Vai trò của nghiệm pháp eGFR trong thăm dò chức năng lọc máu của cầu thận

Thận là cơ quan giúp cơ thể thực hiện hai nhiệm vụ bài tiết và nội tiết. Có nhiều nghiệm pháp khác nhau để tính toán khả năng hoạt động của thận. Trong đó, cách đo mức lọc cầu thận eGFR là nghiệm pháp thăm dò chức năng lọc máu của cầu thận tốt.

1. Các nghiệm pháp thăm dò chức năng cầu thận

Thận là cơ quan có ý nghĩa sinh tồn với vai trò điều hòa cân bằng nội môi của cơ thể. Có mấy phương pháp thăm dò chức năng cầu thận? Thận cần rất nhiều chức năng để thực hiện nhiệm vụ của mình, vì vậy cũng có nhiều nghiệm pháp khác nhau giúp thăm dò chức năng thận, cụ thể là:

  • Đo hệ số thanh thải inulin, manitol, natri thiosulphat hoặc creatinin nội sinh;
  • Ước lượng hệ số thanh thải creatinin qua nồng độ creatinin huyết thanh;
  • Đánh giá mức lọc cầu thận bằng phương pháp đo nồng độ b2-microglobulin;
  • Đo mức lọc cầu thận bằng phương pháp đồng vị phóng xạ.

Tuy nhiên mỗi nghiệm pháp chỉ phản ánh một số chức năng của cầu thận chứ không phải là toàn bộ. Những nghiệm pháp thăm dò chức năng thận dù rất có giá trị, nhưng cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố cả trong và ngoài thận. Do đó khi phân tích kết quả của từng nghiệm pháp cần chú ý đến đặc điểm này.

Tìm hiểu xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận
Cầu thận có chức năng quan trọng

2. Nghiệm pháp eGFR là gì?

eGFR là chữ viết tắt của thuật ngữ estimated Glomerular Filtration Rate, tạm dịch Độ Lọc Cầu Thận ước tính. Giá trị này cho biết mức độ thận lọc chất thải ra khỏi máu và giúp xác định tổn thương thận nếu có. Mặc dù có nhiều nghiệm pháp khác nhau để thăm dò chức năng thận, eGFR vẫn được xem là phép đo chức năng thận tốt. Nếu độ lọc cầu thận càng cao thì thận làm việc càng tốt, thông thường vào khoảng 90 - 100 ml/phút.

Trong trường hợp bác sĩ yêu cầu xét nghiệm máu để biết thêm về chức năng thận, chỉ số eGFR sẽ được phòng thí nghiệm tính toán và trả kết quả. Để tính toán chính xác khả năng hoạt động của thận, các chuyên gia đã xây dựng một công thức ước tính GFR đặc biệt với 3 yếu tố sau:

Công thức:

eGFR (mL/phút/1,73m2) = 186.SCr-1,154.Tuổi-0,203.(0,742 đối với nữ).(1,21 đối với người Mỹ gốc phi)

Trong đó SCr chính là Nồng độ creatinin trong máu (mg/dL). Các bác sĩ cho biết, thận thường loại bỏ creatinine trong máu trước khi bài tiết ra ngoài qua nước tiểu. Vì thế khi chức năng thận giảm sẽ có nhiều creatinine còn lại trong máu hơn.

vai-tro-cua-dinh-luong-creatinin-trong-mau-body-1
Creatinin trong máu được phân tích

Công thức 1: Dựa vào chỉ số Creatinin trong máu và nước tiểu

Lấy nước tiểu 24 giờ để đo thể tích và lượng creatinin bài tiết. Đồng thời đo nồng độ creatinin trong máu thu thập vào giữa khoảng thời gian lấy nước tiểu.

CrCl (mL/phút) = (UCr.Vnước tiểu)/(SCr.T)

Trong đó:

  • CrCl: Độ thanh thải creatinin
  • Ucr: Nồng độ creatinin trong nước tiểu (mg/dL)
  • V nước tiểu: Thể tích nước tiểu đã lấy (mL)
  • SCr: Nồng độ creatinin trong máu (mg/dL)
  • T: Thời gian thu thập nước tiểu (phút)

Công thức 2: Corkroft-Gault cho người trưởng thành

Nhằm tránh tính toán giá trị độ thanh thải creatinin sai, các nhà nghiên cứu đã xây dựng những phương pháp ước lượng khác nhau từ giá trị creatinin trong serum và dựa trên đặc điểm của bệnh nhân.

Đối với người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên và không quá béo phì, công thức dùng phổ biến được đề xuất bởi Cockcroft và Gault như sau:

Nam: CrCl ước lượng = [(140 – tuổi).cân nặng]/(72.SCr)

Nữ: CrCl ước lượng = [(140 – tuổi).cân nặng]/(72.SCr)

Trong đó:

  • CrCl ước lượng: Độ thanh thải creatinin ước lượng (mL/phút)
  • Tuổi: Tính bằng năm
  • Cân nặng: Tính bằng kg
  • SCr: Nồng độ creatinin trong serum (mg/dL)

Ở nữ giới, công thức trên cần nhân với 0,85 vì phụ nữ có cân nặng nhỏ hơn nam giới nên lượng creatinin sản xuất mỗi ngày ít hơn.

Phòng xét nghiệm
Xét nghiệm được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín

Công thức 3: Dựa vào công thức MDRD

Phương trình MDRD - Modification of Diet in Renal Disease:

GFR (mL/min/1.73 m2) = 175 × (Scr)-1.154 × (Tuổi)-0.203 × (0.742 đối với nữ) × (1.212 đối với người châu Phi)

Trong đó:

  • eGFR: Mức lọc cầu thận ước tính;
  • SCr: Nồng độ creatinin trong máu (mg/dL);
  • Tuổi: Tuổi bệnh nhân.

3. Cách đọc kết quả eGFR

Bình thường tùy thuộc vào phòng thí nghiệm, kết quả GFR có thể được báo cáo giá trị thực chính xác dưới dạng mL/phút/1,73m2 (nếu eGFR < 90) hoặc hiển thị > 90 mL/phút/1,73m2.

Ví dụ:

  • Kết quả 105: Có thể hiển thị là 105 mL/phút/1,73m2 hoặc là ≥ 90 mL/phút/1,73m2
  • Kết quả 67: Được hiển thị là 67 mL/phút/1,73m2

3.1. Trường hợp kết quả > 60 mL/phút/1,73m2

Chức năng thận bình thường hoặc gần mức bình thường, nhưng vẫn có nguy cơ tổn thương thận hoặc mắc bệnh thận. Do đó người bệnh vẫn cần tiếp tục theo dõi, đặc biệt là đối tượng có yếu tố nguy cơ cao.

Cũng có trường hợp người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh thận mãn tính (CKD) nếu xuất hiện các dấu hiệu hư tổn thận và kéo dài hơn 3 tháng. Nếu không có bất thường, nên theo dõi chức năng thận đồng thời tuân thủ lời khuyên của bác sĩ về lối sống lành mạnh.

Khám bệnh
Khi kết quả bất thường, bác sĩ là người đưa ra lời khuyên cho bạn

3.2. Trường hợp kết quả < 60 mL/phút/1,73m2

Cho thấy chức năng thận đã bị mất phần nào. Để xác nhận, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu lại, đồng thời theo dõi sự thay đổi eGFR để biết tình trạng bệnh đang tiến triển nhanh hay chậm.

Dấu hiệu chẩn đoán bệnh thận mãn tính (CKD) bao gồm:

  • Kết quả GFR dưới 60 mL/phút/1,73m2 trong khoảng hơn ba tháng;
  • Một số dấu hiệu tổn thương thận: Albumin niệu (albumin trong nước tiểu), huyết niệu (máu trong nước tiểu), huyết áp, tiểu đường, kết quả siêu âm hoặc sinh thiết thận bất thường.

4. Những giai đoạn của bệnh thận mãn tính (CKD)

Tùy thuộc vào chỉ số eGFR, chức năng thận sẽ được phân thành các giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: Bình thường ≥ 90 mL/phút/1,73m2
  • Giai đoạn 2: Giảm nhẹ trong khoảng 60 - 89 mL/phút/1,73m2
  • Giai đoạn 3:
    • 3a: Giảm nhẹ - vừa trong khoảng 45 - 59 mL/phút/1,73m2
    • 3b: Giảm vừa - mạnh trong khoảng 30 - 44 mL/phút/1,73m2
  • Giai đoạn 4: Giảm mạnh trong khoảng 15 - 29 mL/phút/1,73m2
  • Giai đoạn 5: Giảm dưới mức 15 mL/phút/1,73m2 hoặc bắt đầu thẩm tách

Kết quả eGFR và albumin niệu được phối hợp để cung cấp thông tin tổng quan về khả năng hoạt động của thận, từ đó bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị tốt. Việc lựa chọn phương pháp điều trị cũng tùy thuộc vào nguyên nhân làm tổn thương thận. Trong đó, kiểm soát bệnh tiểu đường và huyết áp cao có thể giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn. Điều này cũng hạn chế nguy cơ mắc các vấn đề khác về sức khỏe, chẳng hạn đau tim và đột quỵ.

Đăng kí khám bệnh
Khi sức khỏe có biểu hiện bất thường, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám

Tóm lại, cách đo mức lọc cầu thận là nghiệm pháp quan trọng nhất giúp thăm dò chức năng lọc máu của cầu thận. Mức lọc cầu thận ước tính eGFR chính là thể tích dịch lọc ban đầu (nước tiểu đầu) được cầu thận lọc trong một đơn vị thời gian. Dựa trên chỉ số kết quả eGFR và một số xét nghiệm có liên quan khác, bác sĩ sẽ nắm được tình trạng hoạt động của thận để đưa ra chẩn đoán và điều trị, hoặc những lời khuyên bổ ích cho bệnh nhân.

Video đề xuất:

Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan