Tìm hiểu về quy trình xét nghiệm thời gian máu chảy

Xét nghiệm thời gian chảy máu trong huyết học giúp đánh giá một phần khả năng cầm máu của cơ thể.

1. Vai trò của xét nghiệm thời gian máu chảy

Các bác sĩ thường yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm thời gian máu chảy này khi bạn cần phải tiến hành phẫu thuật hay cần phải cầm máu gấp trong trường hợp bị chấn thương. Kết quả của xét nghiệm đông máu sẽ phản ánh chính xác quá trình đông máu của bạn có đang hoạt động ổn định hay không.

Ngoài những thông tin của chẩn đoán lâm sàng cùng với tiền sử bệnh của bệnh nhân và gia đình người bệnh, xét nghiệm đông máu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát hiện ra những vấn đề không bình thường về đông cầm máu.

Theo nghiên cứu, nguyên lý chính của xét nghiệm được dựa trên những cơ chế chính trong các giai đoạn của quá trình đông cầm máu, gồm: giai đoạn cầm máu kì đầu, giai đoạn đông máu huyết tương, ức chế đông máu và tiêu sợi huyết. Hiện nay, tại các bệnh viện thì xét nghiệm đông máu hầu như đều được thực hiện tự động bởi trang thiết bị hiện đại, dưới sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ.

Việc thực hiện xét nghiệm này sẽ góp phần giúp bác sĩ đưa ra những chẩn đoán nhanh hơn, chính xác hơn về mức độ và loại rối loạn của sự đông máu mà người bệnh mắc phải. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ điều trị bệnh cho bệnh nhân với phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Rối loạn đông máu
Xét nghiệm thời gian chảy máu giúp xác định chính xác về mức độ và loại rối loạn đông máu

2. Những ai cần làm xét nghiệm nào?

Những người bệnh đang mắc phải một trong những triệu chứng sau thường được chỉ định làm xét nghiệm:

  • Bệnh nhân trước khi tiến hành làm phẫu thuật, xét nghiệm đông máu sẽ giúp đánh giá chính xác tình trạng đông máu, nhằm tránh được những biến chứng quan trọng trong quá trình can thiệp.
  • Bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông.
  • Một số đối tượng không sử dụng các loại thuốc chống đông máu nhưng lại xuất hiện dấu hiệu rối loạn chảy máu, tình trạng này có thể được biểu hiện bởi các triệu chứng như chảy máu nướu răng, chảy máu cam, xuất hiện những vết bầm tím bất thường, chảy máu trong phân hoặc nước tiểu, thậm chí là xuất huyết kinh nguyệt nặng, chảy máu trong khớp, giảm thị lực.

3. Một số phương pháp xét nghiệm

3.1. Phương pháp Duke

Nguyên lý xét nghiệm

Đo thời gian từ lúc tạo ra vết thương mạch máu ở vùng chính giữa dái tai bằng kim chích (blood lancet) cho đến khi vết thương đó cầm được máu.

Hạch sau tai
Phương pháp Duke đo thời gian từ lúc tạo ra vết thương mạch máu ở vùng dái tai

Phương tiện, hóa chất

  • Kim chích (Blood lancet)
  • Đồng hồ bấm giây
  • Giấy thấm
  • Bông thấm
  • Dung dịch sát trùng (Ete, cồn 70o)

Quy trình xét nghiệm thời gian máu chảy theo phương pháp Duke

  • Dùng cồn sát trùng nhẹ nhàng vùng dái tai, sau đó chờ 1-2 phút cho cồn bay hơi.
  • Dùng kim chích chọc dứt khoát vào vùng chính giữa dái tai để tạo ra vết thương dài 2mm sâu 2,5mm. Khởi động đồng hồ bấm giây.
  • Cứ 30 giây một lần, dùng giấy thấm giọt máu chảy ra từ vết chích cho đến khi máu ngừng chảy. Bấm đồng hồ dừng lại.

Đọc kết quả

  • Thời gian máu chảy bình thường dưới 5 phút. Trị số này thay đổi ở mỗi phòng xét nghiệm.
  • Khi tạo vết chích, sau 2 phút không thấy máu chảy thì tiến hành lại ở tai đối diện. Nếu cả 2 tai đều không chảy thì kết luận thời gian máu chảy bình thường. Nếu kiểm tra lại ở tai đối diện máu chảy kéo dài thì kiểm tra lại bằng phương pháp Ivy.
  • Nếu thời gian máu chảy kéo dài trên 10 phút thì kiểm tra lại ở tai đối diện hoặc thực hiện bằng phương pháp Ivy.

Nguyên nhân sai lầm

  • Kích thước vết chích không đạt tiêu chuẩn: quá nông hoặc quá sâu.
  • Động tác thấm máu từ vết chích quá mạnh làm bong nút tiểu cầu mới hình thành.
  • Có bất thường mạch máu vùng dái tai.
Kim tiêm
Kích thước vết chích không đạt tiêu chuẩn có thể khiến kết quả xét nghiệm bị sai lệch

Ý nghĩa lâm sàng

Các bệnh lý của thành mạch như thiếu vitamin C, viêm mao mạch dị ứng thì thời gian máu chảy kéo dài gặp nhiều và nhất là sự thiếu hụt về số lượng và chất lượng tiểu cầu (bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh suy nhược tiểu cầu Glanzmann...).

3.2. Phương pháp Ivy

Nguyên lý

Dưới áp lực dương, máu tự chảy qua vết thương thành mạch cho đến khi tạo thành nút cầm máu.

Phương tiện thực hiện

  • Máy đo huyết áp.
  • Kim chích, bông cồn hoặc ether.
  • Đồng hồ bấm giây (3 chiếc).

Quy trình xét nghiệm thời gian máu chảy theo phương pháp Ivy

  • Dùng máy đo huyết áp bơm ở áp lực 40mmHg và giữ ổn định.
  • Chọn 1 vùng ở mặt trước cẳng tay không có lông, không nhìn thấy mạch máu, sát trùng bằng ete.
  • Đợi 1-2 phút cho ethen bay hơi, tạo 3 vết chích có kích thước như nhau cách nhau khoảng 2cm và có độ sâu khoảng 3mm. Khởi động đồng hồ ngay khi tạo các vết thương. Mỗi 30 giây một lần, dùng giấy thấm, thấm nhẹ nhàng máu rỉ ra từ các vết thương tương tự như phương pháp Duke. Ghi thời gian máu chảy của từng vết thương.
Cẳng tay 1
Phương pháp Ivy thực hiện xét nghiệm ở vùng mặt trước cẳng tay

Đọc kết quả

Thời gian máu chảy trong trường hợp này là thời gian trung bình của cả 3 vết thương. Tuy nhiên cũng có phòng xét nghiệm ghi riêng rẽ thời gian máu chảy của từng vết thương. Thời gian máu chảy theo phương pháp Ivy thường dưới 5 phút.

Nguyên nhân sai lầm

Nguyên nhân gây sai lầm cũng tương tự trong phương pháp Duke. Ngoài ra còn do chọc vào mạch máu nằm sâu sẽ làm cho thời gian máu chảy kéo dài. Trường hợp này được phát hiện nếu thời gian máu chảy của 2 vết còn lại trong giới hạn bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: