Bệnh nhân ung thư: Chăm sóc miệng thế nào là đúng cách

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Phi Yến - Trưởng Đơn nguyên chăm sóc giảm nhẹ - Khoa Nội ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Nhiều phương pháp điều trị ung thư có tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến miệng, răng và tuyến nước bọt của bệnh nhân. Những tác dụng phụ này có thể gây khó khăn khi ăn, nói, nhai hoặc nuốt. Để kiểm soát các tác dụng phụ này, bạn cần biết cách chăm sóc răng miệng đúng cách.

1. Những sai lầm khi chăm sóc răng miệng

1.1 Sử dụng nước súc miệng quá nhiều lần trong ngày

Nước súc miệng là sản phẩm hỗ trợ giúp làm sạch răng miệng và loại bỏ các mảng bám trên răng. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều lần trong 1 ngày có mất đi sự cân bằng loại bỏ những vi khuẩn có lợi ở trong khoang miệng.

1.2 Đánh răng quá mạnh

Nhiều người cho rằng việc đánh răng càng lâu càng mạnh sẽ giúp loại bỏ những mảng bám cứng đầu ở răng. Tuy nhiên, không phải như vậy, việc chà xát quá mạnh không sạch răng mà còn làm tổn thương đến nướu. Vậy đánh răng như thế nào là đúng cách, bạn có thể tham khảo bài viết “Đánh răng như thế nào là đúng cách” với sự vấn chuyên môn Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1.3 Đánh răng ngay sau khi ăn

Sau khi ăn, trong miệng của bạn sẽ có chứa đầy axit. Đánh răng ngay sau khi tức là bạn đang góp phần giúp axit hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, từ đó khiến răng bị mòn nhanh hơn.

1.4 Sử dụng bàn chải kém chất lượng

Một trong những nguyên nhân gây viêm nướu, viêm lợi là do sử dụng bàn chải đánh răng cứng, khiến trong quá trình đánh làm tổn thương lợi.Ngoài ra, bạn nên thay bàn chải thường xuyên, việc này sẽ giúp loại bỏ những vi khuẩn có hại giúp khoang miệng luôn được sạch sẽ và không có mùi hôi.

Kiêng đánh răng sau sinh
Một trong những nguyên nhân gây viêm nướu, viêm lợi là do sử dụng bàn chải đánh răng cứng

2. Cách duy trì vệ sinh răng miệng

2.1 Vệ sinh miệng cơ bản

Bảo vệ sức khỏe răng miệng là việc thiết yếu. Vệ sinh răng miệng có thể được chia thành hai phương thức: kiểm soát mảng bám và súc miệng.

Kiểm soát mảng bám:

  • Các tốt để cải thiện vệ sinh miệng ở bệnh nhân ung thư là sử dụng một chiếc bàn chải sợi nylon và sợi lông có thể mềm ra hơn trong nước nóng.
  • Nên sử dụng thuốc đánh răng ít flo, ít mài mòn và không vị, bởi chất tạo vị có thể gây ra kích ứng niêm mạc. Với những bệnh nhân bị khô miệng, thuốc đánh răng đặc chế secretagogue.
  • Nếu bệnh nhân cảm thấy nhức buốt khi đánh răng thì có thể nhúng bàn chải vào nước muối loãng hoặc nước sạch. Người bệnh cần súc sạch miệng với nước sạch hoặc nước muối sinh lý để loại bỏ các mảng bám.
  • Bàn chải được rửa sạch sau mỗi lần đánh và thay mới mỗi 3 tháng.
  • Có thể sử dụng chỉ nha khoa nếu không bị chảy máu chân răng và lợi.

Súc miệng

  • Răng miệng khỏe nhờ vào việc chải răng sạch sẽ và sử dụng chỉ nha khoa thường xuyên để phòng ngừa các bệnh răng miệng. Việc sử dụng nước súc miệng floride không chứa cồn là cần thiết khi bị khô miệng.
  • Những bệnh nhân với lượng nước bọt ít và bị hôi miệng cần luôn súc miệng. Tuy nhiên, có rất nhiều loại nước súc miệng chứa cồn, là một thành phần đặc biệt gây khô miệng, nên càng làm gia tăng triệu chứng khô miệng.
  • Nên dùng nước chứa baking soda hay nước muối sinh lý.
Bạn nên súc miệng trước khi tiến hành chụp
Bạn nên súc miệng với nước chứa baking soda hoặc nước muối sinh lý

3. Các bệnh về miệng phổ biến ở bệnh nhân ung thư

Các vấn đề về vệ sinh miệng thường xuất hiện ở các bệnh nhân ung thư như liệu pháp xạ trị ở đầu cổ cùng với hoá trị gây ức chế tủy có thể gây ra bệnh miệng cấp bao gồm viêm niêm mạc; khô miệng, cao răng mãn tính và giảm vị giác bởi ảnh hưởng của các bức xạ gây ra cho tuyến nước bọt.

3.1 Chứng khô miệng

3.1.1 Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây khô miệng, thường do tác dụng phụ của thuốc, xạ trị ở vùng đầu cổ hay tình trạng suy nhược dẫn đến việc phải thở bằng miệng.

Một số loại thuốc thường được sử dụng trong chăm sóc giảm nhẹ có thể gây nên chứng khô miệng hoặc giảm tiết nước bọt, bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: amitriptyline...
  • Thuốc điều trị bệnh tâm thần: phenothiazines...
  • Thuốc kháng histamines: diphenhydramine...
  • Thuốc kháng cholinergics: atropine, scopolamine,...
  • Thuốc giảm đau Opioid: codein, tramadol, morphine...

Các nguyên nhân khác: không tiết nước bọt, thiếu nước, thở bằng miệng, thở máy, thở oxy...

3.2.1 Xử lý chứng khô miệng

  • Giữ ẩm khoang miệng bằng cách uống nước soda, nước hoa quả không đường ( có thể để lạnh )
  • Uống từng ngụm nhỏ nước hoặc nước hoa quả không đường hoặc dùng bình xịt nước.
  • Kích thích tiết nước bọt: Ngậm kẹo, nhai kẹo cao su không đường.
  • Thử sử dụng nước bọt nhân tạo hoặc chất lỏng thay thế nước bọt, có sẵn dưới nhiều dạng: dung dịch, dạng xịt, dạng gel và dạng viên.
  • Bôi gel giữ ẩm sẽ rất hữu hiệu cho môi, lưỡi và vòm miệng để bớt khô. Lưu ý rằng vị của các loại gel giữ ẩm có thể không phù hợp với nhiều bệnh nhân.
  • Các loại thuốc đánh răng đặc trị có sẵn để làm giảm cảm giác khô miệng.
  • Để bảo vệ môi, sử dụng các sản phẩm từ nước thường xuyên.
  • Bôi trực tiếp lên niêm mạc miệng dầu ăn ( oliu, mè...) giúp chống khô, và giúp làm chắc răng giả.
  • Luôn giữ ẩm trong phòng, sử dụng máy làm ẩm, đặc biệt là khi đi ngủ sẽ giúp làm giảm bớt cảm giác khó chịu của khô miệng.

Nên:

  • Ăn thức ăn mềm với các chất lỏng như sữa, nước thịt, súp...
  • Thức ăn nghiền
  • Tránh các loại thức ăn khô như bánh quy hoặc ngũ cốc.
  • Tránh các loại đồ uống chứa caffeine hoặc cồn...làm tăng sự khô miệng.

Các liệu pháp bổ sung như châm cứu, theo một số nghiên cứu thì về lâu dài có thể hiệu quả trong việc giảm chứng khô miệng.

3.2 Viêm niêm mạc miệng

Viêm miệng có nhiều nguyên nhân, gồm nấm khoang miệng và viêm loét ở người bệnh bị suy giảm miễn dịch, hoặc do sự hoại tử lợi bởi vi khuẩn kị khí (fusobacterium) ở người kém vệ sinh răng miệng.

Việc phát hiện sớm tình trạng rối loạn tự miễn do liken phẳng ăn mòn gây viêm miệng sẽ giúp việc điều trị được tốt hơn.

Nhiệt miệng kèm đau họng và hàm là bị bệnh gì?
Viêm miệng có nhiều nguyên nhân, gồm nấm khoang miệng và viêm loét ở người bệnh bị suy giảm miễn dịch

3.3 Nấm miệng do Candida

Bệnh nhân đang được điều trị với thuốc ức chế miễn dịch, những người bị HIV/AIDS, hay điều trị thuốc chống ung thư đặc biệt nhạy cảm với loại nấm này.

Nhiễm nấm Candida vùng miệng có nhiều biểu hiện lâm sàng như: nứt hai bên khóe miệng, nổi mụn trong miệng ( Pseudomembranous ). Để điều trị bệnh cần xét nghiệm tìm nấm, dựa vào kết quả xét nghiệm từ đó bác sĩ mới có phương pháp điều trị thích hợp.

4. Dạng viêm miệng khác trên bệnh nhân ung thư

4.1 Nhiễm khuẩn

  • Các dạng nhiễm khuẩn thường thấy trong miệng là ở răng, nướu và niêm mạc miệng có thể bị gây ra bởi rất nhiều loại vi khuẩn.
  • Dấu hiệu của nhiễm khuẩn là viêm lợi nặng, sốt và đau.
  • Nhiễm khuẩn có thể trở nên nghiêm trọng hơn với bệnh nhân đang bị viêm niêm mạc và làm nguy cơ nhiễm trùng toàn thân.

4.2 Nhiễm virus

Virus Herpes

  • Thường thấy ở các bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, khi đang trong quá trình xạ trị hay hoá trị hoặc bị bệnh bạch cầu, thường do sự tái hoạt động của virus tiềm tàng mà người bệnh đã từng mang trước đây.
  • Biểu hiện của bệnh rất đa dạng từ phồng rộp môi đến viêm niêm mạc. Việc chẩn đoán cần kết hợp các xét nghiệm tìm virus và điều trị với thuốc kháng virus toàn thân.
đau môi
Nhiễm virus Herpes có biểu hiện đa dạng từ phồng rộp môi đến viêm niêm mạc

Các loại virus khác: Các loại gây phồng rộp (virus varicella zoster, cytomegalovirus, Epstein-Barr virus) và một số loạt không gây phồng rộp khác cũng có thể gây ra nhiễm trùng với bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan