Viêm da tiếp xúc do côn trùng: Triệu chứng và cách điều trị, phòng tránh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm da tiếp xúc do côn trùng là hiện tượng người mắc bị viêm da cấp tính do chất được tiết ra từ côn trùng chạm vào da. Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng thường xuất hiện từ thời điểm tháng 6 tới tháng 9, trong mùa mưa lũ, giao mùa, sau vụ thu hoạch,...

1. Viêm da tiếp xúc do côn trùng là gì?

Viêm da tiếp xúc do côn trùng là trạng thái bị viêm da kích ứng với hóa chất được tiết ra từ côn trùng. Bệnh do phần da con người tiếp xúc đơn thuần với các chất tiết của côn trùng có thể đang sống hoặc đã bị chết.

2. Nguyên nhân gây ra viêm da tiếp xúc do côn trùng

Nguyên nhân gây da viêm da tiếp xúc do côn trùng là do các loài chủ yếu như: Kiến khoang, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít gây nên.

Sau những ngày mưa lũ làm ngập đồng ruộng, ao hồ..., sẽ xuất hiện nhiều côn trùng, chúng sẽ bay theo ánh đèn bay vào nhà, phấn hoặc các chất tiết ra của các loài côn trùng sẽ rơi vào cổ, mặt, thân hoặc vô tình chạm vào côn trùng và chất Pederin có trong côn trùng dây vào da sẽ gây ra viêm da tiếp xúc.

Cũng có thể do côn trùng rơi vào bể tắm, bồn tắm hoặc bám vào khăn, quần áo..., nếu không chú ý, xát phải côn trùng sẽ gây ra viêm da bọng nước. Có trường hợp người bệnh giết côn trùng như: kiến ba khoang chạm lên da và nổi thành bệnh.

viêm da do côn trùng
Chạm vào kiến ba khoang có thể khiến da bị bỏng rát

3. Triệu chứng viêm da tiếp xúc do côn trùng

Sau khi da tiếp xúc với côn trùng sẽ thấy ngứa, rát, nóng bỏng tại chỗ. Sau khoảng 6-12 giờ, tại vùng da tiếp xúc xuất hiện các đám nốt màu đỏ, hơi nề thành vệt, có kích thước từ 1-5cm, rộng khoảng 3-4 mm.

Sau 1-3 ngày sẽ thấy xuất hiện các mụn nước, da đỏ, lấm tấm sau đó xuất hiện những bọng nước và bọng mủ li ti. Kèm theo đó là cảm giác đau rát tăng lên, có thể khiến sốt nhẹ, mệt mỏi, cơ thể khó chịu.

Sau 3-5 ngày, tổn thương khô mà không thành phỏng nước, bọng mủ. Nếu nặng hơn, sẽ làm thương tổn rộng, bọng nước, bọng mủ nông lan rộng sang các vùng xung quanh, có thể trợt loét.

Tổn thương vùng da này còn có thể lây từ vị trí này sang chỗ khác qua tiếp xúc, đặc biệt nếu bị tổn thương ở cạnh nếp gấp như bẹn, khuỷu tay, khoeo chân, nách, cổ... sẽ tạo ra tổn thương dạng đối xứng qua nếp gấp, khiến ngứa ngáy và đau đớn cho người bị.

4. Điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng

Cách điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng rất đơn giản; mức độ khỏi nhanh hay chậm tùy thuộc vào thời điểm phát hiện để điều trị.

Hầu hết viêm da do côn trùng chỉ cần mua tuýp thuốc bôi là có thể giúp dịu da, xẹp vết bọng nước và nhanh chóng khỏi. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc bôi làm dịu da, chống viêm. Nếu để bội nhiễm, người bệnh sẽ phải uống thêm kháng sinh và điều này có thể để lại sẹo.

Các sản phẩm kem bôi khi bị viêm da tiếp xúc do côn trùng để dịu da, sát khuẩn có thể sử dụng như: Kem bôi Fucidin, dung dịch Jarish,

Nếu vùng da tiếp xúc bị viêm lớn, lan rộng, khiến ngứa ngáy và đau đớn, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn, điều trị.

Kem bôi, thuốc bôi
Viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể tự điều trị bằng thuốc bôi da

5. Cách phòng tránh mắc viêm da tiếp xúc do côn trùng

Để phòng tránh mắc viêm da tiếp xúc cho côn trùng, cần chủ động thực hiện các biện pháp để hạn chế tiếp xúc với côn trùng như:

  • Lau dọn nhà cửa thường xuyên, tránh ẩm mốc
  • Phát quang bụi rậm, cây cối xung quanh, vũng nước, cống rãnh vì đây là nơi để côn trùng sản sinh và trú ngụ.
  • Đêm ngủ cần mắc màn, đóng kín cửa để tránh các loài ưu ánh đèn như loài thiêu thân bay vào.
  • Phơi quần áo ở những nơi khô ráo, có ảnh nắng. Thu quần áo sớm để tránh côn trùng ẩn nấp trong đó. Rũ sạch lại quần áo để hạn chế bụi bẩn bám lại.
  • Nếu thấy côn trùng bò trên da, không được lấy tay bắt để tránh chà xát lên vùng da, điều này sẽ khiến chất tiết tiếp xúc với da nhiều hơn.
  • Trước khi đi ngủ, phủi lại giường chiếu, chăn màn để tránh phấn, bụi trên côn trùng còn đọng lại.
  • Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng,
  • Nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở dưới ánh đèn, cần tránh xa. Hoặc lấy vật gì đó để giết, không được trực tiếp để da chạm vào loại kiến này. Nếu bị cắn hay lỡ tay đập chết chúng trên da mình thì cần rửa bằng nước sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng xà phòng. Sau đó đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Dị ứng da hay viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể điều trị dễ dàng bằng các loại kem bôi ngoài da. Tuy nhiên, không được chủ quan bởi nếu không vệ sinh sạch sẽ vùng da bị viêm hoặc điều trị muộn có thể khiến viêm nặng hơn, vùng viêm lan rộng, thời gian điều trị lâu hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

36.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan