Vitamin B6 và bệnh đa dây thần kinh

Vitamin B6 thường có sẵn trong thức ăn và không cần uống thêm. Tuy nhiên, vitamin B6 được dùng trong dự phòng bệnh đa dây thần kinh và điều trị lao. Ngoài ra, thừa hoặc thiếu vitamin B6 cũng đều dẫn tới bệnh đa dây thần kinh.

1. Vitamin B6

Vitamin B6 hay pyridoxine là một vitamin hòa tan trong nước có sẵn trong nhiều loại thức ăn, đặc biệt là ngũ cốc, trái cây, thịt gà,... Dạng hoạt động của vitamin B6 là pyridoxal phosphate. Đây là một coenzym chuyển hóa các acid amin, methionine và tryptophan, đóng vai trò trong quá trình chuyển amin và khử carboxyl của các acid amin. Bên cạnh đó, pyridoxine có liên quan tới sinh tổng hợp của các chất dẫn truyền thần kinh như dopamin, GAGB, các catecholamines và serotonin.

Pyridoxine được sử dụng để dự phòng bệnh đa dây thần kinh ngoại biên. Tuy nhiên, vitamin B6 rất đặc biệt vì nếu thừa hay thiếu đều dẫn tới bệnh đa dây thần kinh ngoại biên. Đây chính là con dao 2 lưỡi nếu sử dụng bừa bãi. Liều lượng hàng ngày được khuyến cáo của vitamin B6 ở người lớn là 2mg và đối với trẻ em là 0,9 - 1,6 mg.

Vitamin B6 có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, cá hồi
Vitamin B6 hay pyridoxine là một vitamin hòa tan trong nước có sẵn trong nhiều loại thức ăn, đặc biệt là ngũ cốc, trái cây, thịt gà,...

2. Bệnh đa dây thần kinh do vitamin B6

2.1 Bệnh đa dây thần kinh

Bệnh đa dây thần kinh là bệnh lý thần kinh ngoại vi lan tỏa thường đối xứng 2 bên và không bị giới hạn trong 1 dây thần kinh hoặc 1 chi. Bệnh đa dây thần kinh thường được phân loại theo khu vực rối loạn chức năng bao gồm:

  • Bệnh lý myelin
  • Mạch máu cung cấp cho sợi trục
  • Sợi trục

Bệnh đa dây thần kinh thường xuất hiện các triệu chứng đột ngột hoặc tiến triển chậm, trở nên mãn tính phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bệnh gây ảnh hưởng chủ yếu đến sợi cảm giác, sợi vận động, và có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh sọ. Đa dây thần kinh có thể mắc phải hoặc di truyền.

2.2 Bệnh đa dây thần kinh do thiếu vitamin B6

Thiếu vitamin B6 thường xảy ra khi bị thiểu dưỡng, nghiện rượu, những bà mẹ bị thiếu vitamin B6 sẽ dẫn tới trẻ sơ sinh bị thiếu. Ngoài ra, có thể gặp ở một số bệnh nhân sử dụng các loại thuốc có tính đối kháng với B6 như hydralazine, isoniazid, và D-penicillamine.

Bệnh đa dây thần kinh do thiếu vitamin B6 thường gặp ở bệnh nhân đang điều trị lao bằng isoniazid và có thể dự phòng bằng bổ sung đồng thời với vitamin B6. Thiếu vitamin B6 gây bệnh đa dây thần kinh thể vận động và cảm giác, cân xứng cả 2 bên, bệnh nhân có triệu chứng đau và tê bì, sau đó là yếu cơ và teo. Phản xạ gân xương ở ngọn chi bị mất và tất cả các loại cảm giác cũng đều mất đi. Bằng phương pháp chẩn đoán điện cho thấy bệnh đa dây thần kinh với tổn thương sợi trục chiếm nhiều hơn. Ngoài ra, có thể chẩn đoán bằng cách định lượng nồng độ pyridoxine trong huyết thanh.

2.3 Bệnh đa dây thần kinh do nhiễm độc vitamin B6

Bệnh đa dây thần kinh xảy ra do bổ sung quá mức vitamin B6 dạng thuốc. Nhiều bệnh nhân điều trị đa dây thần kinh bằng cách bổ sung các vitamin B6, nhưng không nên dùng vitamin B6 liều cao vì có thể làm bệnh nặng thêm.

Vitamin tổng hợp
Bệnh đa dây thần kinh xảy ra do bổ sung quá mức vitamin B6 dạng thuốc

Cơ chế bệnh đa dây thần kinh do nhiễm độc vitamin B6 hiện vẫn chưa rõ. Sử dụng kéo dài liều lượng uống từ 1-6g pyridoxine trong một ngày và kéo dài trong 12-40 tháng sẽ gây bệnh đa dây thần kinh cảm giác và làm nặng lên. Bệnh có đặc trưng bởi rối loạn cảm giác, có thể xảy ra ở 2 tay, hai chân. Bệnh nhân đi kiểu dạng chân, lảo đảo do mất điều cảm giác, tuy nhiên, sức cơ thường vẫn bình thường. Khi khám thần kinh thấy giảm cảm giác rung và cảm giác thụ bản thể. Phản xạ gân xương giảm hoặc mất, một số bệnh nhân có dấu hiệu lhermitte. Mức độ nặng của triệu chứng phụ thuộc vào liều sử dụng, và triệu chứng sẽ thuyên giảm hoặc ngừng lại nếu dừng uống thuốc.

Ngoài ra, các triệu chứng khác khi dùng vitamin B6 quá liều bao gồm:

  • Đau
  • Tổn thương biến dạng da
  • Nhạy cảm với ánh sáng tăng
  • Buồn nôn, nôn, ợ hơi.

Bệnh đa dây thần kinh do nhiễm độc vitamin B6 thường là thể sợi trục cảm giác. Khi sinh thiết dây thần kinh cho thấy tất cả các sợi có đường kính khác nhau bị tổn thương, dẫn tới thoái hóa cả bó cảm giác ngoại biên lẫn bó cảm giác trung ương.

Tóm lại, vitamin B6 là loại có sẵn trong thức ăn và người bình thường không cần uống bổ sung vitamin B6. Chỉ những người đang điều trị lao, và dự phòng bệnh đa dây thần kinh mới cần bổ sung vitamin B6. Liều lượng vitamin B6 được dùng để phòng ngừa bệnh đa dây thần kinh là 25-100 mg/ngày. Nếu sử dụng liều lượng quá cao và kéo dài thì cũng dẫn tới bệnh đa dây thần kinh. Nếu thiếu vitamin B6 dẫn tới bệnh đa dây thần kinh với tổn thương sợi trục, cả cảm giác lẫn vận động. Bệnh đa dây thần kinh do quá thừa vitamin B6 có đặc trưng là bệnh đa dây thần kinh thể sợi trục cảm giác.

nhạy cảm với ánh sáng
Nhạy cảm với ánh sáng tăng là một trong nhiều triệu chứng khi dùng vitamin B6 quá liều

Để biết tình trạng sức khỏe bản thân và cơ thể có đang bị thiếu vitamin B6 hay không thì người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám sức khỏe định kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan