Vì sao bạn bị hoa mắt khi đứng lên ngồi xuống?

Tình trạng hoa mắt khi đứng lên ngồi xuống là tình trạng rất phổ biến và hay gặp phải hiện nay. Tình trạng này có thể gặp ở hầu hết các lứa tuổi, và có thể coi là một tình trạng bình thường, tuy nhiên nếu tình trạng hoa mắt khi đứng dậy này diễn ra thường xuyên, thì rất có thể đó là báo hiệu của một số vấn đề đang tới đối với sức khỏe của bạn.

1. Nguyên nhân gây ra tình trạng hoa mắt

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng hoa mắt khi đứng lên ngồi xuống, như:

  • Khi chúng ta thay đổi tư thế quá nhanh như đứng lên ngồi xuống, hay đang nằm mà ngồi chồm dậy, tim sẽ không kịp điều chỉnh việc bơm máu thêm, khiến huyết áp giảm xuống chỉ trong vòng một phần nhỏ của giây, sẽ khiến cho cơ thể cảm thấy bị hoa mắt, chóng mặt.
  • Còn riêng đối với lứa tuổi dậy thì có thể là trẻ đang bị thiếu máu do thiếu sắt. Do sắt là một khoáng chất giữ vai trò quan trọng, nó có ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác nhau của cơ thể. Bao gồm trong đó là việc tổng hợp huyết sắc tố (hemoglobin) – chất vận chuyển oxy trong máu, cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của tế bào. Khi cơ thể thiếu chất sắt, cơ thể sẽ dễ bị mệt mỏi, suy nhược và sẽ gặp phải tình trạng hoa mắt khi đứng lên ngồi xuống.
hoa mắt
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng hoa mắt khi đứng lên ngồi xuống

2. Đối tượng hay mắc phải

Bất cứ ở độ tuổi nào cũng có thể gặp tình trạng này, nhưng hay gặp nhất và gặp liên quan đến dấu hiệu bệnh lý là gặp ở độ tuổi trẻ dậy thì và người lớn tuổi.

  • Thường gặp ở người bệnh lớn tuổi, do người lớn tuổi ít hoạt động thể lực, và bị các bệnh mãn tính như huyết áp cao, huyết áp thấp, động mạch xơ vữa, hay tắc nghẽn mạch làm cho máu lưu thông kém nên sẽ hay gặp tình trạng này.
  • Trẻ tuổi dậy thì, do liên quan sự thay đổi trong cơ thể nhu cầu sử dụng sắt tăng lên, nếu không có chế độ ăn điều độ và bổ sung thêm sắt thì xuất hiện tình trạng hoa mắt là rất bình thường.

3. Hoa mắt khi đứng lên ngồi xuống có báo hiệu bạn bị bệnh gì hay gây ra bệnh gì cho bạn hay không?

Nếu tình trạng hoa mắt diễn ra thường xuyên sẽ là báo hiệu của một số vấn đề mà cơ thể bạn gặp phải, bao gồm:

  • Thiếu máu thiếu sắt (ở trẻ trong độ tuổi dậy thì)

Vì trẻ trong độ tuổi dậy thì thuộc đối tượng có nguy cơ thiếu sắt cao, chủ yếu là do nhu cầu sắt tăng lên đáng kể trong cơ thể trong thời kỳ tăng trưởng. Đặc biệt, ở độ tuổi này, các bé gái bắt đầu có kinh nguyệt và thường có xu hướng ăn kiêng để làm đẹp vóc dáng. Do vậy các bé nữ sẽ dễ bị thiếu máu và gây hoa mắt khi đứng lên ngồi xuống. Trung bình, một bé gái từ 14 – 18 tuổi cần khoảng 15 mg sắt mỗi ngày. Bé trai cần khoảng 11mg sắt.

Tác hại của thiếu sắt là cực kỳ đáng quan ngại, bao gồm: Kém phát triển thể chất; hay buồn ngủ, mất tập trung làm gây ảnh hưởng đến kết quả học tập

  • Hạ huyết áp tư thế

Hạ huyết áp tư thế xảy ra khi đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm, là một dạng của huyết áp thấp. Hạ huyết áp này xảy ra phần lớn ở người ở độ tuổi cao. Hạ huyết áp tư thế sẽ kéo dài vài giây đến vài phút sau khi đứng, là một thể nhẹ. Tuy nhiên, hạ huyết áp tư thế đứng lâu dài có thể là một dấu hiệu của nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn, do đó, cần phải trao đổi với bác sĩ nếu bạn bị hoa mắt liên tục.

  • Các bệnh khác

Triệu chứng hoa mắt khi đứng dậy có thể là dấu hiệu ban đầu của nhiều bệnh ở hệ thần kinh, tim mạch, bệnh thiếu máu hoặc xuất huyết đường tiêu hóa...

nguyên nhân hoa mắt
Thường xuyên bị hoa mắt khi đứng dậy là dấu hiệu của nhiều bệnh nghiêm trọng

4. Bị hoa mắt thì phải làm sao?

Nếu bạn đang ở tư thế ngồi hoặc nằm, thì không nên đứng dậy một cách đột ngột. Do khi đứng đột ngột khiến máu nhanh chóng chảy một mạch xuống phần thân dưới, làm cho hệ thần kinh thiếu máu cục bộ, gây hoa mắt chóng mặt. Nên bạn hãy đứng lên từ từ, để máu được lưu thông đồng đều.

Nếu tình trạng này xuất hiện nhiều lần, thì bạn nên đến bệnh viện gặp bác sĩ để tầm soát những nguyên nhân nguy hiểm gây hoa mắt chóng mặt và có hướng điều trị phù hợp nhất.

5. Cách giúp phòng tránh và cải thiện tình trạng

  • Làm xét nghiệm tổng quát để biết bạn có bị thiếu máu hay không. Điều này cung cấp cho bạn một cơ sở để căn chỉnh chế độ ăn uống và sử dụng thuốc nếu cần một cách phù hợp.
  • Lựa chọn những thực phẩm bổ sung sắt cho cơ thể, và hạn chế những đồ ăn không tốt cho sức khỏe như thịt đỏ, cá và thịt gia cầm, nguồn cung cấp sắt ở thực vật như hạt mè đen, hạt đậu, đậu Hà Lan, bông cải xanh, ngũ cốc và bánh mì.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C để giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, giúp tránh được tình trạng ngồi xuống đứng lên chóng mặt như cam, quýt, chanh, bưởi, dâu tây, cà chua,...
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích, hạn chế uống trà và cà phê. Do những đồ uống này làm ảnh hưởng đến hấp thụ sắt, dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt ở tuổi dậy thì.
  • Nếu cần bổ sung thêm sắt từ thuốc đặc biệt là ở trẻ dậy thì thì nên uống sắt đúng cách, theo liều dùng từ bác sĩ tránh trường hợp dư thừa sắt trong cơ thể, và gây ra các vấn đề về sức khỏe khác.
  • Bổ sung vitamin B6, một dưỡng chất rất cần thiết để cơ thể giúp tổng hợp protein và chuyển hóa tế bào máu đỏ. Ngoài ra vitamin B6 còn kích thích hệ thần kinh và hệ miễn dịch giúp chúng hoạt động hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

256.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan