Viêm họng nhiễm khuẩn: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. BSCKI. Lê Văn Quảng là chuyên gia về lĩnh vực Tai Mũi Họng với 15 năm kinh nghiệm.

Khi thời tiết chuyển mùa với các đợt không khí lạnh tràn về, bệnh viêm họng nhiễm khuẩn có cơ hội bùng phát. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân viêm họng do vi khuẩn có thể phải đối diện với nguy cơ nhiễm trùng tai, viêm xoang, sốt thấp khớp (ảnh hưởng tới khớp và van tim) hay viêm cầu thận,...

1. Viêm họng do nhiễm khuẩn là gì?

Viêm họng do nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn streptococcus pyogenes (liên cầu khuẩn nhóm A). Vi khuẩn streptococcus sau khi xâm nhập vào họng sẽ gây nhiễm khuẩn ở amidan hoặc niêm mạc họng với những biểu hiện như đau họng đột ngột, sốt, khó nuốt,... Bệnh viêm họng liên cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên 5 – 15 tuổi. Những người có hệ miễn dịch suy yếu cũng hay mắc phải căn bệnh này.

2. Con đường lây truyền viêm họng nhiễm khuẩn

Viêm họng nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra, có sự lây truyền rất nhanh từ người này sang người khác. Sự lây truyền liên cầu khuẩn có thể xảy ra theo các con đường sau:

  • Tiếp xúc gần với người bị viêm họng nhiễm khuẩn khi họ ho hoặc hắt hơi;
  • Dùng chung thức ăn, nước uống với bệnh nhân viêm họng nhiễm khuẩn;
  • Tay chạm vào các đồ vật có liên cầu khuẩn như tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, bàn phím máy tính,... rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

3. Triệu chứng viêm họng nhiễm khuẩn

Viêm họng liên cầu ở trẻ thường có những biểu hiện sau:

  • Xuất hiện đốm trắng bất thường trong họng: Gây đau rát, ngứa ngáy cổ họng. Liên cầu khuẩn thường hình thành những đốm, vệt trắng trong họng và 2 bên amidan và làm amidan sưng đỏ;
  • Sốt: Bệnh nhân viêm họng do liên cầu khuẩn thường sốt cao trên 38°C. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người bệnh viêm họng liên cầu khuẩn không sốt hoặc sốt rất nhẹ;
  • Sưng hạch cổ: Viêm họng do liên cầu khuẩn có thể gây sưng đau hạch bạch huyết ở cổ. Hạch bạch huyết là nơi tập trung các tế bào bạch huyết, tấn công và tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập. Khi một vị trí nào đó trong cơ thể bị viêm, hạch bạch huyết gần nhất sẽ có xu hướng sưng đau. Và trong trường hợp này là viêm họng do liên cầu khuẩn;
Viêm họng nhiễm khuẩn: Những điều cần biết
Viêm họng do liên cầu khuẩn có thể gây sưng đau hạch bạch huyết ở cổ
  • Đau họng: Viêm họng do liên cầu khuẩn gây đau họng dữ dội và dai dẳng, có thể khiến bệnh nhân không chịu được. Trong một số trường hợp, liên cầu khuẩn còn có thể khiến bệnh nhân đau họng gây khó nuốt đến mức chán ăn, buồn nôn,...;
  • Phát ban: Một số trường hợp mắc viêm họng nhiễm khuẩn có triệu chứng phát ban. Phát ban thường xảy ra ở vùng cổ hoặc ngực, lan tới những vùng ít vận động của cơ thể. Khi sờ vào vùng phát ban sẽ cảm thấy có các hạt nổi li ti. Nếu toàn thân người bệnh bị phát ban thì cần được theo dõi chặt chẽ;
  • Triệu chứng khác: Đau dạ dày, đau cơ và cứng cơ, khó thở, thở gấp, nước tiểu đậm màu sau 1 tuần viêm họng. Triệu chứng nước tiểu đậm màu cần theo dõi kỹ vì đây là trường hợp biến chứng nghiêm trọng khi thận bị sưng do liên cầu khuẩn.

4. Biến chứng của viêm họng liên cầu khuẩn

Viêm họng nhiễm khuẩn là bệnh lý thường gặp (chiếm 5 - 10% các trường hợp mắc viêm họng), tuy ít phổ biến hơn viêm họng virus (chiếm 40 - 80% các trường hợp mắc bệnh) nhưng thường nghiêm trọng hơn và hay tái phát.

Nếu không được điều trị kịp thời hay không được dùng đúng thuốc kháng sinh, khuẩn liên cầu có thể đi vào máu, tới tim hay các cơ quan khác trong cơ thể và dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng. Cụ thể, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm amidan,... Đặc biệt, các biến chứng nghiêm trọng nhất của viêm họng do vi khuẩn là sốt thấp khớp (ảnh hưởng tới khớp và van tim), viêm cầu thận,...

5. Phương pháp chẩn đoán viêm họng nhiễm khuẩn

Viêm họng nhiễm khuẩn: Những điều cần biết
Phương pháp chẩn đoán viêm họng nhiễm khuẩn

Đầu tiên, bác sĩ chẩn đoán viêm họng do nhiễm khuẩn dựa trên các triệu chứng hoặc khám lâm sàng. Sau đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh sau khi thực hiện các phương pháp sau:

  • Lấy mẫu dịch từ cổ họng: Nhằm xác định có sự hiện diện của vi khuẩn streptococcus pyogenes hay không;
  • Xét nghiệm kháng nguyên: Thực hiện khi kết quả từ việc lấy mẫu dịch không đáp ứng được yêu cầu của bác sĩ.

6. Điều trị viêm họng liên cầu

Nếu được chẩn đoán mắc viêm họng do nhiễm khuẩn, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng kháng sinh 7 - 10 ngày. Tình trạng bệnh sẽ đỡ dần trong 1 - 2 ngày đầu sử dụng thuốc nhưng người bệnh cần uống đủ liều để đảm bảo tiêu diệt sạch vi khuẩn.

Các loại thuốc điều trị viêm họng do nhiễm khuẩn gồm:

  • Nhóm thuốc kháng sinh: Sử dụng chủ yếu trong điều trị viêm họng nhiễm khuẩn, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và ngăn ngừa biến chứng. Các thuốc kháng sinh có thể sử dụng ở dạng thuốc viên hoặc thuốc tiêm. Các thuốc thường được sử dụng gồm: nhóm thuốc beta-lactam (amoxicillin kết hợp với axit clavulanic, cephalexin, ceftriaxone,...) và nhóm thuốc macrolid (erythromycin, clarithromycin, azithromycin,...);
  • Nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt: Gồm paracetamol, aspirin, được dùng để làm giảm các triệu chứng do viêm họng gây ra như đau họng, khó nuốt, sốt,...;
  • Nhóm thuốc kháng viêm NSAID: Gồm ibuprofen, diclophenac,... được dùng để làm giảm các triệu chứng viêm như sưng, nóng, đỏ, đau do viêm họng gây ra;
  • Nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid: Gồm prednisolon, dexamethason, betamethason,... được sử dụng trong điều trị viêm họng nặng;
  • Dung dịch nước súc miệng: Thành phần thường có chứa các chất kháng khuẩn, kháng viêm và chất gây tê cục bộ, giúp giảm đau và loại bỏ vi khuẩn ra khỏi miệng;
  • Thuốc viên ngậm trị đau họng: Có tác dụng chính là giảm đau và trị nhiễm khuẩn miệng, họng. Thành phần của thuốc thường có chứa kháng sinh, chất kháng viêm và gây tê cục bộ.

Lưu ý:

  • Không sử dụng thuốc aspirin cho trẻ em vì có thể gây ra hội chứng Reye (dạng bệnh lý não - gan) rất nguy hiểm;
  • Không sử dụng thuốc giảm đau aspirin, nhóm thuốc corticosteroid và nhóm thuốc kháng viêm non-steroid cho bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng;
  • Khi sử dụng thuốc kháng sinh, người bệnh cần tuân thủ đúng thời gian của phác đồ điều trị, tránh tự ý ngừng thuốc vì sẽ gây ra nguy cơ đề kháng kháng sinh sau này;
  • Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để tránh gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng thuốc.

7. Phòng ngừa và ngăn chặn diễn tiến của viêm họng nhiễm khuẩn

Viêm họng nhiễm khuẩn: Những điều cần biết
Ngăn chặn diễn tiến của viêm họng nhiễm khuẩn xung quanh
  • Liên cầu khuẩn rất dễ lây nhiễm nên người bệnh cần phải rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho và không dùng chung đồ với người khác;
  • Bệnh nhân nên thay bàn chải ngay sau khi phát hiện nhiễm liên cầu khuẩn;
  • Bệnh nhân nên ăn những thức ăn mềm như ngũ cốc, soup, khoai tây nghiền và sữa chua. Đồng thời, người bệnh không nên ăn cay, thực phẩm cứng để tránh gây kích thích cổ họng đang bị viêm;
  • Để giảm đau họng khi mắc viêm họng do liên cầu khuẩn, bệnh nhân nên súc miệng bằng nước muối, xông mũi bằng nước ấm vài lần/ngày, chườm ấm vùng cổ họng bằng túi chườm chuyên dụng hoặc khăn thấm nước nóng;
  • Bổ sung thêm nước, tránh đồ uống họ cam, quýt vì có thể gây kích thích họng bị viêm.

Viêm họng nhiễm khuẩn có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường. Vì vậy, khi có triệu chứng của bệnh như đau họng, sốt, sưng hạch cổ,... người bệnh nên sớm đi khám để được chẩn đoán chính xác và có phương hướng điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

93.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan