Ứng dụng của đo niệu động học trong chẩn đoán rối loạn đường tiểu

Niệu động học là xét nghiệm thường được dùng trong tiết niệu. Kỹ thuật đo niệu động học hiện đang được ứng dụng rộng rãi trong thăm khám và điều trị tình trạng rối loạn chức năng tiểu tiện.

1. Rối loạn đường tiểu là gì?

Những biểu hiện của rối loạn chức năng tiểu tiện bao gồm:

  • Tiểu khó: Đau, rát hoặc khó đi tiểu;
  • Tiểu không tự chủ: Không kiểm soát được việc đi tiểu ;
  • Tiểu gấp: Són tiểu ra quần ngay khi mắc tiểu;
  • Tiểu nhiều lần: Trên 1 lần mỗi giờ;
  • Tiểu ít lần: Dưới 3 lần mỗi ngày.

Có 3 nguyên nhân chính gây rối loạn chức năng tiểu tiện:

  • Có những bất thường về cấu trúc đường niệu;
  • Có những bất thường về thần kinh kiểm soát việc tiểu tiện;
  • Rối loạn đi tiểu mà không rõ nguyên nhân.

Tình trạng rối loạn tiểu tiện có thể chỉ ảnh hưởng tới vấn đề sinh hoạt của bệnh nhân nhưng cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn như: Gây nhiễm trùng tiểu tái phát, viêm đài bể thận cấp, thận ứ nước, trào ngược bàng quang - niệu quản,... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, rối loạn đường tiểu có thể dẫn tới suy thận.

Suy thận
Rối loạn tiểu tiện lâu ngày làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thận

2. Ứng dụng đo niệu động học trong chẩn đoán rối loạn đường tiểu

2.1 Đo niệu động học là gì?

Niệu động học là một xét nghiệm cận lâm sàng được ứng dụng trong tiết niệu. Phương pháp này đánh giá chức năng chứa đựng và tống xuất nước tiểu của bàng quang, niệu đạo và hoạt động của cơ thắt cổ bàng quang.

Niệu động học bao gồm nhiều phép đo khác nhau, giúp đánh giá các chức năng khác nhau trong việc đi tiểu. Sau khi, tổng hợp kết quả của các phép đo này, bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân gây rối loạn tiểu tiện.

2.2 Các phép đo niệu động học

2.2.1 Áp lực đồ bàng quang

Khảo sát tự thay đổi áp lực bên trong bàng quang theo dung tích bàng quang. Áp lực bàng quang được theo dõi ở thời điểm bàng quang được đổ đầy thụ động và thời điểm bàng quang co bóp chủ động. Khi đo, bác sĩ ghi nhận cảm giác mắc tiểu, độ dốc của đường biểu diễn ở thời điểm đổ đầy và co bóp của cơ chóp bàng quang;

2.2.2 Điện cơ đồ

Khi sử dụng phép đo này, người ta dán các bản điện cực lên vùng tầng sinh môn hoặc cắm các điện cực vào nhóm cơ vùng đáy chậu nhằm ghi nhận hoạt động của cơ thắt vân niệu đạo. Điện cơ đồ cung cấp những thông tin về hoạt động của cơ thắt trơn, có giá trị nếu phối hợp với phép đo áp lực đồ bàng quang;

Vì sao bạn bị đau xương chậu sau sinh con?
Đo điện cơ đồ bằng cách dán bản điện cực vào nhóm cơ ở vùng đáy chậu

2.2.3 Áp lực niệu đạo

Khi thực hiện, bác sĩ đưa một ống thông nhỏ có lỗ bên vào bàng quang, truyền vào đó một lượng nước theo chỉ định. Sau đó rút ống ra từ từ. Áp lực niệu đạo khác nhau tùy thuộc vị trí niệu đạo và được ghi lại bằng các giá trị thay đổi trên biểu đồ khi rút ống thông niệu ra;

2.2.4 Niệu dòng đồ

Là phép đo niệu động học duy nhất không xâm nhập. Cách đo: Bệnh nhân đi tiểu vào phễu hứng của máy đo, máy sẽ chuyển trọng lượng nước tiểu thành dung tích, ghi lại thành biểu đồ với tốc độ ml/giây. Kết quả niệu dòng đồ được dùng để đánh giá chức năng đường tiểu dưới một cách nhanh chóng.

2.3 Quy trình đo niệu động học

Các bước đo niệu động học bao gồm:

  • Cho bệnh nhân đi tiểu vào phễu hứng của máy đo để đo lượng nước tiểu và tốc độ dòng tiểu. Ngay sau khi người bệnh tiểu xong, bác sĩ đặt ống thông tiểu nhằm đánh giá lượng nước tiểu tồn đọng trong bàng quang;
  • Cho bệnh nhân nằm lên giường, thực hiện đặt một ống thông nhỏ vào đường tiểu, bơm một lượng nước xác định vào bàng quang. Việc này nhằm đánh giá áp lực bàng quang và tình trạng co giãn của bàng quang. Người bệnh có thể được hỏi về cảm giác mắc tiểu hoặc yêu cầu ho, rặn để đánh giá mức áp lực gây rỉ nước tiểu;
  • Đo áp lực ổ bụng bằng cách đặt một ống thông vào hậu môn. Phương pháp này cũng giúp đánh giá gián tiếp áp lực cơ bàng quang;
  • Rút ống thông tiểu và ống thông hậu môn từ từ để đo áp lực niệu đạo. Nếu chưa tiểu vào phễu hứng trước đó, bệnh nhân sẽ được yêu cầu tiểu vào để đo dòng nước tiểu.
Bệnh nhân đặt ống thông tiểu
Đặt ống thông đường tiểu cho bệnh nhân

Lưu ý: Một số ít trường hợp sau khi đo niệu động học có thể có tiểu máu (nước tiểu màu hồng). Tuy nhiên, triệu chứng này có thể hết trong vòng vài ngày, người thân cần chú ý cho bệnh nhân uống nhiều nước là được. Trường hợp triệu chứng tiểu ra máu ngày càng nặng hơn, bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau bụng hoặc lạnh run thì nên đến bệnh viện để được kiểm tra, xử trí.

Rối loạn đường tiểu là vấn đề thường gặp, gây ảnh hưởng tới chất lượng sống của bệnh nhân hoặc thậm chí dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bệnh nhân thường được chỉ định đo niệu động học để thăm khám, chẩn đoán chính xác vấn đề trên hệ tiết niệu để có hướng điều trị kịp thời, phù hợp.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp cho khách hàng Gói Khám sàng Lọc bệnh lý tiết niệu với mục tiêu phát hiện sớm khả năng có thể mắc các bệnh tiết niệu. Đặc biệt là các bệnh lý về tiền liệt tuyến (phì đại lành tính tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến), các bệnh lý sỏi tiết niệu,... Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và phác đồ điều trị khoa học giúp bệnh thuyên giảm.

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan