Tổng quan về bệnh Hashimoto

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Minh Đức - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Khi mắc phải bệnh Hashimoto, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công tuyến giáp của và làm tổn thương. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển thành suy giáp và ảnh hưởng rất lớn đến các chức năng của cơ thể do không được cung cấp đủ hormone tuyến giáp.

1. Bệnh Hashimoto là gì?

Tuyến giáp là bộ phận nhỏ, hình cánh bướm ở phía trước cổ. Hormone tuyến giáp kiểm soát cách cơ thể bạn sử dụng năng lượng, vì vậy chúng ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan, bao gồm cả nhịp tim. Nếu không có đủ hormone tuyến giáp, nhiều chức năng của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.

Bệnh Hashimoto còn được gọi là viêm giáp Hashimoto, viêm tuyến giáp tế bào lympho mạn tính hoặc viêm tuyến giáp tự miễn. Hashimoto là 1 rối loạn tự miễn dịch, có thể làm tuyến giáp hoạt động kém đi. Khi mắc phải bệnh Hashimoto, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công tuyến giáp của bạn. Do vậy, tuyến giáp sẽ bị tổn thương và không thể tạo đủ hormone cho cơ thể.

2. Đối tượng nào dễ mắc bệnh viêm giáp Hashimoto?

Bệnh Hashimoto là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp ở Hoa Kỳ và ảnh hưởng đến khoảng 5 trong số 100 người. Bệnh phổ biến hơn ở phụ nữ ít. Mặc dù độ tuổi nào cũng có thể mắc phải căn bệnh này nhưng đa số là trong độ tuổi từ 40 - 60. Nguy cơ phát triển Hashimoto của bạn sẽ tăng lên nếu các thành viên khác trong gia đình cũng mắc phải căn bệnh này.

Những người mắc các chứng rối loạn tự miễn dịch khác chính là đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh Hashimoto. Các bệnh lý liên quan đến bệnh viêm giáp Hashimoto bao gồm:

  • Bệnh Addison (1 chứng rối loạn nội tiết tố);
  • Viêm gan tự miễn (bệnh mà hệ thống miễn dịch tấn công gan);
  • Bệnh celiac, rối loạn tiêu hóa;
  • Bệnh lupus (1 rối loạn mãn tính hoặc lâu dài có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể);
  • Thiếu máu ác tính (xảy ra do thiếu vitamin B12);
  • Viêm khớp dạng thấp (1 rối loạn ảnh hưởng đến khớp và đôi khi các hệ thống cơ thể khác);
  • Hội chứng Sjögren (1 bệnh gây khô mắt và miệng);
  • Bệnh tiểu đường type 1;
  • Bệnh bạch biến.
bệnh Hashimoto
Bệnh nhân tiểu đường type 1 có nguy cơ mắc bệnh Hashimoto

3. Bạn có thể gặp vấn đề sức khỏe nào khác do bệnh Hashimoto?

Nhiều người bị bệnh viêm giáp Hashimoto nếu không điều trị sẽ phát triển thành suy giáp. Suy giáp nặng có thể góp phần làm tăng cholesterol, dẫn đến bệnh lý tim mạch. Hiếm gặp hơn, suy giáp nặng nếu không được điều trị có thể dẫn đến hôn mê (1 tình trạng suy giáp cực kỳ nghiêm trọng, trong đó các chức năng của cơ thể bị ảnh hưởng đến mức đe dọa tính mạng). Hôn mê do suy giáp cần được điều trị y tế khẩn cấp.

4. Bệnh Hashimoto khi mang thai có gây ra vấn đề gì không?

Nếu không được điều trị, bệnh viêm giáp Hashimoto có thể gây ra các vấn đề cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, thuốc hormone tuyến giáp có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng và an toàn để dùng trong thai kỳ. Bạn có thể nghe tư vấn thêm từ các bác sĩ về nguyên nhân, biến chứng, chẩn đoán và điều trị bệnh Hashimoto khi mang thai.

Nhiều phụ nữ dùng thuốc hormone tuyến giáp cần liều cao hơn trong thời kỳ mang thai. Vì vậy, bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay nếu đang điều trị bệnh viêm giáp Hashimoto mà phát hiện mình có thai.

5. Các triệu chứng của bệnh Hashimoto là gì?

Nhiều người mắc bệnh Hashimoto lúc đầu không có triệu chứng. Khi bệnh tiến triển, tuyến giáp sẽ lớn hơn và có thể khiến phía trước cổ to lên. Tuyến giáp tăng kích thước có thể tạo ra cảm giác vướng ở cổ nhưng không gây đau.

Suy giáp của bệnh Hashimoto thường là suy giáp cận lâm sàng, nhẹ và không có triệu chứng, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Khi suy giáp tiến triển, bạn có thể có 1 hoặc nhiều triệu chứng như:

  • Mệt mỏi;
  • Tăng cân;
  • Sợ lạnh;
  • Đau khớp và cơ;
  • Táo bón;
  • Tóc khô, mỏng;
  • Kinh nguyệt nhiều hoặc không đều, khó mang thai;
  • Trầm cảm;
  • Trí nhớ giảm;
  • Nhịp tim chậm.

6. Nguyên nhân nào gây ra bệnh Hashimoto?

Trong bệnh Hashimoto, hệ thống miễn dịch của bạn tạo ra các kháng thể tấn công tuyến giáp. Một số lượng lớn các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào lympho, là một phần của hệ thống miễn dịch, tích tụ trong tuyến giáp. Các nhà nghiên cứu không chắc tại sao một số người lại phát triển các rối loạn tự miễn dịch như bệnh Hashimoto. Những rối loạn này có thể là kết quả của sự kết hợp các gen và tác nhân bên ngoài, chẳng hạn như vi rút.

7. Làm thế nào để bác sĩ chẩn đoán bệnh Hashimoto?

Bác sĩ sẽ bắt đầu hỏi bệnh sử và khám lâm sàng, đồng thời yêu cầu 1 hoặc nhiều xét nghiệm máu để tìm xem bạn có bị suy giáp hay không. Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu thêm các xét nghiệm máu để tìm kháng thể kháng giáp (được gọi là kháng thể thyroperoxidase (TPO) mà hầu như tất cả những người mắc bệnh Hashimoto đều có).

Trường hợp bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh Hashimoto nhưng khi xét nghiệm không có kháng thể trong máu thì có thể cần siêu âm tuyến giáp. Hình ảnh siêu âm cũng có thể đặc trưng cho bệnh: Tăng kích thước tuyến giáp, giảm âm không đồng đều và các đặc điểm khác của bệnh Hashimoto. Mặt khác, siêu âm cũng có thể loại trừ các nguyên nhân khác khiến tuyến giáp to ra, chẳng hạn như nhân tuyến giáp.

chẩn đoán bệnh Hashimoto
Siêu âm tuyến giáp giúp chẩn đoán bệnh Hashimoto

8. Điều trị bệnh Hashimoto như thế nào?

Việc điều trị bệnh Hashimoto thường phụ thuộc vào việc tuyến giáp của bạn có bị tổn thương đến mức gây ra suy giáp hay không. Nếu bạn không bị suy giáp, bác sĩ có thể chỉ cần theo dõi tiến triển của bệnh.

Nếu bị suy giáp thì sẽ được điều trị bằng cách thay thế hormone mà tuyến giáp của bạn không thể tạo ra nữa. Bạn nên dùng thuốc vào buổi sáng trước khi ăn để có được hiệu quả cao nhất.

Bạn cần xét nghiệm máu khoảng 6 đến 8 tuần sau khi bắt đầu dùng hormone tuyến giáp để điều chỉnh liều lượng nếu cần. Mỗi lần thay đổi liều, bạn sẽ phải xét nghiệm máu khác. Khi đã đạt đến liều lượng phù hợp, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu xét nghiệm máu sau 6 tháng và sau đó mỗi năm 1 lần.

Suy giáp do bệnh Hashimoto hoàn toàn có thể được kiểm soát bằng thuốc hormon. Tuy nhiên, bạn cần dùng đúng liều lượng theo hướng dẫn. Không bao giờ được tự ý ngưng sử dụng thuốc mà chưa có sự đồng ý từ bác sĩ.

9. Bị bệnh Hashimoto cần kiêng gì?

Tuyến giáp sử dụng iốt để tạo ra các hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, những người bị bệnh Hashimoto hoặc các dạng rối loạn tuyến giáp tự miễn khác có thể nhạy cảm với các tác dụng phụ có hại từ iốt. Việc sử dụng những thực phẩm có lượng lớn i ốt như tảo bẹ, rong biển có thể gây suy giáp hoặc làm bệnh trầm trọng hơn.

Phụ nữ cần thêm i ốt khi mang thai. Tuy nhiên, quá nhiều iốt cũng có thể gây ra các vấn đề, chẳng hạn như bệnh bướu cổ ở em bé. Do vậy, nếu bạn đang mang thai, hãy nói chuyện với bác sĩ về lượng i ốt cần bổ sung.

Tóm lại, bệnh viêm giáp Hashimoto có khả năng gây ra biến chứng nguy hiểm, vì thế người bệnh nên đi thăm khám thường xuyên để kiểm soát tốt tình trạng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo: Health-information/endocrine-diseases/hashimotos-disease)

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan