Tránh thai bằng thuốc uống và thuốc tiêm: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ thảo luận về lợi ích và nguy cơ của thuốc tiêm và thuốc uống, cũng như các phương pháp để chọn lựa biện pháp tránh thai phù hợp.

1. Tránh thai bằng thuốc uống

Viên uống tránh thai là một phương pháp tránh thai nội tiết được sử dụng rất phổ biến. Viên uống còn được chỉ định để điều trị giảm lượng máu kinh, trị mụn và điều hòa các triệu chứng của các vấn đề nhất định liên quan đến cơ quan sinh sản.

Tránh thai
Viên uống tránh thai

Viên uống tránh thai bao gồm thuốc tránh thai nội tiết kết hợp và viên chỉ có progestin. Thuốc tránh thai nội tiết kết hợp chứa hóc môn progestin và estrogen. Thuốc tránh thai nội tiết kết hợp bao gồm 03 tuần với viên có chứa hóc môn và 01 tuần với giả dược. Trong tuần thuốc giả dược, bạn sẽ hành kinh. Viên chỉ chứa progestin thường đóng gói với 28 viên chứa hóc môn, mặc dù không chứa giả dược, bạn vẫn sẽ có kinh trong tuần thứ 4 dùng thuốc.

Viên uống tránh thai hoạt động theo hai cách.

  • Đầu tiên, hóc môn trong viên thuốc ngăn buồng trứng phóng trứng (rụng trứng). Nếu không có trứng, tinh trùng không thể thụ tinh.
  • Thứ hai, hóc môn tăng tiết chất nhầy xung quanh cổ tử cung. Khi những chất này đủ dày, tinh trùng sẽ bị ngăn trước khi tiếp cận được trứng. Hóc môn cũng làm mỏng niêm mạc tử cung. Một quả trứng bằng cách nào đó được thụ tinh, thì lớp niêm mạc mỏng khiến trứng không thể bám vào niêm mạc và làm tổ.

Theo Planned Parenthood, khi được uống theo hướng dẫn, viên uống tránh thai hiệu quả hơn 99 phần trăm. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ thường lại sử dụng thuốc không đúng cách, tức quên một hoặc hai liều, bị trễ khi dùng vỉ thuốc mới, hoặc những vấn đề khiến cô ấy không uống thuốc vào đúng một thời điểm trong ngày. Với cách sử dụng thuốc không đúng cách này, viên thuốc tránh thai chỉ có 91 phần trăm hiệu quả.

Một điều quan trọng nữa là viên uống tránh thai không thể bảo vệ bạn trước bệnh lây qua đường tình dục. Các biện pháp rào chắn như bao cao su được khuyến cáo sử dụng.

Một khi bạn ngừng uống thuốc tránh thai, gần như ngay lập tức chu kì của bạn sẽ quay trở lại. Bạn có thể có một kỳ kinh bình thường đầu tiên trở lại trong vòng 02 tháng sau khi dừng thuốc.

2. Tránh thai bằng thuốc tiêm

Tránh thai
Tránh thai bằng thuốc tiêm

Thuốc tiêm tránh thai Depo-Provera là thuốc tiêm nội tiết ngừa thai ngoài ý muốn trong vòng 03 tháng với một mũi tiêm duy nhất. Hóc môn được sử dụng là progestin.

Thuốc tiêm tránh thai cũng hoạt động dựa trên cơ chế tương tự với viên uống tránh thai. Nó ngăn sự rụng trứng và tăng chất nhầy ở lối vào cổ tử cung

Theo Planned Parenthood, khi được sử dụng đúng cách, mũi tiêm có tác dụng lên đến 99 phần trăm. Để đảm bảo hiệu quả mong muốn, các bạn nữ nên tiêm thuốc tránh thai mỗi 03 tháng theo khuyến cáo. Nếu bạn nữ tiêm thuốc đúng thời điểm, tỷ lệ mang thai là 1 trong 100 trong một năm dùng thuốc.

Đối với các bạn nữ không dùng thuốc chính xác như hướng dẫn – thường được gọi là sử dụng thuốc không đúng cách – tỷ lệ an toàn trượt xuống 94 phần trăm. Tiêm thuốc mỗi 12 tuần là vô cùng quan trọng để đảm bảo tác dụng ngừa thai.

Cũng giống như viên uống tránh thai, thuốc tiêm tránh thai không thể bảo vệ bạn trước các bệnh lây qua đường tình dục. Bạn vẫn nên sử dụng biện pháp rào chắn để phòng bệnh nhé!

Sau mũi tiêm cuối cùng, khả năng sinh sản và mang thai của bạn sẽ chưa quay lại trong 10 tháng tiếp theo. Nếu bạn chỉ cần một biện pháp tránh thai tạm thời và mong có thai sớm, thuốc tiêm tránh thai có lẽ không phù hợp với bạn.

3. Tác dụng phụ của viên uống và thuốc tiêm ngừa thai

Cả viên uống và thuốc tiêm ngừa thai đều an toàn cho phụ nữ. Cũng như bất kỳ loại thuốc nào khác, những biện pháp tránh thai này sẽ có tác dụng lên cơ thể người dùng. Cả viên uống và thuốc tiêm tránh thai đều đưa một lượng hóc môn cao hơn vào cơ thể. Bất kỳ lúc nào nội tiết cơ thể bị can thiệp, người dùng đều có nguy cơ bị các tác dụng phụ liên quan.

Đối với thuốc uống, các tác dụng phụ bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo, hoặc chảy máu trong lúc đang uống viên thuốc chứa hóc môn
  • Đau tức ngực
  • Ngực nhạy cảm
  • Ngực căng
  • Buồn nôn, nôn.
Tránh thai
Buồn nôn, nôn là tác dụng phụ của viên uống tránh thai

Hầu hết các tác dụng phụ này sẽ tự đỡ trong vòng 2 đến 3 tháng từ lúc bắt đầu dùng thuốc.

Đối với thuốc tiêm, các tác dụng phụ bao gồm:

  • Kinh nguyệt không đều, thường kinh nguyệt sẽ dày lên trong vòng 6-12 tháng sau mũi tiêm đầu tiên
  • Tăng chảy máu âm đạo hoặc rong kinh
  • Thay đổi khẩu vị
  • Tăng cân
  • Thay đổi thói quen tình dục và sở thích
  • Buồn nôn
  • Căng đau ngực
  • Đau đầu
  • Thay đổi tâm trạng
Tránh thai
Đau đầu là tác dung phụ của thuốc tiêm tránh thai

4. Những yếu tố nguy cơ


Mặc dù viên uống và thuốc tiêm tránh thai đều rất an toàn cho hầu hết phụ nữ, có một số trường hợp bác sĩ không chỉ định vì an toàn của bệnh nhân. Bạn không nên uống viên tránh thai nếu:

  • Bị rối loạn đông máu di truyền hoặc tiền sử huyết khối
  • Bị đau đầu migraine có thoáng báo (Aura)
  • Có bệnh sử nhồi máu cơ tim hoặc vấn đề nghiêm trọng về tim
  • Hút thuốc hoặc hơn 35 tuổi
  • Bị chẩn đoán bệnh Lupus
  • Bị tiểu đường không điều trị hoặc bị tiểu đường hơn 20 năm.

Bạn không nên sử dụng thuốc tiêm tránh thai nếu:

  • Bị ung thư vú
  • Đang uống aminoglutethimide để điều trị hội chứng Cushing
  • Bị loãng xương hoặc xương dễ gãy

Khi bạn nữ đã sẵn sàng ra quyết định lựa chọn biện pháp tránh thai, bạn cần thăm khám với chuyên gia. Với sự hỗ trợ chuyên môn, bạn có thể cân nhắc các lựa chọn và loại trừ các biện pháp không phù hợp. Sau đó, bạn có thể tìm đúng mục tiêu và chọn được biện pháp phù hợp nhất. Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Acog.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

168.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan