Ung thư di căn có nghĩa là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thiện Quang - Bác sĩ Nội ung Bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám, chẩn đoán các bệnh lý ung bướu và các phương thức điều trị xạ trị, hóa trị, điều trị đích và Chăm sóc giảm nhẹ.

Một số người nhận thức rằng rất khó để chữa khỏi ung thư di căn, và họ coi mục tiêu điều trị bệnh của mình là để giảm nhẹ nỗi đau, nâng cao chất lượng cuộc sống, đối phó với các tác dụng phụ từ ung thư hoặc từ việc điều trị và kéo dài thời gian sống lâu nhất có thể.

1. Ung thư di căn là gì?

Di căn là một thuật ngữ thường được sử dụng trong y học để nói về sự di chuyển của các tế bào ung thư sang các bộ phận, khu vực khác trong cơ thể. Nhìn chung, ung thư di căn có đặc điểm và tính chất gần giống với ung thư nguyên phát (ung thư chưa di căn, vẫn nằm ở vị trí ban đầu); tuy nhiên mức độ phát tán và nguy hiểm của chúng lớn hơn rất nhiều.

Ung thư di căn có cùng tên gốc với ung thư nguyên phát. Một ví dụ cụ thể đó là khi bị ung thư gan, các tế bào ung thư lây lan và phát triển sang phổi sẽ được gọi là ung thư gan di căn hoặc ung thư gan di căn sang phổi, chứ không phải gọi là ung thư phổi.

2. Ung thư di căn phát triển như thế nào?

Di căn phát triển khi các tế bào ung thư tách ra khỏi khối u chính và xâm nhập vào hệ thống máu, hệ bạch huyết hoặc các mô xung quanh. Các hệ thống này mang chất lỏng xung quanh cơ thể. Các tế bào ung thư có thể di chuyển xa khỏi khối u ban đầu và hình thành các khối u mới khi chúng định cư và phát triển ở một bộ phận khác của cơ thể. Phải sau vài năm tồn tại và phát triển, người bệnh mới phát hiện ra mình bị ung thư di căn.

Ung thư di căn
Di căn phát triển khi các tế bào ung thư tách ra khỏi khối u chính và xâm nhập vào hệ thống máu

Hầu hết các tế bào ung thư đều có khả năng di căn. Khi các tế bào ung thư di chuyển đến màng bụng hoặc màng phổi có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm như tràn dịch phổi, khó thở hoặc chảy máu đường hô hấp. Một số vị trí di căn điển hình bao gồm:

  • Ung thư vú có xu hướng lan đến xương, gan, phổi, thành ngực và não
  • Ung thư phổi có xu hướng lan đến não, xương, gan và tuyến thượng thận
  • Ung thư tuyến tiền liệt có xu hướng lan đến xương
  • Ung thư đại tràng và trực tràng có xu hướng lan đến gan và phổi

3. Một số triệu chứng của ung thư di căn

Nhìn chung, ung thư di căn thường không biểu lộ rõ các triệu chứng một cách rõ rệt. Các triệu chứng xảy ra khi bị ung thư di căn có thể phụ thuộc vào vị trí và kích cỡ của khối u đó trong cơ thể. Dưới đây là tổng hợp một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh nhân bị ung thư di căn:

  • Di căn ở xương: gây đau hoặc gãy xương
  • Di căn ở não: gây nhức đầu, chóng mặt hoặc co giật
  • Di căn ở gan: gây vàng da, tràn dịch trong bụng
  • Di căn ở phổi: gây khó thở hoặc ho ra máu.

Có lẽ đau sẽ là dấu hiệu đầu tiên của ung thư, nhưng có nhiều bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào của tình trạng di căn.

4. Ung thư di căn là giai đoạn nào?

Có thể nói, việc xác định các giai đoạn của ung thư là hết sức quan trọng, nó thể hiện sự đánh giá về quá trình lây lan của bệnh. Chính vì vậy, nó được coi là tiền đề giúp bác sĩ dựa vào đó để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân cũng như tiên lượng sắp tới của người bệnh.

Một hệ thống thường dùng để phân chia các giai đoạn của bệnh ung thư được gọi là hệ thống TNM:

  • T (Tumour)- khối u nguyên phát: để chỉ kích thước của khối u và khoảng cách nó đã lan truyền vào mô gần đó. T được đánh số từ 1-4, chỉ số càng lớn thì kích thước khối u càng lớn.
  • N ( Node)- hạch bạch huyết: xác định bệnh ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở xung quanh hay chưa và lan xa đến mức nào. N được đánh số từ 0-3, N0 tức là chưa lan tới hạch bạch huyết nào, N3 có nghĩa là đã có rất nhiều hạch bạch huyết chứa tế bào ung thư.
  • M (Metastasis)- di căn: đánh giá bệnh ung thư đã lan sang các phần khác của cơ thể hay chưa. M0 là ung thư chưa di căn; M1 là ung thư đã di căn.

Dựa vào sự kết hợp của các chỉ số từ hệ thống TNM, bác sĩ sẽ quy ra từng giai đoạn cụ thể của bệnh:

  • Giai đoạn I: là giai đoạn chưa di căn, chỉ có những khối ung thư tương đối nhỏ và chỉ có trong cơ quan mà nó bắt đầu.
  • Giai đoạn II: khối u đã lớn hơn nhưng chưa bắt đầu lan rộng vào các mô xung quanh.
  • Giai đoạn III: khối ung thư lớn hơn và bắt đầu lan vào các mô xung quanh, các tế bào ung thư đã có trong hạch bạch huyết lân cận.
  • Giai đoạn IV: ung thư đã di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể.

5. Ung thư di căn được điều trị như thế nào?

Ung thư di căn
Liệu pháp miễn dịch và xạ trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư di căn

Điều trị ung thư di căn còn tùy thuộc vào loại ung thư, các lựa chọn điều trị có sẵn và mong muốn. Nó cũng phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe nói chung, cách điều trị mà bạn đã thực hiện trước đây và một vài yếu tố khác. Phương pháp điều trị ung thư di căn bao gồm phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp hormone, liệu pháp miễn dịch và xạ trị.

6. Mục tiêu điều trị ung thư di căn là gì?

Đối với nhiều người bị ung thư, mục tiêu điều trị là cố gắng chữa ung thư, tức là họ muốn thoát khỏi ung thư và muốn ung thư không bao giờ quay trở lại nữa. Tuy nhiên, để chữa khỏi ung thư di căn là một điều hết sức khó khăn. Bởi vì khi các tế bào ung thư di căn đã phát triển mạnh mẽ trong cơ thể sẽ rất khó để kiểm soát và giảm nhẹ tốc độ lây lan của chúng. Điều trị ung thư di căn còn phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe cũng như bệnh trạng (loại ung thư nguyên phát) của người bệnh.

Khi bị mắc ung thư di căn, nên xác định rằng sẽ phải chung sống với nó lâu dài. Các bác sĩ thường coi đó như là một căn bệnh mãn tính giống như một số bệnh mãn tính khác như tiểu đường, suy tim sung huyết hoặc bệnh đa xơ cứng. Điều quan trọng là cần tuân theo kế hoạch điều trị của mình để kiểm soát ung thư di căn một cách tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Cancer.net

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

71.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan