Bệnh ung thư phát triển như thế nào?

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất trên toàn thế giới và là nguyên nhân chính gây tử vong ở Anh, chiếm 29% số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Năm 2012, có 8.2 triệu ca tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới và ước tính có 14.1 triệu ca ung thư, dự kiến ​​sẽ tăng lên 24 triệu vào năm 2035. Con số trên đủ để cho chúng ta thấy được sự nghiêm trọng của căn bệnh này.

1. Ung thư là gì?

Ung thư là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Ung thư, hay còn được gọi là u ác tính, là một loại bệnh của các tế bào, liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết hay mạch máu. Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 200 loại ung thư. Nguyên nhân gây tử vong chính của ung thư là do di căn.

Tình trạng các tế bào phân chia không kiểm soát là nguyên nhân dẫn đến ung thư. Bằng cách nhập vào mạch máu hoặc hệ bạch huyết, những tế bào bất thường này có thể xâm nhập vào các mô lân cận hoặc di chuyển đến các vị trí ở xa.

Tế bào ung thư
Tình trạng các tế bào phân chia không kiểm soát là nguyên nhân dẫn đến ung thư.

Để các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường, cần phải có một số lượng nhất định các tế bào ở trong những cơ quan này. Tuy nhiên, trong hầu hết các cơ quan, các tế bào thường có tuổi thọ ngắn, để thay thế các tế bào bị mất này cũng như tiếp tục hoạt động thì cơ thể cần thông qua quá trình phân chia tế bào.

Các gen nằm trong nhân tế bào điều khiển quá trình phân chia tế bào. Chức năng của chúng như một “người hướng dẫn”, nói với các tế bào rằng loại protein nào cần phân chia, nó sẽ phân chia như thế nào và nó sẽ sống bao lâu. Một số yếu tố có thể làm mã di truyền này bị hư hại, dẫn đến sai sót xảy ra trong sự hướng dẫn đó. Các tế bào hoạt động có thể bị thay đổi bởi những lỗi này. Các tế bào có thể tiếp tục phân chia thay vì nghỉ ngơi, có thể vẫn sống thay vì chết.

Để ngăn chặn các lỗi di truyền xảy ra và loại bỏ các tế bào bất thường di truyền khỏi cơ thể, một số cơ chế được đưa ra. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa này là không đủ và một số lượng các tế bào nhất định ở một số người bắt đầu phát triển khi thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể. Những tế bào ung thư này tập hợp lại và các mô bình thường bị tiêu diệt.

Để tồn tại và phát triển, các tế bào ung thư cần các chất dinh dưỡng. Để cung cấp dinh dưỡng mà chúng cần, nhiều loại ung thư có thể kích thích sự tăng trưởng mạch máu.

2. Sự phát triển của bệnh ung thư

Ung thư là một nhóm gồm hơn 100 bệnh, đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của tế bào. Trong cơ thể, các tế bào liên tục được đổi mới và thay thế thông qua quá trình sản sinh và chết tế bào được điều chỉnh cẩn thận. Việc điều hòa quá trình này chỉ xảy ra ở một tế bào thì ung thư mới phát triển. Những thay đổi đối với DNA trong tế bào có thể dẫn đến việc tế bào không thể tuân theo quy trình phân chia bình thường mà thay vào đó, phát triển một cách không kiểm soát, hình thành các khối u ác tính (ung thư).

Tế bào ung thư có thể lây lan sang mô xung quanh, được gọi là di căn, có thể xâm lấn các cơ quan và có thể xảy ra ở bất kỳ tế bào nào trong cơ thể. Ung thư thường được xác định trên lâm sàng nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ sau tổn thương DNA ban đầu và hầu hết các bệnh ung thư được đặt tên theo cơ quan hoặc loại tế bào mà chúng bắt nguồn, ví dụ như ung thư phổi hoặc ung thư tuyến tiền liệt.

Ung thư là một căn bệnh phức tạp và quá trình nghiên cứu đã cải thiện đáng kể sự hiểu biết của chúng ta về cách mà ung thư phát triển, tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Nguy cơ ung thư có thể bị ảnh hưởng bởi một loạt các yếu tố khác nhau và thường phát triển trong một thời gian dài. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự hình thành ung thư như:

  • Di truyền: Một số người có tiền sử gia đình mắc một số loại ung thư. Thông thường, những trường hợp ung thư này có yếu tố di truyền và ở những trường hợp như vậy, các thành viên trong gia đình có nguy cơ cao hơn, ví dụ như ung thư vú. Người ta ước tính rằng khoảng 5 - 10% trường hợp ung thư là kết quả trực tiếp từ việc thừa hưởng các gen liên quan đến ung thư.
  • Nội tiết tố: Một số bệnh ung thư bị ảnh hưởng bởi nồng độ hormone tuần hoàn. Ung thư vú là một trong những ví dụ như vậy, với mức độ tiếp xúc với estrogen tăng lên trong suốt cuộc đời (ví dụ, từ khi bắt đầu hành kinh sớm) làm tăng nguy cơ ung thư vú của phụ nữ. Điều tương tự cũng áp dụng đối với ung thư buồng trứngung thư nội mạc tử cung (dạ con).
  • Môi trường và lối sống: Nguy cơ mắc các bệnh ung thư tăng lên khi tiếp xúc với các yếu tố môi trường và lối sống khác nhau. Chúng ta không thể tránh khỏi một số yếu tố như tuổi tác và giới tính nhưng việc chúng ta tiếp xúc với các yếu tố môi trường và lối sống hoàn toàn có thể điều chỉnh được. Do đó, điều quan trọng là các cá nhân phải áp dụng lối sống lành mạnh để giảm tiếp xúc với các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư. Ví dụ các yếu tố môi trường gây ung thư như hút thuốc, bức xạ (như tia X), hóa chất như amiăng và các yếu tố lối sống bao gồm chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động, béo phì và uống quá nhiều rượu.
  • Chế độ ăn uống: Quá trình điều chỉnh của tế bào, đã được đề cập trước đây, có thể bị ảnh hưởng bởi thức ăn và dinh dưỡng, hỗ trợ bảo vệ tế bào khỏi chất sinh ung thư (sự phát triển của ung thư) hoặc có thể thúc đẩy quá trình sản sinh ung thư. Môi trường ngoại bào, chẳng hạn như sự sẵn có của năng lượng và sự hiện diện của các chất dinh dưỡng vĩ mô và vi lượng, có thể ảnh hưởng đến khả năng ngăn chặn các quá trình phát triển bất thường dẫn đến ung thư của tế bào. Tuy nhiên, thực phẩm và các yếu tố dinh dưỡng cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phân chia tế bào.
Hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Nguy cơ mắc các bệnh ung thư tăng lên khi tiếp xúc với các yếu tố môi trường và lối sống khác nhau.

3. Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và các yếu tố lối sống với ung thư

Lối sống có thể có tác động lớn đến nguy cơ phát triển ung thư vì theo ước tính, 42% trường hợp ung thư có liên quan đến các yếu tố lối sống và khoảng 600.000 ca tử vong có thể đã được ngăn chặn trong 5 năm qua.

Chế độ ăn uống:

Đây là một khía cạnh của lối sống có vai trò ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư của một cá nhân và nó có ảnh hưởng lớn hơn đến một số loại ung thư so với những loại ung thư khác. Mối liên hệ mạnh nhất là với một số bệnh ung thư đường tiêu hóa, ví dụ như ung thư miệng, cổ họng, dạ dày và ruột.

Thừa cân hoặc béo phì là nguyên nhân có thể ngăn ngừa được của bệnh ung thư. Duy trì cân nặng hợp lý trong suốt cuộc đời có thể là một trong những cách quan trọng nhất để giảm nguy cơ phát triển ung thư và cũng có thể bảo vệ cơ thể chống lại một số bệnh mãn tính phổ biến khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.

Nghiên cứu đã cho thấy tăng cân, thừa cân và béo phì có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát triển các loại ung thư dưới đây:

  • Ruột (ruột kết).
  • Vú (sau mãn kinh).
  • Tuyến tiền liệt (ung thư tiến triển).
  • Tuyến tụy.
  • Nội mạc tử cung (dạ con).
  • Thận.
  • Gan.
  • Túi mật.
  • Thực quản (ung thư biểu mô tuyến).
  • Buồng trứng.
  • Dạ dày (cardia).

Các chuyên gia cho rằng, nhiều chất béo trong cơ thể làm tăng phản ứng viêm, tăng oestrogen tuần hoàn và giảm độ nhạy insulin, do đó cơ thể béo phì làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.

Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp duy trì trọng lượng cơ thể và sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư. WCRF khuyến nghị cơ thể bạn càng gầy càng tốt, miễn là trong phạm vi trọng lượng cơ thể bình thường.

Hoạt động thể chất:

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng hoạt động thể chất có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư ruột (ruột kết), đồng thời có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư vú (sau mãn kinh) và ung thư nội mạc tử cung (dạ con). Hoạt động thể chất cũng có thể giúp giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư liên quan đến thừa cân hoặc béo phì.

Tùy thuộc vào loại ung thư, các cơ chế khác nhau đã được đưa ra để giải thích tại sao hoạt động thể chất làm giảm nguy cơ phát triển loại ung thư đó. Đối với cả ba loại ung thư trên, hoạt động thể chất giúp làm giảm nguy cơ ung thư vì tác dụng có lợi đối với sự béo lên của cơ thể và tác động lên chuyển hóa hormone steroid nội sinh. Trong ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung, hoạt động thể chất được cho là tăng cường hệ thống miễn dịch và có thể làm giảm mức độ lưu hành oestrogen và androgen. Đối với ung thư ruột kết, hoạt động thể chất làm giảm sức đề kháng insulin và thời gian vận chuyển của ruột.

Thực phẩm từ thực vật:

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết các chế độ ăn uống có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh ung thư chủ yếu được chế biến từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Các chuyên gia ước tính rằng nếu mọi người ăn đủ lượng trái cây, rau không chứa tinh bột và chứa lượng chất xơ được khuyến cáo, 34% trường hợp ung thư miệng, họng và thanh quản có thể được ngăn ngừa.

Ngũ cốc, rễ, củ và thực vật được cho là có thể bảo vệ chống lại ung thư đại trực tràng vì chúng chứa nhiều chất xơ, tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được cơ chế rõ ràng.

Trái cây là nguồn cung cấp Vitamin C được cho là có tác dụng giảm nguy cơ phát triển ung thư. Chuyên gia cho rằng, Vitamin C có thể giúp cơ thể chống lại quá trình oxy hóa gây hại cho tế bào, đồng thời ức chế sự hình thành các chất gây ung thư và bảo vệ DNA khỏi các đột biến.

Thịt:

Thịt đỏ và thịt đã qua chế biến có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư ruột (đại trực tràng). Thịt chế biến cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. WCRF khuyến nghị hạn chế tiêu thụ thịt đỏ không quá 500g một ngày và nên ăn ít thịt đã qua chế biến. Chính phủ một số quốc gia hiện đang khuyến cáo rằng nếu bạn tiêu thụ hơn 90g thịt đỏ hoặc thịt đã qua chế biến mỗi ngày, hãy cố gắng giảm lượng tiêu thụ xuống còn 70g mỗi ngày.

Hiện vẫn chưa rõ lý do thịt đỏ gây ung thư như thế nào mặc dù nhiều cơ chế khác nhau đã được đưa ra để giải thích điều này. Các thành phần của thịt nấu chín có liên quan, chẳng hạn như amin dị vòng (hóa chất hình thành khi nấu thịt ở nhiệt độ cao) và hydrocacbon thơm đa vòng (hóa chất hình thành khi nấu thịt và cá trên ngọn lửa trực tiếp như nướng thịt). Một giả thuyết khác được đưa ra là khi ăn thịt đỏ, nitrosamine được hình thành có thể làm hỏng DNA. Một số loại thịt đã qua chế biến cũng có thêm nitrat, được chuyển hóa thành nitrosamine trong ruột.

Rượu:

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy uống rượu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư dưới đây:

  • Vú.
  • Ruột.
  • Gan.
  • Miệng / cổ họng.
  • Thực quản.

Một số cơ chế đã được nghiên cứu nhằm xác định cách rượu gây ung thư.

  • Đối với ung thư đại trực tràng, vi khuẩn trong ruột có thể oxy hóa ethanol trong mô đại trực tràng và tạo ra hàm lượng acetaldehyde cực cao (cao hơn gấp 1000 lần) so với nồng độ trong máu, acetaldehyde được cho là có thể gây ung thư.
  • Đối với ung thư vú, bằng chứng cho thấy rượu can thiệp vào lượng hormone estrogen, có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone và các thụ thể estrogen.

Các chuyên gia cũng cho rằng những người uống nhiều rượu có thể có chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng thiết yếu và khiến cho mô dễ bị ung thư hơn. Cuối cùng, sự kết hợp giữa thuốc lá và rượu có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Chuyên gia cho rằng thuốc lá gây ra các đột biến cụ thể trong DNA, vốn được sửa chữa kém hiệu quả hơn khi có rượu.

Trong bối cảnh nguy cơ ung thư ngày càng tăng cao, WCRF khuyến cáo không nên uống rượu vì chỉ một lượng nhỏ rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Người ta ước tính rằng 1/5 trường hợp ung thư vú có thể được ngăn ngừa bằng cách không uống rượu.

Muối:

Một số nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa việc ăn nhiều muối, thực phẩm có muối và việc tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Muối cũng có thể tạo điều kiện cho cơ thể nhiễm H. pylori, là một yếu tố nguy cơ được biết đến đối với ung thư dạ dày, đặc biệt phổ biến ở châu Á.

Ăn nhiều muối cũng có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Ủy ban Cố vấn Khoa học và Chính phủ khuyến nghị rằng chúng ta nên hạn chế tiêu thụ muối không quá 6g / ngày, tuy nhiên lượng muối tiêu thụ trung bình ở một số quốc gia hiện nay cao hơn mức này.

Nuôi con bằng sữa mẹ:

Nuôi con bằng sữa mẹ được khuyến khích để bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh, một số bệnh ở trẻ nhỏ, đồng thời giúp gắn kết tình cảm mẹ con. Bằng chứng khoa học mới nhất cũng chỉ ra rằng việc cho con bú giúp bảo vệ người mẹ khỏi phát triển ung thư vú và có thể làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh ung thư khác, chẳng hạn như ung thư buồng trứng.

Trong thời kỳ cho con bú, nồng độ hormone bị thay đổi vì vô kinh và vô sinh. Người ta cho rằng sự thay đổi nồng độ hormone, chẳng hạn như nội tiết tố androgen, làm giảm nguy cơ ung thư.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng, tuy nhiên ở một số quốc gia, chỉ có 1% bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng.

Với những người sống sót sau ung thư, WCRF cũng khuyến cáo rằng cần tuân theo những lời khuyên giống như những trường hợp chưa từng mắc bệnh nhằm mục đích phòng ngừa ung thư (nếu có thể làm như vậy hoặc trừ khi có lời khuyên khác).

Nhìn chung, các khuyến nghị để giảm nguy cơ ung thư cho thấy tầm quan trọng của việc tuân theo lối sống lành mạnh, năng động, lưu ý đến nhu cầu duy trì hoạt động thể chất và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Giờ đây, người ta nhận ra rằng, nên xem xét đến chế độ ăn uống tổng thể hơn là chọn ra những món cụ thể để ăn nhiều hơn hoặc tránh. Không một loại thực phẩm nào có thể cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần, và bất kỳ một loại thực phẩm nào cũng không có khả năng gây hại nếu ăn với lượng vừa phải.

Tập thể dục: 7 lợi ích của hoạt động thể chất thường xuyên
Hoạt động thể chất có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: nutrition.org.uk

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan