Thận trọng khi dùng thuốc trị đau đầu ở người già

Bệnh đau đầu ở người già đang có xu hướng gia tăng và là vấn đề rất được quan tâm trong thời gian gần đây. Vậy tại sao người già đau đầu và cần lưu ý gì khi điều trị, đặc biệt là việc sử dụng các thuốc trị đau đầu ở người già?

1. Tại sao người già đau đầu?

Đau đầu là một biểu hiện phổ biến mà hầu hết chúng ta phải trải qua ít nhất vài lần trong cuộc đời, tuy nhiên đau đầu không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật. Đặc điểm của dấu hiệu đau đầu rất đa dạng với nhiều nguyên nhân, tần suất và mức độ khác nhau: Các cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng, ở một vị trí cụ thể hoặc đau lan tỏa. Vì thế, các phương pháp điều trị đau đầu cũng khác nhau, đặc biệt đối với bệnh đau đầu ở người già.

Người già đau đầu là tình trạng khá phổ biến hiện nay với nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, trong đó chủ yếu là 2 nhóm nguyên nhân chính là đau đầu sau tai biến mạch máu não và đau đầu do thiểu năng tuần hoàn não:

  • Tai biến mạch máu não là bệnh lý gia tăng theo tuổi tác, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Bệnh lý này để lại rất nhiều di chứng, thường gặp là tình trạng méo miệng, nói khó, yếu tay chân và đau đầu. Sau khi mắc bệnh, đa số trường hợp sẽ có cảm giác đau nửa đầu hoặc đau toàn bộ khu vực đầu, thậm chí cảm giác như có kim châm chích trong đầu và gây khó chịu trong thời gian dài;
  • Một số trường hợp người già đau đầu xuất phát từ tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, bên cạnh các triệu chứng điển hình khác như hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng tạm thời...;

Ngoài 2 nhóm nguyên nhân chính như trên, bệnh đau đầu ở người già đôi khi xuất phát từ tình trạng mất ngủ, bao gồm giấc ngủ chập chờn, ngủ không say giấc, ngủ không liền mạch và bị đứt quãng giấc ngủ nhiều lần. Người già mất ngủ sẽ cảm giác cơ thể mệt mỏi uể oải và do đó dẫn đến tình trạng đau đầu.

2. Cách dạng đau đầu ở người già

2.1. Đau nửa đầu

Đặc trưng của tình trạng đau nửa đầu ở người già là cơn đau chỉ xảy ra ở một bên đầu, có thể bên trái hoặc bên phải tùy từng trường hợp. Đau nửa đầu là dạng đau nguyên phát, người già sẽ có cảm giác đầu đau như búa bổ, đau nhức dữ dội và thường kèm theo một số triệu chứng khác như nhìn mờ, lâng lâng, buồn nôn, nôn ói, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn...

2.2. Đau đầu chuỗi

Một dạng đau đầu ở người già khác là đau theo chuỗi, thường kéo dài khoảng 15 phút cho đến 3 giờ. Cơn đau đầu dạng này thường xảy ra một cách bất ngờ với số cơn trung bình khoảng 1–8 lần/ngày và thời gian diễn tiến có thể kéo dài lên đến vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Đặc biệt, thời gian giữa các cơn đau đầu bệnh nhân hoàn toàn không có bất cứ triệu chứng gì và giai đoạn này có khi kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm. Đau đầu theo chuỗi ở người già thường kèm theo những triệu chứng sau:

  • Mức độ cơn đau dữ dội, thậm chí diễn biến theo chiều hướng tiêu cực;
  • Tính chất cơn đau là đau buốt hoặc nóng rát;
  • Vị trí đau thường là bên trong hoặc xung quanh một bên mắt;
  • Vị trí bị ảnh hưởng sẽ đỏ và sưng, mí mắt có khi rủ xuống và nửa bên đầu bị đau có thể xuất hiện triệu chứng nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.

2.3. Đau đầu “sét đánh”

Dạng đau đầu ở người già này xảy ra bất chợt, đột ngột và không thể dự đoán trước. Bệnh nhân thường khởi phát một cơn đau đầu dữ dội ngay khi xuất hiện và được cho là có mối liên quan trực tiếp đến quá trình lưu thông máu trong não. Cơn nhức đầu "sét đánh" thường kéo dài trong vòng 1 phút và thậm chí đến hơn 5 phút.

2.4. Một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm

Bệnh đau đầu ở người già có thể nguy hiểm nếu kèm theo những dấu hiệu cảnh báo sau đây:

  • Đau đầu kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, đau cơ, sụt cân hoặc đồng mắc các bệnh lý nguy hiểm như ung thư, suy giảm miễn dịch...;
  • Thăm khám thần kinh ghi nhận các triệu chứng bất thường như tri giác lừ đừ, liệt thần kinh mặt, yếu tay chân, nhìn đôi, đi không vững...;
  • Cơn đau đầu khởi phát đột ngột, nghiêm trọng và không có dấu hiệu cảnh báo trước;
  • Người già đau đầu nhiều hơn khi rặn, ho hay gắng sức...;
  • Tính chất cơn đau đầu thay đổi so với trước đó, bao gồm thay đổi về cường độ, tần số, đặc tính, các biểu hiện kèm theo và mức độ đáp ứng kém với các thuốc trị đau đầu ở người già.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc trị đau đầu ở người già

Không phải tất cả các loại thuốc trị đau đầu ở người già đều bắt buộc phải sử dụng, đa số trường hợp đáp ứng với các thuốc đơn giản như Acetaminophen (Paracetamol) hay nhóm kháng viêm không steroid NSAID. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là tìm được nguyên nhân đau đầu ở người già, trong đó đặc biệt là phải loại trừ nguyên nhân do các tổn thương trên não bộ.

Một vấn đề cần lưu ý khác là tác dụng phụ của thuốc trị đau đầu ở người già, đặc biệt là những ảnh hưởng đến dạ dày, chức năng thận và gan. Đối với những trường hợp người già đau đầu nguyên phát thì không nên dùng thuốc giảm đau quá 2 ngày trong tuần, đặc biệt những trường hợp dùng liên tục trên 3 tháng sẽ dẫn đến tình trạng được gọi là đau đầu do dùng thuốc quá nhiều. Điểm mấu chốt là tùy thuộc vào dạng đau đầu mà bác sĩ điều trị sẽ có hướng dẫn sử dụng thuốc tương ứng.

Kèm theo đó, người già thường đồng mắc nhiều bệnh lý khác và thường phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Khi đó sẽ có một số loại thuốc gây đau đầu như nhóm Nitrates, một số hoạt chất gây giãn mạch như Diltiazem, Nifedipine, Minoxidil và một số nhóm thuốc khác. Do vậy, để kiểm soát bệnh đau đầu ở người già hiệu quả thì bệnh nhân cần trao đổi đầy đủ với bác sĩ điều trị các dấu hiệu đau đầu cũng như những thuốc đang sử dụng để điều chỉnh hoặc đổi thuốc khi cần thiết.

4. Biện pháp không dùng thuốc chữa bệnh đau đầu ở người già

Quá trình chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi cần được đặc biệt lưu ý và cẩn thận hơn so với người trẻ vì thể chất của họ đã suy yếu với sức đề kháng kém. Vì vậy, ngoài việc sử dụng thuốc trị đau đầu ở người già theo chỉ định của bác sĩ thì bệnh nhân và người nhà có thể tham khảo một số biện pháp hỗ trợ khác như sau:

4.1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Lưu ý đầu tiên trong quá trình điều trị bệnh đau đầu ở người già là cần quan tâm đến chế độ ăn uống hằng ngày, trong đó bắt buộc phải duy trì đều đặn 3 bữa ăn kết hợp với chế độ ăn đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhân bị đau đầu cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, cà phê, trà... Tuy nhiên, những trường hợp đồng mắc các bệnh lý liên quan như rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu) thì cần được thiết lập chế độ ăn riêng biệt phù hợp.

4.2. Tập thể dục nâng cao sức khỏe

Đối với người già, việc thường xuyên luyện tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp rèn luyện sức khỏe và nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó, sau một thời gian tập thể dục với các bài tập nhẹ nhàng như ngồi thiền, tập yoga, đi bộ... thì những bệnh nhân bị đau đầu sẽ được thư giãn tinh thần, tạo ra cảm xúc tích cực với tư tưởng thoải mái, qua đó giúp kiểm soát cơn đau đầu hiệu quả hơn.

4.3. Nghỉ ngơi, thư giãn

Không chỉ cần được chăm sóc về cơ thể, người cao tuổi cũng cần được quan tâm và chăm sóc về mặt tinh thần. Họ cần được chia sẻ, trò chuyện nhiều hơn để duy trì trạng thái tâm lý vui vẻ, lạc quan, đặc biệt cần tránh những căng thẳng, lo lắng, buồn rầu, những sự xúc động thái quá. Tất cả các yếu tố trên đều có nguy cơ dẫn đến bệnh đau đầu ở người già.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giải hiểu rõ hơn về các loại thuốc điều trị đau đầu ở người cao tuổi để có cách sử dụng phù hợp, tránh các tác dụng phụ xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

48 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan