Viêm phổi hoại tử ở trẻ em: Nhiều biến chứng nguy hiểm

Viêm phổi hoại tử ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi, thường gây ra các triệu chứng ho, sốt, khó thở. Việc điều trị viêm phổi hoại tử thường kéo dài và gặp nhiều khó khăn, đặc biệt việc điều trị ở trẻ thường nặng hơn người lớn.

1. Viêm phổi hoại tử ở trẻ em

Khi thời tiết thay đổi thất thường, trẻ em dễ nhiễm các bệnh liên quan đến bệnh phổi nhất, đặc biệt thêm các tác nhân khác khiến trẻ dễ bị mắc bệnh viêm phổi hoại tử. Bệnh là một trong những nguyên nhân gây ra tử vong ở cả người lớn và trẻ nhỏ.

Viêm phổi hoại tử là một thể nặng của bệnh lý phổi, do nhiễm trùng nhu mô phổi, gây ra sốt, ho, và khó thở. Bệnh phát triển với sự hình thành của các hạt nhỏ, áp xe nhỏ dưới 2cm trong nhu mô phổi. Bệnh có diễn biến phức tạp và điều trị kéo dài đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân chính gây ra viêm phổi hoại tử là do vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng. Tuy nhiên, tùy vào từng độ tuổi mà các tác nhân gây bệnh sẽ thay đổi.

Ngày nay, với sự phát triển của các loại kháng sinh, viêm phổi hoại tử đang có dấu hiệu hiếm gặp, nhưng cha mẹ hãy lưu ý các điều sau đây để sớm phát hiện ra các dấu hiệu của bệnh và đưa bé đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân và các biến chứng của viêm phổi hoại tử ở trẻ em

2.1 Nguyên nhân

Nhiễm trùng phổi và không nhiễm trùng là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm phổi hoại tử. Cụ thể:

  • Nguyên nhân nhiễm trùng: Các tác nhân nhiễm trùng gây ra viêm phổi hoại tử là: vi khuẩn, nấm, vi rút.

S. pneumonia, đặc biệt các chủng phế cầu không được bảo vệ bởi vaccine phế cầu hiện hành, đặc biệt là serotype 3 và 19A là nguyên nhân chủ yếu.

S. aureus, đặc biệt là nhóm tụ cầu kháng Methicillin (MRSA) là một trong những nguyên nhân gây viêm phổi hoại tử ở trẻ. S. aureus tạo ra độc tố Panton-Valentin Leucocidin (PVL) có hoạt tính gây độc bạch cầu, có khoảng 2% chủng S.aureus có tiết PVL. Trong trường hợp có tiếp xúc gần gũi, tỷ lệ người mang S.aureus tiết PVL có thể cao hơn.

Viêm phổi hoại tử do tụ cầu có PVL được báo cáo khắp nơi trên thế giới, với tỷ lệ tử vong dao động từ 56-63%, và có thể lên đến 75%. PVL là một độc tố có 2 thành phần LukS-PV và LukF-PV. Cả 2 thành phần này được tiết ra trước khi tập họp lại trong các heptamer tạo nên các lỗ nhỏ trên màng neutrophil, đưa đến hiện tượng ly giải tế bào. PVL gây phân hủy bạch cầu do tạo thành những lỗ nhỏ ở màng tế bào đưa đến giải phóng các hạt nhỏ gây độc tế bào gây viêm và tổn thương phổi. Quá trình chết theo chương trình (apostosis) gia tăng, giãn mạch tại chỗ và hoại tử mô. Hiện tượng này lại còn có thể có thể tự khuếch đại.

Bên cạnh đó, là các nguyên nhân như: điều trị kháng sinh không thích hợp (chậm trễ hay không đúng), do độc lực của vi khuẩn hay do đáp ứng quá mức của bệnh nhân. Nhưng có lẽ do sự phối hợp của nhiều yếu tố cùng lúc.

  • Nguyễn nhân không nhiễm trùng: bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như: hít thức ăn, hóa chất (hydrocarbon, dầu, verni, nhựa thông), khói, dị vật; hội chứng hít phân su; hóa trị (Bleomycin, Cyclophosphamide); toxic shock syndrome; phản ứng thải ghép; bệnh Crohn; lupus đỏ hệ thống; bệnh vẩy nến...

2.2 Biến chứng

Viêm phổi hoại tử ở trẻ em nếu được phát hiện sớm sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong. Ngược lại, bệnh sẽ có những biến chứng rất nguy hiểm như:

  • Nhiễm khuẩn nặng: sốc nhiễm khuẩn, đông máu nội mạch lan tỏa, suy thận cấp, rối loạn điện giải, ARDS.
  • Tràn dịch/tràn mủ màng phổi, tràn khí màng phổi, kén khí, dò phế quản-màng phổi, áp xe phổi. Có báo cáo cho thấy viêm phổi hoại tử kèm tràn dịch màng phổi với tỷ lệ rất cao, 80 - 90% với 15- 55% dò phế quản - màng phổi.
Trẻ em
Viêm phổi hoại tử sẽ không nguy hiểm nếu được phát hiện sớm sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong

3. Chẩn đoán bệnh viêm phổi hoại tử ở trẻ em

Thông qua các phương pháp chẩn đoán hiện đại như: X quang, siêu âm ngực, CT ngực, bác sĩ sẽ chẩn đoán được liệu bệnh nhân bị viêm phổi hoại tử không? Khi viêm phổi không đáp ứng với điều trị thích hợp nhưng để chẩn đoán xác định cần phải có các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ chỉ định chẩn đoán viêm phổi hoại tử.

Chụp Xquang ngực là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh viêm phổi hoại tử thường xuyên được áp dụng, nhưng nó có thể bỏ sót bệnh viêm phổi hoại tử. Nguyên nhân là X quang tỷ lệ bóng khí thấy được trên X quang phổi không cao (khoảng 22%). Phương pháp chẩn đoán này cho phép thể thấy sang thương đông đặc phổi kèm bóng khí nhỏ.

Siêu âm ngực là phương pháp không xâm lấn giúp phát hiện sớm viêm phổi hoại tử ở trẻ em nhưng vai trò và giá trị của nó trong chẩn đoán viêm phổi hoại tử hiện vẫn chưa được xác định rõ.

Hiện nay, trong phương pháp chẩn đoán có CT ngực là phương pháp hữu ích, nhạy cảm để giúp chẩn đoán xác định viêm phổi hoại tử, đánh giá độ lan rộng của bệnh. Hầu hết các nghiên cứu đều chẩn đoán xác định bằng CT ngực. Ngoài ra, CT ngực còn giúp phát hiện bất thường bẩm sinh kèm theo hay dị vật đường thở bỏ quên nếu có. Phương pháp chẩn đoán này cho phép thể thấy:

  • Có vùng đông đặc phổi nhưng không giảm thể tích.
  • Phá hủy cấu trúc nhu mô phổi bình thường với sự hiện diện của vùng giảm bắt thuốc cản quang.
  • Có nhiều nang chứa khí hay dịch nhỏ (<2cm) (Trong khi áp-xe phổi kích thước ổ hoại tử trên 2cm, vách dày > 2mm).

4. Các phương pháp điều trị

Thuốc
Kháng sinh có tác dụng lớn trong điều trị viêm phổi hoại tử, nhưng cần điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm
  • Trường hợp bệnh nhân bị thiếu oxy máu, suy hô hấp nặng, bác sĩ cung cấp oxy, NCPAP, thở máy, thậm chí ECMO để cứu sống bệnh nhi.
  • Kháng sinh có tác dụng lớn trong điều trị viêm phổi hoại tử ở trẻ em, nhưng cần điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm, bao phủ phế cầu, tụ cầu, Streptococcus GA. Lưu ý, tùy theo mức độ kháng thuốc tại địa phương mà kháng sinh dùng theo đường tĩnh mạch, liều cao. Theo nghiên cứu, thời gian điều trị trung bình là 27 ngày, dao động từ 3-95 ngày. Thời gian điều trị kháng sinh dựa vào đáp ứng lâm sàng, thường là 4 tuần, hoặc ít nhất 2 tuần sau khi bệnh nhân hết sốt và cải thiện lâm sàng.
  • Với trẻ nghi nhiễm tụ cầu, bao gồm MRSA và vi khuẩn yếm khí, sẽ được chỉ định dùng kháng sinh Clindamycine tiêm mạch.
  • Ngược lại, với những trẻ nhiễm trùng tại bệnh viện hay nghi nhiễm Enterobacteriaceae hay Pseudomonas aeruginosa, sử dụng kháng sinh kết hợp Ticarcillin hay piperacillin kèm chất ức chế beta lactamase phối hợp hoặc không phối hợp với một nhóm aminoglycoside.
  • Trong trường hợp tụ cầu có PVL, cần phối hợp kháng sinh kháng tụ cầu và kháng sinh có khả năng ức chế PVL (clindamycine, rifampicine, linézolide, acid fusidic). Cần lưu ý không sử dụng flucloxacillin ngay cả khi có phối hợp với rifampicin hay clindamycin, do flucloxacillin có thể làm gia tăng sản xuất PVL.
  • Immunoglobuline truyền tĩnh mạch (liều lượng ở trẻ em: 1mg/kg, có thể lặp lại sau 48 giờ) cũng là biện pháp điều trị đã được áp dụng thành công và đang còn được nghiên cứu tiếp.
  • Các bác sĩ cần thường xuyên đánh giá và duy trì thể tích máu tuần hoàn; điều trị giảm đau thích hợp nếu đau do tổn thương màng phổi.
  • Trong trường hợp, nhiều ổ hoại tử lan tỏa nhiều thùy, thất bại điều trị nội, có chỉ định phẫu thuật, người bệnh được chỉ định điều trị ngoại khoa. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Đôi khi phải thực hiện phẫu thuật 2 thì, dẫn lưu ổ mủ sau đó phẫu thuật cắt thùy phổi khi bệnh nhân ổn định.
  • Nếu vùng hoại tử khu trú ở 1 thùy phổi, có thể dẫn lưu qua da dưới hướng dẫn CT ngực, nhưng tỷ lệ thành công không cao, có thể có biến chứng dò phế quản màng phổi.
  • Trong trường hợp dò phế quản màng phổi, đa phần cần can thiệp phẫu thuật (80%).

5. Cách phòng tránh bệnh viêm phổi hoại tử

Ăn dặm
Cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ thông qua chế độ ăn uống

Phòng tránh bệnh viêm phổi hoại tử là biện pháp duy nhất giúp trẻ tránh khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Vì vậy, cha mẹ nên lưu ý một số biện pháp sau đây để có thể chăm sóc và phòng tránh bệnh viêm phổi hoại tử cho trẻ:

  • Dinh dưỡng, cung cấp đủ nước cho bé thông qua sữa, nước uống trực tiếp, cháo, soup...Bố mẹ hãy khuyến khích trẻ uống nhiều nước ( với trẻ nhỏ nên cho trẻ uống từng ngụm nước nhỏ), cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý. Theo dõi tình trạng đi tiểu của bé để xem cung cấp nước có đủ không. Nếu bé tiểu ít, nước tiểu vàng có thể là do cung cấp thiếu nước.
  • Vệ sinh mũi: Thường các trẻ viêm phổi cũng có viêm hô hấp trên kèm theo có thể vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, hoặc dạng xịt phun sương, lấy nhầy mũi bằng bấc sâu kèn.Làm ẩm không khí trong phòng hỗ trợ niêm mạc hô hấp, tránh nằm máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp.
  • Khi trẻ bị viêm phổi, tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc tùy tiện. Như vậy, sẽ khiến tình trạng của trẻ trở nên tệ hơn. Bố mẹ hãy đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện để được nhận sự hỗ trợ tốt.
  • Rửa tay con bạn thường xuyên với xà bông và nước, đó là cách tốt để phòng ngừa sự lây lan của nhiễm khuẩn. Bạn cũng có thể dùng cồn rửa tay để thay thế nhưng phải đảm bảo rửa hết cả bàn tay.
  • Đồng thời, cha mẹ hãy đến các cơ sở y tế tiêm vaccine để giúp trẻ tránh viêm phổi hoại tử như: tiêm ngừa phế cầu; tiêm ngừa Hib, ho gà; sởi; cúm,...
  • Cách ly trẻ khỏi khói thuốc lá, bảo vệ đường hô hấp cho trẻ, không cho tiếp xúc với người đang có biểu hiện viêm hô hấp.

Do có nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong, việc cho trẻ đi khám kịp thời để phát hiện viêm phổi hoại tử là bước quan trọng. Khoa Nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Viêm phổi, sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, ....Vinmec có đội ngũ chuyên gia Nhi giàu kinh nghiệm trong khám, điều trị, tư vấn các bệnh lý hô hấp ở trẻ. Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh cùng dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp, các bậc cha mẹ hoàn toàn yên tâm khi đưa con tới khám, điều trị tại Vinmec.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan