Vòng tránh thai nội tiết là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Vòng tránh thai ( còn gọi là dụng cụ tử cung) là dụng cụ nhỏ, thường có hình chữ T, được đặt vào lòng tử cung để mang lại hiệu quả tránh thai trong nhiều năm. Hiện tại, dụng cụ tử cung hiện đại nhất là vòng tránh thai nội tiết (vòng Mirena) có hiệu quả tránh thai cao và hạn chế được những tác dụng phụ không mong muốn của vòng tránh thai truyền thống.

1. Đặc điểm cấu tạo vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết Mirena có hình chữ T, được cấu thành bởi nhựa dẻo thấm Sulfate Barium, tạo ra hình ảnh cản quang. Vì vậy, bác sĩ có thể nhìn thấy sự hiện diện của vòng khi siêu âm và trên phim chụp X-quang.

Chiều dài của vòng tránh thai nội tiết là 32mm, ở tận cùng khung T là vòng nhỏ gắn sợi dây polyethylene. Bên dưới nhánh chữ T là một ống hình trụ dài 19mm, có chứa 52mg levonorgestrel, bên ngoài phủ bởi một lớp màng polydimethylsiloxane có tác dụng điều chỉnh sự phóng thích của levonorgestrel trong buồng tử cung, tạo hiệu quả tránh thai cho vòng Mirena.

Tốc độ phóng thích ban đầu của levonorgestrel mỗi ngày vào buồng tử cung là 20μg và sau 5 năm sẽ giảm xuống còn khoảng 11μg/ngày.

2. Cơ chế vòng tránh thai như thế nào?

Sau khi đặt vòng tránh thai nội tiết, levonorgestrel sẽ làm cô đặc chất nhầy cổ tử cung, tạo thành rào cản ngăn chặn sự xâm nhập của tinh trùng, làm giảm tính di động của tinh trùng. Vì vậy, tinh trùng sẽ không gặp trứng để thụ tinh được. Ngoài ra, trong trường hợp tinh trùng vẫn gặp được trứng để thụ tinh thì vòng tránh thai còn làm lớp nội mạc tử cung mỏng đi, không thích hợp cho trứng thụ tinh làm tổ. Nhờ đó, dụng cụ tử cung này có tác dụng tránh thai hữu hiệu. Và thời hạn sử dụng vòng nội tiết là 5 năm.

vong-tranh-thai-noi-tiet-1
Vòng tránh thai ngăn trứng gặp tinh trùng và không cho trứng đã thụ tinh làm tổ trong tử cung

3. Tác dụng của vòng Mirena

Đặt vòng tránh thai nội tiết có tốt không? Vòng tránh thai có Progesterone sở hữu nhiều công dụng như:

  • Hiệu quả ngừa thai cao: tỷ lệ có thai trong năm đầu sử dụng vòng nội tiết là 0 – 0.2%, tỷ lệ có thai tích luỹ trong 5 năm sử dụng vòng là 0.5-1.1%. Kết quả này cho thấy hiệu quả ngừa thai của vòng Mirena đạt tới 99%. Vì vậy, vòng Mirena được đánh giá có hiệu quả tương đương triệt sản nhưng lại có khả năng hồi phục chức năng sinh sản của phụ nữ một cách nhanh chóng.
  • Hỗ trợ điều trị cường kinh, rong kinh: vòng tránh thai nội tiết ngoài tác dụng ngừa thai còn được coi là phương pháp điều trị hiệu quả cho những trường hợp mắc rong kinh cơ năng liên quan tới yếu tố nội tiết hay rong kinh do u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung. Nguyên nhân là do cơ chế phóng thích levonorgestrel của vòng nội tiết giúp giảm sự tăng sản của lớp nội mạc tử cung trong vòng 3 – 6 tháng đầu sử dụng, giúp giảm lượng máu kinh và số ngày hành kinh.
  • Ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị thiếu máu (vì làm giảm số ngày hành kinh và số lượng máu kinh).
  • Giảm triệu chứng đau bụng kinh.
  • Giảm nguy cơ thai ngoài tử cung.
  • Giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm vùng chậu, viêm cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung.
  • Không ảnh hưởng tới trọng lượng cơ thể.
vong-tranh-thai-noi-tiet-2
Sử dụng vòng Mirena có nhiều lợi ích đối với sức khỏe

4. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định sử dụng vòng tránh thai nội tiết

Có nên đặt vòng tránh thai nội tiết không? Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ được chỉ định có đặt vòng Mirena không.

4.1 Đối tượng nên đặt vòng nội tiết

  • Phụ nữ muốn tránh thai lâu dài nhưng vẫn có thể phục hồi khả năng sinh sản khi cần.
  • Người bị rong kinh, cường kinh, thống kinh do rối loạn nội tiết tố, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung.
  • Sử dụng như liệu pháp hormone thay thế trong trường hợp phụ nữ mãn kinh không thể dung nạp progestin đường uống.

4.2 Đối tượng chống chỉ định đặt vòng tránh thai nội tiết

  • Phụ nữ có thai.
  • Bị ung thư vú.
  • Mắc bệnh viêm nhiễm vùng chậu cấp tính.
  • Nhiễm khuẩn hậu sản.
  • Nhiễm khuẩn sau sẩy thai, nạo hút thai.
  • Rong huyết chưa chẩn đoán được nguyên nhân.
vong-tranh-thai-noi-tiet-3
Người bị ung thư vú không nên đặt vòng tránh thai nội tiết

5. Nhược điểm khi đặt vòng tránh thai nội tiết

  • Gây co thắt và đau tại thời điểm đặt vòng.
  • Có thể gây rối loạn kinh nguyệt, ra máu kéo dài, đau ngực, nhức đầu, nổi mụn trứng cá,... Tuy nhiên, những triệu chứng này thường chỉ gặp ở tháng đầu đặt vòng và sẽ giảm dần theo thời gian.
  • Có thể gây thủng tử cung (hiếm gặp).
  • Một số trường hợp vòng nằm lệch vị trí hoặc bị tuột xuống thấp.
  • Giá thành khá cao so với vòng tránh thai truyền thống (chi phí mua vòng và thực hiện thủ thuật khoảng 3 triệu đồng).

6. Thời điểm đặt vòng tránh thai nội tiết

  • Đặt Mirena trong vòng 7 ngày đầu tiên của kỳ kinh. Có thể đặt vào thời điểm khác của chu kỳ nếu chắc chắn người phụ nữ không mang thai.
  • Ngay sau khi hút thai.
  • Muối đổi phương pháp ngừa thai khi đang sử dụng một biện pháp tránh thai lâu dài khác.
  • Sau khi sinh 6 tuần. Trong trường hợp chưa có kinh thì cần chắc chắn không có thai mới được đặt vòng tránh thai nội tiết.
  • Phụ nữ sau sinh và đang cho con bú có thể được đặt vòng Mirena vì không gây ảnh hưởng tới chất lượng sữa mẹ và sự phát triển của trẻ.

Sau khi tháo vòng tránh thai nội tiết, khả năng mang thai và chức năng buồng trứng của chị em sẽ lập tức được hồi phục. Vì vậy, phương pháp ngừa thai này ngày càng được áp dụng phổ biến hiện nay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

89.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan