáp ứng thẩm mỹ gương mặt, phù hợp tâm lý bệnh nhân và phù hợp nhân tướng học;
  • Bước 3: Chế tác mặt phủ sứ theo công nghệ hiện đại;
  • Bước 4: Tiến hành phủ sứ răng: Răng gốc của người bệnh được mài 1 lớp mỏng để bề mặt răng trơn láng, bám sát tốt hơn với phần sứ được chế tác. Sau khi được lắp thử, chắc chắn trùng khớp thì bác sĩ tiến hành lắp răng phủ sứ hoàn thiện, cố định bằng keo dán chuyên dụng;
  • Bước 5: Kiểm tra kết quả: Bác sĩ kiểm tra lần cuối, đảm bảo không có bất kỳ sai sót nào và ghi nhận ý kiến của bệnh nhân. Sau khi phủ sứ, người bệnh cần có thời gian thích nghi nên khoảng 24 - 48 giờ sau mới khôi phục cảm giác ăn nhai ổn định. Thời gian chờ đợi còn tùy thuộc vào số lượng răng được phủ sứ và việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Trước khi bệnh nhân ra về, bác sĩ sẽ dặn dò một số lưu ý về cách chăm sóc, ăn uống và vệ sinh răng miệng, hẹn lịch tái khám phù hợp.

4. Các chất liệu mặt phủ sứ phổ biến hiện nay

Với phương pháp phủ răng sứ, có rất nhiều chất liệu mặt sứ được sử dụng. Mỗi loại chất liệu lại có những ưu, nhược điểm riêng.

Hiện nay, công nghệ phủ răng sứ thẩm mỹ thường sử dụng các chất liệu sau:

  • Răng toàn sứ: Là chất liệu được sử dụng rộng rãi. Loại mặt phủ sứ này được sản xuất dựa trên phần mềm CAD/CAM hiện đại với độ chính xác cao, có cấu tạo lớp men bên ngoài và lớp sườn bên trong hoàn toàn bằng sứ. Răng có màu sắc tự nhiên, giống răng thật, có độ chịu lực và độ bền cao, tương thích với cơ thể, không gây dị ứng và có tính thẩm mỹ cao;
  • Răng sứ thủy tinh: Là chất liệu thuộc dòng sứ cao cấp gồm lớp sườn bên trong được làm từ sợi gốm sứ thủy tinh công nghệ cao. Bên ngoài răng được phủ 5 lớp sứ, đảm bảo độ thấu quang và độ trong mờ gần giống hệt răng thật. Răng sứ thủy tinh rất được ưa chuộng vì lành tính, an toàn với cơ thể, có khả năng chịu lực cao, tuổi thọ có thể lên tới 25 năm hoặc hơn.

Phương pháp phủ sứ răng là lựa chọn hoàn hảo để cải thiện các tình trạng răng thiếu thẩm mỹ. Tuy nhiên, khi lựa chọn thực hiện phương pháp này, bệnh nhân nên tìm đến những cơ sở y tế uy tín để đảm bảo được ứng dụng công nghệ mới nhất và được thăm khám, trị liệu bởi bác sĩ cao tay nghề cao, giàu kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

937 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan