Độ lọc cầu thận eGFR là một chỉ số quan trọng giúp đánh giá khả năng hoạt động của thận, từ đó phát hiện sự thay đổi của thận. eGFR được tính toán dựa trên kết quả xét nghiệm creatinin kết hợp cùng với một số yếu tố khác như tuổi tác, giới tính và chủng tộc. Nhìn chung, eGFR càng cao, chức năng thận càng tốt.
Bài viết này được viết bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Ngọc Hùng - Trưởng khoa Xét nghiệm - Bác sĩ vi sinh, chuyên ngành Xét nghiệm, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Độ lọc cầu thận eGFR là gì?
Độ lọc cầu thận (Glomerular Filtration Rate - GFR) là đại lượng phản ánh lượng máu được lọc bởi các quản cầu thận mỗi phút. Để đánh giá chức năng thận hiện tại, bác sĩ sẽ đo nồng độ creatinin trong máu và tính toán con số phản ánh hoạt động hiện tại của thận, từ đó được độ lọc cầu thận ước tính (eGFR).
Khi chức năng thận suy giảm do tổn thương hoặc bệnh lý, độ lọc cầu thận eGFR sẽ giảm, dẫn đến tích tụ chất thải trong cơ thể và tăng lên trong máu. Ngược lại, độ lọc cầu thận eGFR càng cao, chức năng thận càng tốt. Chỉ số độ lọc cầu thận eGFR ở mức thường là 90-100 ml/phút.
Thận đảm nhiệm vai trò lọc máu, loại bỏ các chất thải và độc tố, đồng thời giữ lại protein cũng như tế bào máu. Nước tiểu được hình thành từ dịch lọc chứa các chất thải. Nhờ vậy, mỗi ngày 2 quả thận khỏe mạnh có thể lọc được khoảng 200 lít máu và tạo ra khoảng 2 lít nước tiểu.
Mặc dù đo độ lọc cầu thận trực tiếp mang lại kết quả chính xác nhất trong việc đánh giá chức năng thận nhưng phương pháp này lại gặp nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật, đòi hỏi đội ngũ nhân viên y tế thực hiện phải có chuyên môn cao. Do đó, phương pháp đo độ lọc cầu thận eGFR được xem là giải pháp thay thế hiệu quả.
Độ lọc cầu thận ước tính (EGFR) là chỉ số được tính toán dựa trên nồng độ creatinin trong huyết thanh. Creatinin là chất thải của mô cơ, được thận lọc ra khỏi máu và phóng thích vào nước tiểu ở tốc độ ổn định. Khi chức năng thận suy giảm, creatinin ít được bài tiết, dẫn đến nồng độ tăng cao trong máu. Do đó, dựa vào nồng độ creatinin trong máu mà có thể ước tính được độ lọc cầu thận eGFR.
Công thức tính độ lọc cầu thận eGFR được xác định dựa trên chỉ số creatinin và/hoặc Cystatin C trong máu kết hợp với thông tin về tuổi tác, giới tính, chủng tộc, chiều cao, cân nặng (ở trẻ em còn có thêm chỉ số BUN - Lượng nitơ trong urê). Nhờ vậy, eGFR giúp đánh giá hiệu quả hoạt động của thận.
2. Vì sao cần xác định độ lọc cầu thận ước tính eGFR?
Độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) đóng vai trò quan trọng trong việc:
- Sàng lọc, phát hiện sớm tổn thương thận và chẩn đoán bệnh thận mãn tính.
- Đánh giá và theo dõi chức năng hoạt động của thận.
Độ lọc cầu thận eGFR là thước đo quan trọng phản ánh khả năng lọc chất thải ra khỏi máu của thận, giúp đánh giá mức độ tổn thương thận. Đây cũng là công cụ tốt nhất để theo dõi chức năng thận ở cả người lớn và trẻ em.

Bác sĩ có thể sử dụng kết quả xét nghiệm creatinin máu, cystatin C và chỉ số eGFR để chẩn đoán, theo dõi bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính gây tổn thương thận như đái tháo đường, suy thận hoặc tăng huyết áp.
3. Cách thức đọc kết quả độ lọc cầu thận eGFR
3.1 Chỉ số độ lọc cầu thận eGFR bình thường
Độ lọc cầu thận eGFR ở người trưởng thành khỏe mạnh bình thường cao hơn 90 ml/phút/1,73m2.
Độ lọc cầu thận càng suy giảm khi tuổi càng cao. Hiện tượng này xảy ra ngay với người không mắc bệnh lý về thận. Dưới đây là mức lọc cầu thận ước tính trung bình cho người bình thường dựa theo độ tuổi:
- 20-29 tuổi: 116 mL/phút/1,73m2
- 30-39 tuổi: 107 mL/phút/1,73m2
- 40-49 tuổi: 99 mL/phút/1,73m2
- 50-59 tuổi: 93 mL/phút/1,73m2
- 60-69 tuổi: 85 mL/phút/1,73m2
- Từ 70 tuổi trở lên: 75 mL/phút/1,73m2

3.2 Nếu eGFR trên 60
Kết quả xét nghiệm cho thấy chức năng thận đang ở mức trên 60 mL/phút/1,73m2, thì là mức bình thường hoặc gần bình thường. Điều này có nghĩa thận đang hoạt động tốt, ổn định.
Tuy nhiên, vẫn có khả năng người đó đang có một số tổn thương thận nhỏ hoặc có nguy cơ phát triển bệnh thận trong tương lai. Do đó, không nên chủ quan và cần tiếp tục theo dõi định kỳ chức năng thận của bản thân.
Mức lọc cầu thận (eGFR) trên 60 mL/phút/1,73m2 không loại trừ khả năng mắc bệnh thận mãn tính (CKD) nếu bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương thận kéo dài hơn 3 tháng. Ngược lại, nếu không có dấu hiệu tổn thương thận thì chỉ cần theo dõi chức năng thận định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh.
3.3 Nếu eGFR dưới 60
Giá trị eGFR dưới 60 mL/phút/1,73m2 cho thấy chức năng thận đang gặp phải một số vấn đề. Khi kết quả này xuất hiện, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu lại để xác nhận. Việc theo dõi eGFR giúp bác sĩ đánh giá tốc độ tiến triển bệnh nhanh hay chậm.
Dựa trên tốc độ lọc cầu thận (GFR) mà bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thận mạn tính. Nếu GFR liên tục dưới 60 mL/phút/1,73m2 trong hơn 3 tháng hoặc đi kèm các dấu hiệu tổn thương thận khác như albumin niệu, tiểu ra máu hay kết quả siêu âm/ sinh thiết thận bất thường, bệnh nhân rất có khả năng đã mắc bệnh thận mạn tính.
4. Mối liên hệ giữa độ lọc cầu thận và bệnh thận mãn tính
Bệnh thận mạn tính (Chronic Kidney Disease - CKD) là tình trạng suy giảm chức năng thận nghiêm trọng, thường liên quan đến bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Việc phát hiện, chẩn đoán sớm các rối loạn chức năng thận là vô cùng quan trọng để giảm thiểu tổn thương thận xuống mức thấp nhất vì các triệu chứng không xuất hiện cho đến khi 30-40% chức năng thận bị mất.
Bác sĩ có thể phát hiện bệnh thận qua hai xét nghiệm đơn giản:
- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra xem có protein trong nước tiểu hay không (protein biểu thị tổn thương thận).
- Xét nghiệm máu: Đo lường lượng creatinin trong máu.
Dựa trên chỉ số độ lọc cầu thận eGFR, chức năng thận được chia thành 5 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: eGFR ≥ 90 mL/phút/1,73m2, chức năng thận được đánh giá là bình thường hoặc có tổn thương ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, nếu xuất hiện thêm các dấu hiệu bất thường về nước tiểu, cấu trúc thận hoặc yếu tố di truyền, nguy cơ mắc bệnh thận vẫn có thể xảy ra.
- Giai đoạn 2: eGFR nằm trong khoảng 60-89 mL/phút/1,73m2, nghĩa là chức năng thận bắt đầu giảm nhẹ. Ngoài ra, bệnh nhân có nguy cơ bệnh thận nếu đi kèm các bất thường khác.
- Ở giai đoạn 1 và 2, chỉ khi có thêm các yếu tố như albumin niệu, đi tiểu ra máu, hoặc có bệnh lý/ cấu trúc bất thường, bệnh nhân mới được xác định mắc CKD.
- Giai đoạn 3 được chia thành 2 mức độ: 3a và 3b, dựa trên tốc độ lọc cầu thận (eGFR).
- Giai đoạn 3a: eGFR từ 45 đến 59 mL/phút/1,73m2.
- Giai đoạn 3b: eGFR từ 30 đến 44 mL/phút/1,73m2. Giai đoạn này cho thấy chức năng thận bị suy giảm ở mức độ trung bình.
- Giai đoạn 4: Độ lọc cầu thận (eGFR) từ 15 đến 29 ml/phút/1,73m², biểu thị cho suy giảm chức năng thận mức độ nặng.
- Giai đoạn 5: Ở giai đoạn này, eGFR xuống dưới 15 mL/phút/1,73m2 là tình trạng chức năng thận suy giảm nghiêm trọng nhất hoặc suy thận giai đoạn cuối. Bệnh nhân cần lọc máu hoặc cấy ghép thận mới từ người hiến.
- Lọc máu là quá trình loại bỏ các chất cặn bã, chất độc hại và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu. Hiện nay, có hai phương pháp lọc máu ngoài cơ thể phổ biến: Chạy thận lọc máu (hay chạy thận nhân tạo) và lọc màng bụng.
- Ghép thận là thay thế quả thận khỏe mạnh từ người hiến tặng vào cơ thể người nhận nhằm phục hồi chức năng lọc máu và các chức năng quan trọng khác của thận. Có hai nguồn hiến thận chính: Từ người đã khuất và từ người hiến tặng còn sống.
Độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) và kết quả albumin niệu là hai yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ hoạt động của thận. Bằng cách kết hợp hai chỉ số này, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Quyết định lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây tổn thương thận. Nếu nguyên nhân là bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao, việc kiểm soát tốt hai bệnh lý này đóng vai trò then chốt trong làm chậm tiến trình suy giảm chức năng thận, ngăn ngừa tổn thương nặng hơn và giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm như đau tim, đột quỵ.
5. Các vấn đề cần lưu ý
- Theo thời gian, eGFR có xu hướng giảm dần theo tuổi tác và có thể bị ảnh hưởng bởi một số bệnh lý nhất định. Tuy nhiên, eGFR cũng có thể tăng nhẹ trong thai kỳ.
- Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có thể tác động đến eGFR. Ví dụ, các loại kháng sinh như Gentamicin và Cefoxitin hay thuốc điều trị ung thư Cisplatin có thể làm tăng nồng độ creatinin trong máu, dẫn đến sai lệch kết quả eGFR.
- Bệnh nhân suy thận mạn tính cần lưu ý về một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Những loại thuốc này cần được điều chỉnh liều dùng, tránh sử dụng hoàn toàn và có thể thay thế bằng thuốc khác phù hợp. Dưới đây là một số ví dụ:
- Thuốc hạ cholesterol máu (statin - thuốc ức chế men khử HMG-CoA).
- Thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs).
- Thuốc chống nấm.
- Thuốc chống bệnh đái tháo đường.
- Thuốc kháng sinh.
- Thuốc kháng virus.
- Thuốc gây rối loạn dạ dày hoặc chống bài tiết axit ở dạ dày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.