Suy hô hấp cấp ở trẻ sinh non: Nguy cơ và biến chứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Cẩm Vân - Bác sĩ sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác đã có kinh nghiệm 07 năm làm Bác sĩ nội trú và Bác sĩ điều trị Nhi - Sơ sinh tại Bệnh viện Trung Ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược Huế. Đặc biệt, bác có thế mạnh về chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh, hồi sức sơ sinh, bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa, truyền nhiễm.

Hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là bệnh màng trong, là tình trạng thường gặp nhất ở trẻ sinh non. Bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ sau này, thậm chí, nguy hiểm hơn là cướp đi tính mạng của trẻ nếu không kịp thời phát hiện và điều trị sớm.

1. Màng trong là gì? Có giống với suy hô hấp cấp không?

Bệnh màng trong hay còn gọi là suy hô hấp cấp ở trẻ sinh non, là tình trạng mà phổi của trẻ sinh non chưa thực sự trưởng thành, chất giảm hoạt bề mặt sẽ chưa hoàn thiện. Khi thiếu chất này, phế nang sẽ bị xẹp, dẫn đến hiện tượng huyết tương tràn vào phế nang, chất fibrin của huyết tương lắng đọng phía trong của các phế nang và các tiểu phế quản, tạo thành một lớp màng, gọi là màng trong. Màng này cản trở sự lưu thông khí và sự trao đổi oxy, lúc này CO2 từ phế nang qua các mao mạch dẫn đến suy hô hấp cấp ở trẻ và gây tử vong nhanh.

2. Nguy cơ suy hô hấp cấp ở trẻ sinh non

Suy hô hấp cấp trẻ sinh non thường xuất hiện vài phút đến hai giờ sau khi chào đời, biểu hiện thường là hội chứng suy hô hấp nặng như trẻ khó thở, thở nhanh nông, nhịp thở trên 60 lần/phút; các khoang liên sườn, hõm trên ức co kéo, cánh mũi phập phồng, toàn thân tím tái; thở oxy không đỡ. Ở thể nhẹ và được điều trị đúng, trẻ có thể khỏe dần sau 72 giờ, các triệu chứng cũng giảm dần.

Nguyên nhân trẻ bị suy hô hấp cấp là do:

  • Trẻ đẻ non dưới 28 tuần, tỷ lệ mắc bệnh là 50 - 60%, nhất là cân nặng của trẻ dưới 1.000g hoặc trẻ sinh đôi.
  • Trẻ mắc một số tổn thương hệ thần kinh trung ương như: Viêm não, viêm màng não, sang chấn sọ não, xuất huyết não, viêm phế quản, viêm phổi, bị tắc lỗ mũi sau hoặc có các chướng ngại vật ở đường hô hấp như đờm dãi, sữa,...
  • Mẹ bị xuất huyết trước sinh, trẻ bị hạ thân nhiệt.
  • Nếu mẹ sinh mổ mà chưa chuyển dạ, cũng là nguyên cơ khiến trẻ bị suy hô hấp do quá trình chuyển dạ phóng thích các hoóc môn kích thích sản xuất và phóng thích surfactant, dẫn đến tăng tái hấp thu dịch phổi qua hệ bạch huyết phổi.
  • Trong thời gian chuyển dạ, mẹ chuyển dạ lâu, băng huyết, thai bị suy cấp hoặc đẻ ra bị ngạt.
  • Trong thời kỳ có thai, mẹ bị bệnh đái tháo đường hoặc điều trị một bệnh nào đó bằng corticoide kéo dài.
  • Bệnh có thể do yếu tố gen di truyền, tức trong gia đình, một số phụ nữ con sinh ra bị mắc bệnh màng trong thì có nguy cơ cao sinh con bị bệnh lý này ở lần sinh sau.
suy-ho-hap-cap-o-tre-sinh-non-1
Suy hô hấp cấp ở trẻ sinh non thường xuất hiện vài phút đến hai giờ sau khi chào đời

3. Biến chứng của suy hô hấp ở trẻ sinh non

Suy hô hấp ở trẻ sinh non có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển bình thường của bé. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, còn có một số biến chứng như:

  • Mù mắt
  • Nhiễm trùng máu
  • Hạ đường huyết
  • Hình thành cục máu đông trong cơ thể của bé
  • Chậm phát triển trí tuệ
  • Tích tụ không khí xung quanh phổi và tim
  • Chảy máu não, thiếu oxy não
  • Loạn sản phế quản phổi
  • Viêm phổi, chảy máu phổi.

Suy hô hấp nặng cũng có thể dẫn đến suy thận và tình trạng các cơ quan khác phát triển không đúng cách. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh, các biến chứng gặp phải ở từng trẻ sẽ khác nhau. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để có giải pháp điều trị tốt nhất cho những biến chứng mà bé đang gặp phải.

4. Biện pháp phòng ngừa suy hô hấp cấp ở trẻ sinh non

Để phòng tránh trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp nặng, điều quan trọng là:

  • Khi mang thai, thai phụ phải đảm bảo sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, lao động phù hợp.
  • Khám theo dõi thai đều đặn để được tư vấn chăm sóc tốt, phát hiện sớm những nguy cơ để hạn chế tối đa tình trạng sinh non, sinh con nhẹ cân.
  • Khi sinh, sản phụ phải đến cơ sở y tế, tuyệt đối không sinh con tại nhà mà cần được nữ hộ sinh hoặc bác sĩ chuyên sâu đỡ đẻ.
  • Sau sinh, sản phụ và người chăm sóc trẻ cần biết cách theo dõi trẻ, phát hiện những bất thường để xử lý kịp thời.
  • Các thai phụ có nguy cơ như phải mổ lấy thai, thời gian chuyển dạ quá lâu, bị băng huyết, mang đa thai, bị bệnh đái tháo đường,... cần được các bác sĩ chuyên khoa khám quản lý và theo dõi chặt chẽ để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan