Viêm phế quản - Hen phế quản khác nhau thế nào?

Hen suyễn và viêm phế quản có một số triệu chứng giống nhau như ho, khó thở, khò khè, nặng ngực. Tuy nhiên, đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau, người bệnh cần phân biệt hen suyễn và viêm phế quản về nguyên nhân gây bệnh, diễn biến bệnh, cách chẩn đoán cũng như cách điều trị bệnh.

1. Đặc điểm chung của hen suyễn và viêm phế quản

Phế quản là một ống dẫn khí có chức năng dẫn khí vào phổi. Khi có các yếu tố tác động từ môi trường như thay đổi nhiệt độ, ô nhiễm, sự tấn công của vi khuẩn, vi rút hoặc tiếp xúc với các yếu tố kích thích sẽ dẫn đến tình trạng viêm đường hô hấp.

Điểm chung của hen suyễn (còn gọi là hen phế quản) và viêm phế quản là đều gây viêm ống phế quản. Khi phế quản bị viêm, đường dẫn khí sẽ bị co thắt, phù nề gây ho, tức ngực, khó thở và có tiếng khò khè khi thở. Tuy nhiên, hen suyễn và viêm phế quản là hai bệnh khác nhau, phân biệt hai bệnh giúp người bệnh được điều trị sớm và hiệu quả, tránh các nguy cơ biến chứng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

2. Hen suyễn và viêm phế quản khác nhau như thế nào?

2.1. Nguyên nhân gây bệnh

Hen suyễn nguyên nhân do yếu tố di truyền từ gia đình hoặc do cơ địa dị ứng. Nếu cha hoặc mẹ bị hen thì tỉ lệ con sinh ra bị hen là 30-50%, nếu cả cha và mẹ cùng bị hen thì tỉ lệ con bị hen là 50-70%. Với người có cơ địa dị ứng, các tác nhân kích thích có thể gây cơn hen thường là lông động vật, phấn hoa, hải sản, khói thuốc lá,...

Trong khi đó, viêm phế quản là một nhiễm trùng đường hô hấp rất phổ biến do virus, vi khuẩn hoặc nấm gây nên.

viem-phe-quan-hen-phe-quan-khac-nhau-nao-1
Hen suyễn có thể do di truyền từ mẹ

2.2. Diễn biến của bệnh

Viêm phế quản nếu được điều trị sớm thường sẽ khỏi sau 5-10 ngày, tuy nhiên triệu chứng ho có thể kéo dài một vài tuần sau khi khỏi bệnh. Viêm phế quản có thể diễn biến thành mạn tính ở những người hút thuốc lá, thường xuyên hít phải bụi bẩn, tiếp xúc với không khí ô nhiễm.

Hen phế quản là một bệnh mạn tính, bệnh nhân có thể phải sống chung với bệnh cả đời. Các triệu chứng của bệnh như ho, khó thở, khò khè sẽ lặp đi lặp lại trong thời gian dài.

2.3. Các triệu chứng bệnh

Bên cạnh các triệu chứng giống nhau, các triệu chứng ở người bị viêm phế quản mà người bệnh hen suyễn không có là :sốt nhẹ, mệt mỏi, ớn lạnh, chất nhầy ở mũi có màu vàng hoặc xanh.

Trong bệnh hen phế quản, các cơn hen thường xuất hiện vào ban đêm, người bệnh sẽ có các triệu chứng ho, khó thở, hơi thở rất nhanh và gấp, tức ngực, thở khò khè, thở ra co kéo hõm ức, đặc biệt bệnh nặng hơn khi thay đổi thời tiết, khi gắn sức hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.

2.4. Đối tượng mắc bệnh

Bệnh viêm phế quản xuất hiện ở mọi lứa tuổi, giới tính, đặc biệt những người có sức đề kháng kém, người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi,...

Trong khi đó, những người mắc hen suyễn thường là người có tiền sử dị ứng như mắc các bệnh viêm da dị ứng, chàm, viêm mũi dị ứng hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh hen suyễn.

2.5. Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm phế quản cấp tính dựa vào các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh, các xét nghiệm cùng chụp X-quang phổi.

Chẩn đoán viêm phế quản mạn tính khi bệnh nhân ho có đờm tối thiểu 3 tháng liên tục trong một năm và kéo dài 2 năm liên tiếp. Bệnh nhân sẽ được chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh để xác định bệnh.

Trong khi đó, để chẩn đoán hen phế quản, bác sĩ sẽ chỉ định đo thông khí phổi để xác định khả năng thở ra, mức độ tắc nghẽn đường hô hấp. Các kỹ thuật cận lâm sàng khác có thể được chỉ định như: X- quang phổi, xét nghiệm máu, xét nghiệm đờm, xét nghiệm miễn dịch,...

2.6. Cách điều trị

Tùy theo nguyên nhân gây viêm phế quản, mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Nếu nguyên nhân gây bệnh là virus, bệnh sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, tăng cường chế độ ăn để nhanh chóng hồi phục. Nếu nguyên nhân bệnh là vi khuẩn hoặc nấm, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc kháng sinh, kháng nấm, các thuốc chống viêm corticoid, thuốc hạ sốt, thuốc làm tiêu chất nhầy, thuốc giãn phế quản,...

Việc điều trị bệnh hen phế quản sẽ tập trung vào các thuốc sử dụng để cắt cơn nhanh các cơn hen đột ngột đồng thời kiểm soát tình trạng co thắt và viêm nhiễm. Trong các trường hợp cơn hen được kiểm soát không tốt, thường xuyên tái phát bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các thuốc dự phòng bệnh trong thời gian kéo dài, các thuốc thường dùng hiện nay là các thuốc kháng viêm dạng hít. Để hạn chế nguy cơ tái phát các cơn hen, bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh.

Hen suyễn và viêm phế quản là hai bệnh lý tương đối phổ biến, các triệu chứng thường gây ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh và nếu không được điều trị kịp thời, cả hai bệnh đều có các nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Khi có các dấu hiệu bệnh, bệnh nhân nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

viem-phe-quan-hen-phe-quan-khac-nhau-nao-2
Điều trị bệnh hen phế quản sẽ tập trung vào các thuốc

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City có đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, được trang bị đầy đủ các phương tiện thiết bị hiện đại để chẩn đoán xác định bệnh và xếp giai đoạn trước điều trị một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt khi đến với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân không cần phải chờ đợi lâu, thời gian khám nhanh gọn và được đội ngũ cán bộ y tế giàu kinh nghiệm hướng dẫn kỹ càng việc sử dụng các các thuốc, các loại bình phun- xịt được thiết kế đặc biệt, hướng dẫn thay đổi lối sống một cách tích cực giúp bệnh nhân có thể dễ dàng tuân thủ quản lý điều trị bệnh hen phế quản của mình.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

27.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan